Cũng chẳng mấy xa xôi, vài năm gần đây, tôi chẳng còn ngửi thấy hương Tết của những ngày thơ ấy. Vì đâu nhỉ? Có thể là do thời thế đổi thay, tương lai thì sẽ luôn khác với những ngày đã cũ. Hoặc cũng có thể, tôi thay đổi. Đã lâu rồi tôi đâu còn được ỏng ẹo ễnh ương, mơ mộng như lúc còn thơ ngây.

Đã lâu rồi tôi đâu còn được ỏng ẹo ễnh ương mơ mộng như lúc còn thơ ngây
  • Những ngày Giáng sinh không lạnh!

Sài Gòn không có cái được gọi là lạnh teo thật sự, chỉ là chút đê mê phảng phất sương mai mỗi sáng mà thôi. Song, không khí Noel thì vẫn ngào ngạt và được chiếc hồn mênh mang của tôi thu nạp trọn vẹn mỗi chiều tan sở. Không lạnh, nhưng gió của những ngày này cứ hồn nhiên thổi vào người ta những làn hồi tưởng, giống như kiểu “Đón Noel này, ta nhớ Noel xưa” vậy! Cái kiểu của tiết trời đó, khiến tôi mê mệt mà gọi nó là “mùa thương nhớ” của riêng mình.

Ba gọi: “Noel có về không con?”

Con trả lời: “Về chi ba? Để Tết tây nghỉ được nhiều ngày rồi con về luôn!”

Những ngày xưa đó không lạnh, nhưng tại sao những đứa trẻ hay mang giá rét về tẩm ướp những mong chờ của các vị phụ huynh?

Những ngày xưa đó không lạnh, nhưng tại sao những đứa trẻ hay mang giá rét về tẩm ướp những mong chờ của phụ huynh
  • Tết Tây!

Về quê nghỉ được vài ngày, tự nhủ lòng phải tổng kết lại một năm cũ đã qua, đã đạt được gì? Chưa đạt được gì? Có gì cần phải khắc phục? Điều gì cần phải phát huy? Lên kế hoạch cho một năm mới đầy những hứa hẹn!

Giờ nghĩ lại những ngông cuồng của ngày trẻ hơn bây giờ, thấy sao mà mình dỏm thế! Cứ tự nhủ như kiểu một con chiên ngoan đạo – đạo tham danh tham vọng. Nhưng chỉ tham trong những mộng tưởng mơ hồ mà thôi.

Về nhà rồi, thời gian để dành nhổ tóc ngứa cho mẹ, trèo lên cửa sổ tháo rèm đi giặt, sắp lại đống đồ bùi nhùi trong tủ quần áo, đi đánh cầu với thằng em trai, trò chuyện mông lung với cô hàng xóm, chạy ra chợ mấy vòng mua cả thế giới… đủ thứ việc để làm, thời gian đâu mà ngồi lên kế hoạch vẽ vời.

  • 25 Tết,

Mẹ hỏi: “Khi nào về con?”

Con trả lời: “Con đi tình nguyện xong sẽ về”, “Con chạy việc này cho xong trước Tết rồi con về”,…

Thật ra, chung quy lại là dời lịch về càng trễ càng tốt, ở nhà càng ít càng vui. Trước khi về thì tôi đã nghĩ như thế đấy! Đúng thật, tôi bày đủ trò để làm, để về Tết trễ một xíu. Có lúc “khoe” với chúng bạn rằng “tao tới 28, 29 Tết mới được về, nhiều việc quá!”. Khoe giả trân chỉ để họ thấy mình bộn bề với công việc, kiểu của một kẻ tham công tiếc việc hay gì đó, tôi chẳng hiểu nổi mình những ngày đó.

Về nhà rồi, thời gian để dành nhổ tóc ngứa cho mẹ, trèo lên cửa sổ tháo rèm đi giặt, sắp lại đống đồ bùi nhùi trong tủ quần áo, đi đánh cầu với thằng em trai, trò chuyện mông lung với cô hàng xóm,…
  • 28 Tết,

Con hỏi: “Mẹ chuẩn bị làm bánh thuẫn chưa?”

Mẹ trả lời: “Đợi mày về làm chung, chứ có mình tao làm buồn lắm!”

Con đáp: “Vậy sao làm kịp giao bánh cho người ta?

Mẹ vẫn ung dung: “Có mày mà, nguyên ngày làm bánh thuẫn hổng lẽ hông kịp?”.

Rồi xúm xính cân bột cân đường, tíu ta tíu tít, vừa làm vừa kể nhau nghe những câu chuyện người dưng – nhưng lại hấp dẫn vô cùng. Ngày đó mẹ đâu dám mua máy đánh trứng, vì đâu có tiền, khuôn bánh cũng đi mượn của bà ngoại. Tôi đánh trứng đánh bột muốn rã rời hai cánh tay, nhưng vẫn cố giành làm để mẹ đỡ mỏi.

Đêm 28, 29, 30 Tết, chúng tôi ngồi nướng bánh với những câu chuyện đời không hồi kết. Những đêm đó, mới chính là Tết của tôi.

Tôi chỉ biết về bánh thuẫn, về những đêm cận Tết lành lạnh, cùng mẹ ngồi nướng bánh chuyện trò.

Tôi không biết gói bánh chưng bánh tét, cũng chưa lần nào trải nghiệm cảm giác cùng gia đình lớn nhỏ ngồi bên nhau quanh nồi bánh và bếp lửa hồng. Tôi chỉ biết về bánh thuẫn, về những đêm cận Tết lành lạnh, cùng mẹ ngồi nướng bánh chuyện trò.

Những ngày hiện tại, tôi nhớ về bánh thuẫn và mẹ như những ngày Tết ấm nồng, mãi mãi. Đã nhiều năm rồi, không còn làm bánh với mẹ như thế, Tết đã không còn mang nhiều mong đợi trong tôi.

Đi tìm đâu những ngày Tết đầy vị yêu thương ngày xưa ấy?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm