Điều gì làm nên ý nghĩa của một người cha hoàn hảo trong mắt các con của mình?

Làm cha mẹ tích cực đang trở thành một môn nghệ thuật mà các bậc phụ huynh hiện đại ngày nay đang theo đuổi. Không có một tiêu chuẩn cố định nào được đưa ra để đánh giá một người cha hoàn hảo, nhưng một người cha tốt sẽ luôn có mặt trong mọi khoảnh khắc quan trọng của gia đình và con trẻ. Mối quan hệ giữa những ông bố trẻ với con cái rất khác so với những gì họ từng trải qua với cha của mình. Đặc biệt, trong các gia đình có những cặp song sinh, vai trò của người cha lại càng quan trọng. Những thay đổi trong phong cách nuôi dạy con cái không chỉ có tác động tới người mẹ, mà còn ảnh hưởng nhiều đến các người cha. Nam giới ngày nay có nhiều lựa chọn hơn để làm tròn nghĩa vụ là người cha, người chồng hoặc người bạn đời không thể thiếu trong một gia đình hạnh phúc, ấm êm.

Nguồn: Internet

1. Tầm quan trọng của người cha trong quá trình nuôi dưỡng những đứa trẻ song sinh

Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, những người cha biết cách chia sẻ trách nhiệm gia đình thường sẽ vun dưỡng nên những đứa trẻ có lòng tự trọng cao. Mối quan hệ cha con đầy tình cảm và gắn kết sẽ thúc đẩy sự phát triển thành tích của trẻ em. Cha yêu thương một cách thầm lặng, đưa ra hướng dẫn hợp lý, quyết đoán, không tùy tiện áp đặt ý chí của con,… Tất cả những điều đó sẽ giúp các con phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Thành quả đạt được của trẻ chỉ tốt khi cả cha lẫn mẹ kết hợp hài hòa và đồng nhất với nhau trong việc nuôi dưỡng. Đơn giản như dành thời gian gần gũi con, chia sẻ cùng con mọi cảm xúc, hiểu được việc làm của con, luyện cho con tính kiên định, sự công bằng và tinh thần kỷ luật… là một loại chất kết dính hữu hiệu thắt chặt tình thân trong gia đình.

Nếu mẹ là người mang lại cho các con cảm giác của sự ấm áp thì cha lại có khả năng mang đến cho con cảm giác an toàn. Con trẻ thường sẽ tìm sự an ủi khi sà vào lòng mẹ, nhưng mưu cầu sự ủng hộ sáng suốt khi ở bên cạnh cha. Mẹ biết cách vỗ về con, còn cha cho con sự động viên, khuyến khích. Tóm lại, cha mẹ luôn là hậu phương vững chắc cho những đứa trẻ của mình. Trong đó, vai trò che chở, dẫn dắt của người cha luôn được khẳng định rõ, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều ông bố dấn thân vào hành trình chăm sóc và dưỡng dục các con cùng với vợ mình. 

  • Đối với mẹ

Sự ủng hộ từ phía bạn đời có tác động tích cực đến người mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Nếu một người mẹ có thể trông cậy vào chồng mình trong công việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, cân đối những sinh hoạt phí và có những dự định rõ ràng cho gia đình trong tương lai, hẳn nhiên sẽ cảm thấy hạnh phúc và có khuynh hướng trở thành người mẹ, người vợ tốt hơn trong gia đình. 

Bên cạnh đó, việc được ủng hộ về mặt tinh thần của người cha sẽ giúp người mẹ có đủ năng lực và sự nhạy cảm để nuôi con, nhất là khi con còn đang ở giai đoạn thơ ấu. Mẹ có tâm tâm lý an lòng khi có sự hiện diện của chồng mình bên cạnh trong những ngày nhọc nhằn với con nhỏ. Không chỉ có mối quan hệ tốt đẹp với con cái, mà tình cảm vợ chồng ngày càng bền chặt hơn khi cả cha và mẹ cùng sẻ chia trách nhiệm, thấu hiểu và nắm tay nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn trên hành trình nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình. Nền tảng của một gia đình hạnh phúc được xây nên từ chính sự vững chắc trong các mối quan hệ thường ngày như vậy.

Đặc biệt, khi gia đình bạn đón nhận những đứa trẻ song sinh, việc chia sẻ trách nhiệm chăm sóc các con lại càng quan trọng hơn. Các ông bố hoàn toàn có thể giúp cho vợ mình tránh khỏi trạng thái trầm cảm sau sinh. Bạn biết đấy, không thiếu những câu chuyện buồn về những người mẹ bị trầm cảm sau sinh, họ không đủ tỉnh táo để giữ cho bản thân và các con mình an toàn. Nhất là khi, những đứa trẻ sinh đôi thường sẽ vắt cạn sức lực và năng lượng của người mẹ trong những năm đầu đời.

  • Đối với các con

Những tiến bộ trong khoa học thần kinh đã chứng minh rằng khi trẻ em trải qua những năm đầu đời – đặc biệt là 1000 ngày đầu tiên – trong môi trường nuôi dưỡng và kích thích, bộ não của các em có thể phát triển với tốc độ tối ưu. Bởi thế, nếu các ông bố tận dụng được thời gian vàng này để gắn bó với con trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời, họ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong sự phát triển của con, xây dựng cho con nền tảng sức khỏe và tâm lý vững mạnh, lòng tự trọng và sự hài lòng trong cuộc sống.

Trước kia, chúng ta vẫn nghĩ sự phát triển của con cái hầu như tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa chúng với người mẹ. Nhưng ngày nay, chúng ta phải thừa nhận rằng người cha luôn đóng vai trò quyết định trong việc nuôi dưỡng và dẫn dắt sự phát triển của con cái. 

Người cha cũng có thể chăm sóc và tỏ ra khá nhạy cảm khi chăm con mọn không kém gì so với người mẹ. Trong quá trình các con trưởng thành, cha còn kiêm nhiệm vai trò hướng dẫn cho con phát triển về mặt tri thức và xã hội. Chính lúc vui đùa cùng những đứa con nhỏ của mình, là lúc cha đang giúp các con phát triển toàn diện nhất.

  • Đối với gia đình và xã hội

Các nhà xã hội học đã từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của người cha trong một gia đình hạnh phúc – nhân tố tạo nên một xã hội thịnh vượng. 

Những đứa trẻ không thể lớn lên một cách hạnh phúc khi bố mẹ luôn tranh cãi nhau mọi chuyện, hay chỉ gần gũi với mẹ mà thiếu vắng hình ảnh của bố trong thời thơ ấu. Những đứa trẻ không hạnh phúc sẽ không đủ nội lực để tạo nên thành công, để trở thành người tử tế một cách trọn vẹn, để sống một đời ý nghĩa. Một xã hội đầy rẫy những người chịu nhiều tổn thương về tâm lý gia đình, liệu sẽ là một nơi đáng sống?

Nguồn: Internet

2. Làm thế nào để trở thành một người bố hoàn hảo trong mắt những đứa trẻ?

2.1. Khi các con còn trong bụng mẹ

Người phụ nữ khi mang trong mình một sự sống sẽ phải trải qua nhiều rối loạn về thể chất, tâm lý và toàn bộ cuộc sống. Điều này càng tồi tệ hơn khi cô ấy mang thai một cặp song sinh. Người mẹ phải đối mặt với vô vàn những khó khăn và hội chứng khác, nhiều hơn hẳn những thai kỳ thông thường. Vì thế, sự hỗ trợ về mặt tâm lý và cuộc sống của người cha là cực kỳ quan trọng. 

Sự diễn biến phức tạp trong tâm lý sẽ khiến cho người mẹ trở nên căng thẳng và dễ nổi cáu với cha. Nếu bạn là một người cha nóng tính, hãy nhân lúc này rèn luyện việc kiềm chế bản thân và xoa dịu mẹ. Sự thật là vợ bạn không cố ý tạo nên áp lực và căng thẳng cho cả hai, chỉ là cô ấy đang cần được thả trôi những bức bối trong người ra ngoài. Khi được giải phóng những năng lượng tiêu cực, cô ấy và các em bé sẽ thoải mái hơn, sẽ bình thường trở lại.

Sự quan tâm, chăm sóc và trò chuyện của cha khi các con đang còn trong bụng mẹ cũng là một tác nhân quan trọng giúp cho sự phát triển của các con ngày một rõ ràng. Nếu mẹ không còn đủ sức để làm những công việc nhà thường ngày, cha đừng ngần ngại mà hãy giúp mẹ thực hiện. Những món ăn quen thuộc có thể sẽ không còn hấp dẫn đối với mẹ, hãy lăn vào bếp và chuẩn bị những gì mẹ muốn ăn. Hãy dành thời gian nói chuyện với các con cùng mẹ, để các con quen dần với giọng nói và sự hiện diện của cha. Mối dây liên kết giữa cha và con trẻ cũng được hình thành từ những ngày đầu tiên như thế. Những đứa trẻ được tâm sự, trò chuyện với bố từ những ngày đầu đời sẽ có một nền tảng cảm xúc và trí lực mạnh mẽ hơn.

Bố cũng cần là một chỗ dựa vững chắc cho mẹ khi đa thai phải luôn đối mặt với nhiều biến chứng, nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến cả mẹ và các con. Khi tâm lý của mẹ dao động, khi mẹ không thể tự mình đưa ra các quyết định đúng đắn nhất, sự có mặt bên cạnh, an ủi động viên của người bố chính là liều thuốc an thai hữu hiệu nhất cho cả mẹ và các con. 

2.2. Các con ở tuổi thiếu nhi

Giai đoạn ấu thơ sẽ trôi qua một cách nhanh chóng, các con bạn sẽ cắp sách đến trường, dấn thân vào xã hội, bước ra khỏi vòng tay an toàn của cha mẹ và trưởng thành. Việc đồng hành và luôn bên cạnh con trong quá trình lớn lên chính là món quà ý nghĩa mà cha mẹ dành cho bọn trẻ.

  • Hãy quan tâm và dành nhiều thời gian cho các con bạn.

Không một thời điểm nào tốt hơn cho việc gắn kết với các con là NGAY BÂY GIỜ. Bạn sẽ nhận ra mình bỏ lỡ quá nhiều thứ tuyệt vời trong cuộc đời con khi không cố tâm dành thời gian trò chuyện, sẻ chia và bên cạnh chúng. Một người cha hoàn hảo sẽ luôn có mặt khi các con cần, luôn biết đặt ưu tiên cho gia đình và cân nhắc những công việc khác bên ngoài xã hội.

Đừng để một ngày khi con lớn lên, bạn sẽ hối tiếc rằng “mình đã quá hời hợt đứng bên lề cuộc sống của con, mình đã không nghĩ rằng con mình sắp phải sống xa mình, sắp phải bước vào giai đoạn xây dựng cuộc đời riêng của chúng, mình không còn nhiều cơ hội để cùng con chơi đùa,…”

Sự tiếc nuối này có thể sẽ ăn mòn tâm hồn bạn, bởi suy cho cùng, trên thế gian này, còn gì đau buồn hơn việc xa cách với những đứa trẻ của riêng mình? Nhất là khi bạn đã bỏ lỡ quá nhiều điều tuyệt vời từ những cặp song sinh bên cạnh mình.

Hãy dành thời gian lắng nghe các con. Việc chia sẻ những dòng cảm xúc vu vơ, hồn nhiên của con trẻ sẽ tạo nên sợi dây liên kết chặt chẽ giữa cha và con. Nếu các con của bạn là những bé trai song sinh, chúng sẽ có xu hướng điềm tĩnh, vững vàng và từ tốn hơn trong mọi tình huống. Nếu là những em bé gái, các con thường sẽ bình lặng hơn, cân bằng hơn. Bởi từ nhỏ, các con đã được cha mình rèn luyện tính kiên nhẫn lắng nghe, thấu suốt phân tích vấn đề và tìm cách giải quyết.

Một vài mẹo nhỏ để bạn tăng lượng thời gian bên cạnh các con và gia đình có thể được kể đến như: dành thời gian cho những bữa ăn gia đình ấm cúng, hướng dẫn con làm bài tập về nhà, tham gia vào buổi thi đấu thể thao hay các hoạt động xã hội cùng con, đọc sách cho con nghe, cùng con chăm sóc thú cưng trong nhà, …  Bạn biết không? Những hành động tuy đơn sơ bình dị này mỗi ngày, có thể mang lại hiệu quả vô cùng lớn, không những đặt những viên gạch đầu tiên cho nhân cách chuẩn mực của con trẻ, nó còn giúp con phát triển hệ thống cảm xúc một cách lành mạnh, lại còn có thể thắt chặt tình thân trong gia đình.

  • Kỷ luật bằng tình yêu thương và nuôi dạy các con tích cực.

Trẻ em ở lứa tuổi thiếu nhi (6-11 tuổi) thường rất năng động và say mê khám phá thế giới. Trong quá trình hòa nhập với cuộc đời, con trẻ khó lòng tránh khỏi những sai phạm. Lúc này, việc đưa ra những quy tắc kiên định và hướng dẫn các con thực hiện là tối quan trọng, và người cha luôn làm tốt việc này hơn mẹ.

Việc kỷ luật các con rất cần dựa trên tinh thần tích cực. Đó không phải là sự trừng phạt, mà là đặt ra những giới hạn hợp lý. Tốt nhất là giải thích và nhắc nhở trẻ về hậu quả sau hành động của mình và tích cực thừa nhận hành vi mong muốn. Những người cha kỷ luật một cách bình tĩnh và công bằng sẽ luôn biết cách điều tiết cảm xúc của mình, sáng suốt dẫn đường để các con cư xử ngày một đúng mực và tử tế hơn.

Đối với những em bé song sinh, việc kỷ luật một cách tích cực và nghiêm túc sẽ giúp các con đi vào quy trình, nề nếp một cách dễ dàng. Khi đó, công việc làm cha mẹ song sinh của bạn sẽ nhiều phần được giảm nhẹ.

  • Hãy là hình mẫu của các con bạn.

Một người cha gương mẫu chính là cách hữu hiệu nhất để điều hướng những đứa trẻ. Ở độ tuổi thiếu nhi, trẻ em thường sẽ học theo tất cả những gì chúng nhận được từ cha mẹ và những người xung quanh. Vì thế, một hình mẫu chuẩn mực, tử tế của cha và dung hòa, ổn định của mẹ sẽ là những nguồn dinh dưỡng thiết yếu cần bồi dưỡng trong quá trình lớn lên của con trẻ.

Một cô gái dành thời gian cho một người cha yêu thương sẽ lớn lên và biết mình xứng đáng được các chàng trai đối xử tôn trọng và cô ấy học được những điều cần tìm kiếm ở một người bạn đời. Những người cha dạy con trai và con gái điều gì là quan trọng trong cuộc sống bằng cách thể hiện sự trung thực, khiêm tốn và trách nhiệm.

Sẽ tuyệt vời hơn hết nếu bạn dạy con theo cách của một giáo viên mà bạn muốn con theo học. Hãy dạy con bạn về điều đúng và điều sai và khuyến khích chúng làm hết sức mình.

  • Tôn trọng bạn đời, tôn trọng giáo viên, tôn trọng các con và tôn trọng cha mẹ khác.

Đó chính là bài học mà cha dạy các con để tôn trọng chính mình. Cha mẹ tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng các con, các con tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bạn bè giống cha mẹ mình. Chính sự tôn trọng này sẽ giúp các con giữ vững được nội lực và sự sáng suốt làm hành trang cho quá trình trưởng thành tử tế của mình. 

Bài học về sự tôn trọng càng được dạy sớm càng tốt. Đối với những đứa trẻ song sinh khi đến tuổi đi học, việc tôn trọng cá tính riêng và thành tích học tập riêng của các con sẽ giúp cha mẹ giữ được sự công bằng và biết cách phát huy sở trường của từng đứa trẻ. Có một điều tối kỵ trong việc giáo dục trẻ em, đó chính là so sánh. Cha mẹ có những cặp sinh đôi càng dễ rơi vào chiếc bẫy này. Vì thế, việc thực hành lòng tôn trọng mỗi ngày vừa để nhắc nhở bản thân, vừa để bồi dưỡng cho các con, lại vừa có thể khuyến khích các con lớn lên theo cách riêng của mình.

Nguồn: Internet

2.3. Các con đến độ tuổi dậy thì

Đến tuổi dậy thì, con trẻ ít nhiều sẽ trải qua những thay đổi trong tâm sinh lý. Theo đó, người làm cha mẹ như chúng ta cũng nhiều lần lao đao cùng các con. Các con chưa hẳn đã lớn, cũng không còn là con nít. Chúng muốn tự khẳng định mình và thoát ly khỏi sự kèm cặp của cha mẹ. Cơ hội để các con trải đời rất nhiều, nhưng cũng không ít những nguy cơ được cuộc đời tạo dựng sẵn chờ đợi sự non nớt của chúng. Những lúc này, vai trò của một người cha tốt lại càng cần được phát huy để giúp đỡ, định hướng các con một cách tinh tế, thuyết phục nhất.

  • Luôn có mặt những khoảnh khắc quan trọng của con.

Một người cha hoàn hảo là người luôn có mặt trong những thời khắc quan trọng của con: đưa con đi thi một giải đấu bóng đá của trường, ủng hộ con thi hùng biện tiếng Anh, đợi con trước cổng trường khi con đi thi tốt nghiệp. Khi con gặp những vấn đề khó khăn, cha luôn có mặt đúng lúc để tư vấn, giúp con vạch ra phương hướng giải quyết.

Nếu mẹ là người con tìm về để được xoa dịu và nâng niu, thì cha sẽ luôn là một chỗ dựa vững chắc để các con có thể yên tâm nương tựa và mạnh mẽ dấn thân. Đặc biệt, đối với những đứa trẻ sinh đôi, sự có mặt đúng lúc của cha mình luôn là một niềm động viên rất lớn khi các con thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe và tâm lý.

  • Tạo mối quan hệ với bạn bè của con.

Những đứa trẻ đang bước vào tuổi teen thường có xu hướng nghe theo lời bạn bè hơn bố mẹ. Ở độ tuổi này, các con dần làm quen và bước chập chững vào thế giới của những người trưởng thành độc lập. Thế nên, việc tìm hiểu và kết nối với bạn bè của các con là cực kỳ quan trọng, nếu bạn muốn hiểu được tâm lý và theo dõi các diễn biến trong quá trình lớn lên của con.

Mẹ có thể kết thân với những nhóm bạn gái của con gái mình, và ngược lại, bố sẽ trở thành những tri kỷ đàm đạo với các cậu thanh niên hay đi cùng con trai. Trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ này sẽ là cầu nối hiệu quả hàn gắn hoặc thắt chặt mối quan hệ giữa bạn và các con. Đôi khi, chúng cũng là “người đưa tin” tuyệt vời giúp chúng ta biết được những thay đổi bất ngờ hay sự cố đến với các con khi ta không thể ở bên cạnh. 

Từ việc hiểu và có mối quan hệ thân thiết với bạn bè của con mình, bạn cũng có thể khuyến khích con tìm đến và chơi với những người bạn tốt hơn. Bạn bè là một mối quan hệ không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng nếu bạn bè con đang tiếp xúc không mang đến tác động tích cực cho sự phát triển của con, hãy dừng lại. Hãy phân tích và chỉ rõ cho con bạn biết, đâu là một người bạn tốt đáng tin cậy và cần được tôn trọng.

  • Học cách hiểu được ngôn ngữ của con.

Lắng nghe và thấu hiểu chính là nền tảng để xây dựng nên một mối quan hệ bền vững và tốt đẹp. Mối quan hệ cha con cũng không nằm ngoài quy luật này. Sự tương thông về quan điểm và hiểu rõ những gì con nói, những hành động con làm sẽ giúp cha mẹ giữ được điềm tĩnh và sáng suốt giúp con trẻ điều chỉnh.

Tất nhiên, ở thế hệ trẻ em hiện đại ngày nay, có những ngôn ngữ hay trào lưu mới lạ, buộc cha mẹ phải liên tục cập nhật và thích ứng. Chúng ta không khuyến khích con trẻ sử dụng những hình thức ngôn ngữ sáo rỗng, phong trào, nhưng khi hiểu được con đang nói gì, ta sẽ dễ dàng bắt nhịp cảm xúc của con và gắn kết với con hơn. Đặc biệt, với những đứa trẻ bước vào độ tuổi thành niên, hay còn gọi là tuổi teen, với hệ thống tâm lý bất ổn, nhiều nhạy cảm, nếu không hiểu được con bạn đang nói gì sẽ rất nguy hiểm, đôi khi gây ra những tranh cãi và hiểu nhầm không cần thiết.

Hãy đầu tư thời gian hòa nhập vào cuộc sống của thế hệ trẻ, hãy nói chuyện của con để thấu hiểu và thông cảm như những người bạn đồng trang lứa. Đó là cách duy nhất để bạn có thể mở ra cánh cửa gắn kết gia đình và tạo bệ phóng vững vàng cho con mình bay vào đời.

  • Hướng dẫn con bạn cách quản lý tiền đúng cách.

Tiền bạc vốn là một vấn đề lớn trong cuộc sống và không ai trong chúng ta có thể khước từ tầm quan trọng của nó. Thay vì cấm đoán các con tiếp cận và sử dụng tiền bạc cho đến lớn, cha mẹ hãy thử một phương án khác phóng thoáng và hiệu quả hơn: dạy con khái niệm, chức năng, cách sử dụng và cách quản lý tiền bạc.

Làm quen với cách vận hành của dòng tiền càng sớm, con trẻ càng dễ kiểm soát cách chi tiêu và thu nạp tiền hơn trong tương lai. Với tôi, giáo dục về tài chính cũng giống như giáo dục giới tính cho con trẻ. Giúp con hiểu thấu về vấn đề, bản chất cốt lõi của tiền càng sớm, càng giúp con tự do về tài chính và không vướng mắc quá nhiều.

Quan trọng hơn, khi ở hầu hết các gia đình, bố là người đóng vai trò trụ cột về kinh tế, việc giúp thanh thiếu niên học cách tiết kiệm cho tương lai và quản lý dòng tiền là vô cùng quan trọng và cần thiết. 

Nguồn: InternetChúng ta không phủ nhận vai trò không thể thay thế của người mẹ. Song, nếu người phụ nữ có thể sở hữu những phẩm chất để trở thành CEO, thì đàn ông cũng vây, hoàn toàn có quyền năng nuôi dưỡng trẻ thơ. Không còn những định kiến rạch ròi giữa vị trí của cha hay mẹ, mà chỉ còn lại sự thỏa thuận, thống nhất của từng gia đình với từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau. 

Sự thay đổi trong tư duy làm cha mẹ của các ông bố đang tạo ra sự khác biệt. Quan niệm về một người đàn ông gần gũi, sẻ chia những gánh nặng gia đình và tầm quan trọng của mình đối với vợ con đang dần thay thế cho những ý niệm xưa cũ. Trẻ sơ sinh có thể gắn bó với bố cũng như với mẹ. Việc gắn kết thường xuyên với con trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng của người đàn ông sẽ tác động đến sinh lý, tâm lý và mọi kết quả của trẻ trong suốt phần đời còn lại của chúng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm