Hôm đó là một ngày đẹp trời giữa tháng 7, năm Covid đầu tiên. Mẹ vẫn đang còn đi làm thì nghe cô giáo gọi báo rằng Tony bị sốt nhẹ. Mẹ bình tĩnh nhờ cô trông giúp một chút để dọn dẹp bàn làm việc, xin phép về sớm và chạy đến đón con. Mẹ quen dần với việc con bị sốt rồi, nên khi đo nhiệt độ của Tony là 37.5, mẹ không lo lắng cho lắm. Con vẫn vui vẻ khi mẹ đến, về nhà vẫn chơi đùa với Willy bình thường. Mẹ cho con ăn, lau người cho con và như mọi lần, thay đồ dài tay cho con đi ngủ.

Mẹ vốn đã thả tã cho con vài tuần trước đó rồi, mẹ dùng chiếc drag chống thấm, mỗi khi con xả nước ra giường, mẹ sẽ ngồi dậy lau và thay quần cho con. Nhưng đêm đó, mẹ muốn con được ngủ ngon giấc cho đến sáng, mẹ đã mặc tã cho con. Nằm phòng máy lạnh, mẹ sợ cơ thể con yếu nên dễ hấp thụ nhiệt độ, khiến con lạnh, nên đã mang vớ cho con. Mẹ đã trang bị một bộ giáp kỹ càng cho con trong sự ngu dốt và bất cẩn. Mẹ không nghĩ rằng con đang sốt, con đang cần được giải phóng lượng nhiệt tỏa ra trong cơ thể. Mẹ đã không giúp con dọn đường cho lũ nhiệt được tỏa ra, mà lại còn chặn đứng hết mọi ngõ ngách chúng có thể thoát ra ngoài. Vậy là, chúng tích tụ lại trong con cho đến một ngưỡng cực cao, khiến con bị sốc và làm cho bố mẹ một phen hoảng loạn vô cùng tận.
Nhiệt độ cơ thể tăng cao, con vì non yếu chưa thể thích ứng được với sự nóng lên bất thường ấy, đã trở mình và co giật. Người con co quắp lại, tay chân con đơ cứng, mắt con trừng thẳng lên trần nhà, cả cơ thể cứ giật liên tục, môi con bắt đầu tím ngắt và nhợt nhạt lại. Chú bé nhỏ xíu xiu chỉ vừa 14 tháng tuổi cứ co ro giật như thế trong vòng hai hay ba phút gì đó. Khi bớt giật, người con vẫn còn co cứng lại, tay chân con vẫn cứng đơ và trong vài giây nào đó, mẹ không còn cảm thấy nhịp thở của con nữa. Trong lúc mẹ loay hoay đánh vào mông, tát vào má, xoa lưng, xoa tay cho con thì bố nhanh chóng tìm cách sơ cứu. Bố bóp miệng con tròn lại và thổi hơi vào đó, bố nói mẹ nhéo vào đùi con, cởi bỏ hết tã và quần áo trên người con ra. Mẹ hoảng loạn chỉ biết làm theo lời bố nói. Vừa làm vừa khóc, vừa gọi tên Tony của mẹ. Mẹ đã không ngăn được những suy nghĩ tồi tệ lướt nhanh qua trong đầu.
Tầm chừng hai phút sau, con đã thở hổn hển trở lại, tay chân giãn ra một chút nhưng vẫn còn đơ cứng. Mẹ dùng khăn ấm lau người cho con, bố thì nhanh chóng gọi xe để đưa con đi cấp cứu. Lúc này, bà ngoại cũng đã lên phòng và Willy cũng đã ngồi chồm dậy không biết chuyện gì đang xảy ra. Bà ngoại ôm dỗ Willy, cậu Ben soạn đồ cho con, mẹ ôm con, bố xuống bắt xe. Vậy là, bố mẹ ôm con đi bệnh viện, Willy ở nhà với ngoại và cậu Ben.
Bố mẹ chọn bệnh viện quận Tân Phú, là bệnh viện gần nhất để đưa con đến cấp cứu. Trên xe, bố mẹ liên tục gọi cho con tỉnh dậy, tay vẫn nhéo vào đùi, vỗ vào má của con, mẹ chưa bao giờ mong con khóc như lúc đó, Tony à! Chỉ cần con khóc thét lên một tiếng, mẹ sẽ mừng biết dường nào. Con không khóc, người cứ đơ ra và mắt vẫn nhìn về một điểm mơ hồ nào đó trên cao. Bố thúc bác tài xế chạy nhanh hết sức có thể, chắc bác ấy cũng bị chúng ta làm cho hoảng sợ mà vượt đoạn đường 5km, từ nhà mình đến bệnh viện, chỉ trong vòng 5 phút.

Đến trước cửa phòng cấp cứu, mẹ vội bế con chạy vào gặp bác sĩ và trình bày tình trạng của con trong sự rối bời. Dường như các cô chú bác sĩ nhận định được tình hình ngay nên rất bình tĩnh, khác hẳn với nét hốt hoảng lo lắng hiện rõ trên mặt mẹ và bố. Các cô y tá bảo sao, mẹ làm vậy. Sau khi đo nhiệt độ cho con, các cô nói mẹ đặt con xuống giường, chuẩn bị 5 cái khăn sữa và một thau nước ấm, cởi hết đồ con ra, dùng khăn nhúng nước ấm và lau vào hai nách, 2 bẹn, trán và cổ của con. Lau xong chỗ nào, đặt khăn ở ngay vị trí đó, lau chỗ khác, cứ làm liên tục như vậy. Cô làm mẫu một lần, rồi mẹ cứ theo đó mà làm để hạ nhiệt cơ thể cho con. Cô ra hiệu cho bố đi tắt cái quạt trần ngay giường của con. Lấy thêm một chiếc khăn khô lau lại nếu người con quá ướt. Thay thau nước ấm liên tục và cho con chuẩn bị một bộ đồ mát mẻ cho con, xong rồi đến quầy viết thông tin của con để làm hồ sơ bệnh án. Bố mẹ nghe theo từng lời chỉ dẫn của cô y tá, làm theo từng chút một, liên tục và tự trấn an nhau.
Khoảng 3 phút sau, cơ thể con đã mềm mại trở lại, con bắt đầu chớp mắt và khóc lên. Thú thật, mẹ không kiềm nổi một dòng cảm xúc lạ lẫm cứ dâng lên cuồn cuộn trong lòng, khiến nước mắt mẹ tuôn ra ào ạt. Mẹ vừa lau cơ thể con, vừa lau nước mắt cho mình. Chú bác sĩ tới và đo lại nhiệt độ và khám cho con, chú bảo tình trạng con ổn hơn rồi, nhiệt độ đã hạ, môi hồng lại rồi. Con bị co giật vì sốt quá cao, giờ thì bố mẹ cứ tiếp tục hạ nhiệt cho con, cho con uống thêm nước, con có mệt thì cứ để con ngủ, rồi chút nữa làm hồ sơ cho con nhập viện theo dõi. Những lời nói của bác sĩ như một liều thuốc an thần cho tâm trí của bố mẹ lúc ấy vậy. Mẹ tiếp tục lau ấm người cho con, rồi mặc cho con bộ đồ tole mỏng và mát. Chân mẹ như sắp lìa khỏi cơ thể vì mỏi, mẹ ngồi lên giường và vỗ cho con ngủ. Vì quá mệt nên con đã ngủ thiếp đi rất nhanh, mẹ cũng thẫn thờ ngồi nhìn con mà tưởng tượng lại những giây phút kinh hoàng vừa trải qua.
Bố con sau khi làm xong hồ sơ nhập viện, mua cho mẹ một ly cà phê và ngồi bên cạnh giường con, tay bố nắm lấy chiếc tay nhỏ xíu của Tony không buông. Bố xoa xoa vào chiếc tay bé bỏng ấy, đặt lên môi hôn vào, và thầm thì bên tai con rằng “luôn có bố mẹ và Willy ở bên cạnh, Tony cứ việc ngủ ngoan đi nhé!”. Rồi bố lại nắm lấy tay mẹ, truyền cho mẹ một chút hơi ấm và sự điềm tĩnh của mình.
Một cô điều dưỡng áo xanh đến giường con khoảng 10 phút sau đó, nói với bố mẹ chuẩn bị đồ đạc, theo cô lên khoa nhi để nhập viện. Tại khoa, một bác sĩ khác thăm khám cho con và tiên đoán rằng con bị sốt xuất huyết. Lúc đó đã gần 2 giờ sáng, nên chúng ta được sắp xếp giường nằm nghỉ ngơi, đợi đến hôm sau mới có thể lấy máu xét nghiệm và cho kết quả chính xác được. Mẹ nằm với Tony, bố con nằm giường bên cạnh. Tony vẫn ngủ ngoan, dù đôi khi lạ chỗ giật mình và khóc lên vì đã xả nước ra giường. Mẹ dậy lau khô cho con, thay cho con bộ đồ khác, đặt con ngủ lại trên chỗ khô, chỗ ướt, mẹ lấy đồ dơ lót lên và nằm. Một đêm dài kinh khủng.
Mẹ nhắn tin hỏi bà ngoại tình hình Willy ở nhà. Ngoại nhắn lại rằng em Willy cũng chỉ ngủ được vài phút thôi. Em ấy thức giấc và không ngủ lại được dù ngoại dùng mọi cách để dỗ dành. Có lẽ, em cũng đang lo cho anh Tony và bố mẹ nơi bệnh viện. Em cũng đã trải qua một đêm dài đăng đẳng cùng gia đình mình.

Sáng sớm hôm sau, khi đang còn mơ màng trong giấc ngủ chập chờn, mẹ được chú điều dưỡng đánh thức dậy, đo nhiệt độ cơ thể con và cho con uống thuốc hạ sốt. Tầm 6 giờ sáng, con được lấy một ít máu đi xét nghiệm. Giống như đợt trước bị viêm phổi, khi lấy máu, con chỉ khóc ré lên một tiếng, lúc cây kim chạm vào da mình, rồi thôi. Mẹ thương cho anh thanh niên dũng cảm của mẹ, ôm con vào lòng, xoa đầu và như muốn truyền hết nội lực trong người mình cho con. Con trai mẹ chỉ hơn một tuổi thôi, nhưng với mẹ, con đã rất hiểu chuyện và mạnh mẽ vô cùng.
Ông bà nội lên vào khoảng 7 giờ sáng. Bà nội ở lại với mẹ một hôm cho bố về nhà nghỉ ngơi và lấy thêm đồ cho con. Chiều hôm ấy, Tony đã khỏe hơn và có thể xuống giường đi lại được rồi. Dù vẫn còn sốt vào đêm nhưng con đã chơi đùa và nói chuyện với mẹ và bà nhiều hơn. Buổi tối, bố dẫn Willy vào thăm anh. Gặp được em, anh Tony rạng rỡ hẳn lên, hai đứa chạy đùa giỡn và cười rộ khắp trong phòng. Khoảnh khắc ấy, bao nhiêu mỏi mệt trong người mẹ những ngày qua, bằng một cách nào đó, đã tan biến hoàn toàn.
Hôm ấy là ngày thứ bảy, cuối tuần, nên kết quả xét nghiệm của con phải đợi đến qua tuần sau mới có. Bố con nôn nóng không đợi được kết quả, nên đã xin phép cho con chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để theo dõi, ngay trong ngày chủ nhật. Đến đó, con được bác sĩ khám lại và báo rằng con chỉ bị sốt siêu vi, có thể cho thuốc về nhà uống. Nhưng nỗi sợ về cơn co giật của con vẫn còn ám ảnh mẹ, mẹ đã nhờ cô bạn bác sĩ mẹ quen xin cho con nhập viện theo dõi. Con được đưa đến Khoa Thần kinh của bệnh viện, thăm khám lại và chuyển đến phòng bệnh ở cuối hàng lang.
Những ngày ở Bệnh viện Nhi đồng 2, Tony đã khỏe hơn rất nhiều. Con ăn uống bình thường trở lại, chiều chiều mẹ dẫn con xuống sân chơi trò chơi và đi dạo. Người con nổi các đốm đỏ trên mặt, dưới tay và dưới chân, nhưng nó không đau đớn và cản trở được sự năng động trong con. Con dần trở thành bệnh nhi tinh nghịch nhất phòng. Con còn quen cả cô y tá trưởng ở khoa, mỗi khi được cô phát thuốc, con đều cười và đập tay với cô. Bác sĩ ở khoa xác định con bị nhiễm siêu vi, sốt phát ban, không phải sốt xuất huyết. Chỉ cần xuất ban ra hết, con có thể về nhà.
Thời điểm nằm viện cũng là thời điểm dịch Covid 19 bắt đầu có dấu hiệu bùng phát trở lại. Bố không được vào thăm con thường xuyên vì còn phải đi làm, bà nội cũng phải về với công việc, bà ngoại lại phải chăm sóc em Willy, chỉ có mẹ với Tony quấn quýt bên nhau cả ngày ở bệnh viện. Nhiều khi người mẹ mỏi rã rời, nhưng nhìn thấy con khỏe lên từng ngày, mẹ lại được tiếp thêm một nguồn sức mạnh cực lớn.

Có một nơi mẹ rất thích ở Bệnh viện Nhi đồng 2, đó chính là Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bên cạnh hồ cá, trên đường ra căn tin. Mỗi chiều, mẹ hay dẫn Tony ra đó, ngắm cá và cầu nguyện. Mẹ hay cùng con thủ thỉ với các bạn cá rằng “Các bạn ngoan nhé, Tony khỏi bệnh và sắp về rồi, các bạn nhớ giữ gìn sức khỏe để không bị bệnh nha!” Lời mẹ nói với các bạn cá, cũng là nguyện ước của mẹ đối với Tony và Willy. Trải qua một đêm hoảng loạn hôm trước, mẹ mới nhận ra, đối với các con, mẹ không mong cầu điều gì ngoài sự khỏe mạnh trước tiên.
Con gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng 2 trong ba ngày và được xuất viện vào Thứ 4. Hôm đó, nghe tin con được xuất viện, mẹ mừng rơn. Một phần vì Tony đã khỏe hẳn rồi, phần còn lại, vì không phải xa Willy nữa khi bố và nội muốn mang Willy về quê vài ngày trong khi mẹ chăm sóc cho Tony ở bệnh viện. Mẹ thật sự không muốn tách hai con ra, nên dù đồng ý để Willy về, lòng mẹ vẫn đầy bất an. Sẽ không ai chăm những đứa trẻ tốt bằng mẹ của chúng, chắc chắn là như thế. Vậy nên, khi Willy được ở lại, Tony được về nhà, mẹ vui không tả xiết. Chúng ta lại được đùa giỡn bên nhau sau gần cả tuần xa cách. Mẹ biết các con của mẹ nhớ nhau lắm, khi hai đứa hồ hởi hẳn lên lúc gặp lại, dù sau đó không lâu lại tranh giành và đánh cắn nhau.
Khi dịch Covid thật sự bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, mẹ đã quyết định nghỉ hẳn ở nhà để toàn tâm toàn lực chăm sóc sức khỏe cho các con. Dù có lao đao trên con đường sự nghiệp của mẹ hay trì trệ với gánh nặng kinh tế trên vai bố, mẹ cũng không hối hận. Vì mẹ biết, các con ở những năm đầu đời, cần mẹ hơn ai hết, và một khi tuổi thơ rất ngắn của các con trôi qua, mẹ sẽ không tài nào lấy lại được.
Những ngày ở nhà tập trung chăm sóc cho gia đình, không phải là các con không bị bệnh nữa, mà là mẹ đã quen với việc bình tĩnh đối diện với các căn bệnh của các con. Mẹ tin, 3 năm đầu đời, các con phải được bệnh để khỏe hơn. Vì thế, mẹ phải liên tục tìm hiểu và nâng cao kiến thức chăm sóc con, nuôi dạy con thành người tử tế. Chỉ là, mẹ không còn phải để mình bị động vào những tình huống như đêm mà Tony bị co giật kinh hoàng ấy nữa.