Những ngày hè oi bức, tiết trời thay đổi thường xuyên và đột ngột, đang nắng cháy bỗng đổ mưa bất thình lình. Cơn hành xoang của tôi dâng lên dữ dội. Mỗi độ chiều tối, tôi dường như kiệt sức hoàn toàn và thường sẽ ngủ sớm hơn các con. 

Một buổi tối, khi đã rệu rã cả người sau một ngày dài, tôi nằm bệt xuống giường và chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Cảm giác như đã ngủ li bì từ rất lâu rồi, nhưng khi mở mắt dậy, tôi thấy hai cậu bé của mình vẫn còn nhiều năng lượng lắm, vẫn đang hăng say tung hết đồ chơi ra sàn! Như một thói quen, 9 giờ, tôi tỉnh dậy, giăng màn, tắt đèn, cho các con lên giường vì đã đến giờ ngủ, và nằm bệt xuống tiếp tục mê man, để mặc các con tự nói chuyện đùa giỡn trên giường, rồi khi nào muốn thì sẽ tự ngủ. 

Tới hơn 10 giờ, tôi bật người dậy vì nghe tiếng thút thít. Bình thường tôi sẽ nằm giữa hai đứa trẻ, nhưng hôm ấy tôi lại nằm ngoài rìa giường, để đảm bảo các con khi lăn lộn sẽ không bị ngã. Bên cạnh tôi là Willy, trong cùng là Tony. Tiếng thút thít ấy là của anh Tony, nhỏ xíu, nhưng đủ để làm tôi nghe thấy và đến cạnh con ngay lập tức. Thấy tôi, con mếu máo không thành lời, nước mắt chảy thành dòng làm ướt cả gối, không phải kiểu khóc thét lên vì bị la bị phạt thường ngày. Tôi biết chắc rằng con đang tủi thân vì mẹ nằm cạnh Willy mà không nằm cạnh con. 

Tôi vội nằm xuống vị trí ở giữa quen thuộc, vòng tay ôm cậu con trai đang buồn và xoa lưng cho con. Tôi không biết ôm sao cho trọn vẹn những yêu thương đang dâng lên cuồn cuộn, cùng với cảm giác có lỗi với con vô cùng. Thì ra, con trai mình lại là một em bé nhạy cảm và hiểu chuyện đến thế!

Con không khóc lớn để đánh thức mẹ và em, con cũng không leo qua người em để được nằm cạnh mẹ như mọi lần, con chỉ nằm đó và thút thít. Nếu như tôi không dậy và ôm con vào lòng ngay lúc đó, có lẽ con sẽ mệt lã người và thiếp đi trong sự tủi thân và buồn bã. Biết đâu chừng, con lại nghĩ mẹ thương em hơn thương con, tôi sẽ không biết được điều đó và con sẽ mang suy nghĩ đó mà lớn lên. Thật may là con đã thể hiện cảm xúc của mình và tôi đã đến cạnh bên kịp lúc. 

Bố mẹ nè, đừng bao giờ nghĩ rằng những đứa trẻ nhỏ xíu “đã biết gì đâu mà dạy”. Biết chứ! Các con biết sống thật với những cảm xúc, những mong muốn, những nhu cầu của bản thân. Các con đang sống với bản thể trong lành, thuần khiết nhất của một đời người. Bản thể ấy bị pha tạp, trộn lẫn và được che đậy bởi nhiều lớp vỏ bên ngoài khi chúng ta lớn lên. Thế nên mới có chuyện, trưởng thành rồi lại quay cuồng đi tìm một chiếc vé trở về tuổi thơ, an nhiên và vô tư lự. 

Những ngày xa cách bạn đời, tôi nóng giận và la rầy các con nhiều, nhưng cũng ôm các con nhiều hơn. Tôi mừng vì các con là những chàng trai tình cảm. Không khó để nhận biết sự nhạy cảm của một đứa trẻ, và tôi tin rằng nhận định của mình là đúng.

Mỗi khi thấy tôi hét lớn lên, mặt đỏ bừng và đôi mày chau lại, Willy sẽ tự động đến xoa cánh tay tôi, nhỏ nhẹ gọi “Mẹ ơi!” và dang rộng đôi tay như muốn ôm lấy cơn nóng giận đang tỏa ra từ người mẹ.

Mỗi khi thấy mẹ la em, Tony sẽ đến và hỏi “Will, sao zẫy?”, lấy tay xoa đầu em “ngoan nha”, và nhường chiếc ô tô yêu thích đang cầm trên tay cho em “Nè!”

Mỗi khi tôi không thèm nói chuyện với hai đứa, các con sẽ đến bên cạnh, giả vờ “cá sấu đây” – ý rằng sẽ rủ mẹ chơi cá sấu lên bờ, “mẹ ơi, ó ruần” (orange) – ý muốn mẹ khen vì vẫn hay nói được từ đó, hay buông một câu dài không ý nghĩa gì cả, chỉ để gây sự chú ý của mẹ.  

Nhìn sự hồn nhiên của các con mà soi chiếu lại bản thân, tôi thấy mình sống tệ quá, không bằng những đứa trẻ lên hai.

Vì sao trẻ con lại được thương yêu như thế? Vì sao em bé lại dễ được đón nhận những tình cảm ngọt ngào từ người lớn hơn? Vì sao ta luôn cảm thấy an toàn khi đứng trước một đứa trẻ, nhưng lại không có cảm giác đó khi đối diện với một người trưởng thành?

Chẳng phải vì sự hồn nhiên, vô tư của trẻ con đó sao? Vui thì cười, buồn thì khóc, giận dữ thì la hét, yêu thương ai thì gần gũi với người đó, không thích ai sẽ không đến bên, con học những gì con thấy, con nói những gì con cảm nhận, con làm những gì con thích, … chính thế mà người ta chẳng bao giờ ngại ngần khi đứng trước một đứa trẻ. Dù nó chẳng mặc một lớp áo nào cho nhân cách trong ngần ấy, ta cũng không đành lòng khiến nó tổn thương.

Đối diện với một người ngang vai phải lứa hoặc lớn hơn, ta lại sợ bị phán xét, bị soi mói, bị đánh giá, bị chỉ trích, … và, ta cũng làm điều tương tự với người khác. Trên người ta dày cộm những lớp vỏ hoài nghi, trách nhiệm, cơm áo gạo tiền, ý thức tự bảo vệ mình, tham vọng, … Dày tới đâu cũng luôn bị những mũi dao xung quanh nhắm vào. Chỉ cần một chút sai lầm cũng có thể dẫn đến tổn thương. Cũng vì khoác lên mình quá nhiều lớp áo, ta lại quên hẳn một viên ngọc lấp lánh tận sâu bên trong của mình.

Hãy thắp sáng lại viên ngọc ấy đi, vì ánh sáng của nó mới chính là ngọn đuốc dẫn đường chúng ta đi đến một cuộc sống thật sự xứng đáng, mới có thể bảo vệ chúng ta khỏi những cạm bẫy giăng đầy trên đường đời, và, chỉ có nó mới khơi lại nội lực, sức mạnh, dũng khí bên trong con để ta tiếp bước mà thôi. Chính viên ngọc đó mới là thứ giá trị nhất cuộc đời, không phải là những lớp vỏ đang vây kín bản thân, cũng không phải là những đỉnh cao danh vọng luôn che mờ đôi mắt ta đâu!

Hãy học cách sống của những đứa trẻ, sống với tận cùng những điều như nhiên mà chúng gặp mỗi ngày, sống với giây phút hiện tại, không mưu cầu một sự sắp xếp nào cả. 

Cảm ơn Tony, con trai của mẹ vì con đã thể hiện cảm xúc của mình theo cách mà con muốn, theo bản năng của con. Mẹ tin rằng đường đời về sau, dù mẹ có còn đi bên cạnh hay không, sự nhạy cảm và bản lĩnh này sẽ dẫn dắt con và em trai mình đi đúng đường, trở thành một con người tử tế với cuộc đời, với chính mình, một cách như nhiên nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm