“Nội lực của một người, được thể hiện đầu tiên qua giọng nói”.

Đây là câu nói của một người bạn tri kỷ mà tôi nhớ mãi, vì nó hay, tôi cũng cảm nhận được rằng với tôi, nó đúng.

Nội lực của một người, được thể hiện đầu tiên qua giọng nói.

Vài năm về trước bạn ấy thích một bạn gái học cùng lớp cấp 3 của tôi. Cô ấy dễ thương, xinh đẹp, học giỏi và đặc biệt là năng động. Bạn tôi bị thu hút bởi sự hoạt bát lạc quan và nội lực mà cô ấy lan tỏa đến những người xung quanh. Bạn ấy thích cô nàng nhiều lắm, có hôm đi dưới mưa chỉ để chờ gặp cô ấy trò chuyện mà thôi.

Bản thân tôi thời điểm đó là một cô gái rụt rè, nhút nhát và hay bi quan. Tôi luôn có cảm giác không bằng bạn bè, không đủ sức khỏe và năng lượng tích cực để sống cuộc đời xông pha như những bạn sinh viên khác. Rồi, tôi than thở với cậu bạn tri kỷ ấy.

Cậu ta nói với tôi như thế này: “T phải thay đổi từ từ, không thể cứ nhìn người ta sống bận rộn một cách tích cực như thế mà sinh buồn bã. Mỗi người đều có một sắc thái riêng, một tích cách riêng và một con đường đi riêng. Nhưng ai cũng phải có nội lực đặc thù của chính mình. Nội lực thể hiện ra ngoài qua nhiều cách, nhưng trước hết là ở giọng nói. T có thấy giọng nói của T hơi yếu không? Th* thì khác, giọng nói của ẻm đầy mạnh mẽ, người ta nghe là người ta có hứng nói chuyện được, và không ai bắt nạt được một người nói năng rõ ràng, thu hút…”

Cậu bạn tri kỷ ấy chỉ sinh trước tôi 1 tháng tuổi thôi, nhưng đã đi xa hơn tôi nhiều dặm đời, trên con đường của những người sẽ gặt nhiều vinh hoa.

Mỗi người đều có một sắc thái riêng, một tích cách riêng và một con đường đi riêng. Nhưng ai cũng phải có nội lực đặc thù của chính mình.

Tôi nghe mà thấy đúng quá! Giọng nói của tôi vốn mềm, mỏng và yếu hơi. Tôi nói nhiều không được, nói to cũng khó, và rõ ràng, tôi của ngày ấy, rất tiêu cực. May cho tôi vẫn còn đủ ý chí để thay đổi.

Nếu khắc họa một chân dung về mình những ngày ngây trẻ ấy, thì tôi sẽ vẽ một cô gái hình chữ nhật lớn, trong đó được chia thành 2 hình chữ nhật khác với tỉ lệ 6:4. Sáu phần trong tôi là những ngổn ngang cảm xúc, có trong mọi hành vi cử chỉ suy nghĩ của mình. Bốn phần còn lại là những ý tưởng, những quyết tâm, những phần nằm trong tầm kiểm soát của lý trí.

Mong muốn thay đổi bản thân để bắt kịp thiên hạ, tôi nghe lời bạn mình, bắt đầu thay đổi. Tôi tập lấy hơi từ bụng, tập nói những câu dài hơn, tập hát một mình, tập đọc to những bài tiểu luận, xung phong lên thuyết trình,… tôi tập nhiều lắm. Giọng nói tôi lúc đó cũng có chút thay đổi. Nhưng, buồn rằng, tôi chỉ thay đổi trong những môi trường mà mình đã thân quen, những nơi mình cảm thấy an toàn.

Khi nói chuyện, thuyết trình hay tranh luận trong lớp học của mình, thì mình nói đầy tự tin. Còn khi trình bày dự án của tổ chức với những anh chị đầy kinh nghiệm khác, hay học chung với một lớp khác, hoặc trước một đám đông nhiều người lạ khác, giọng nói của mình lại trở nên yếu ớt. Tôi không cố tình, nhưng nó đã diễn ra theo cái cách mà tôi không kiểm soát được.

Khi cảm thấy tự tin về chính mình, tự khắc phong cách, thần thái hay giọng nói đều hiện ra theo cái hướng ủng hộ mình. Ngược lại, khi chưa đủ niềm tin, khi lo lắng vẫn còn thường trực, mọi thứ đều trở nên vụng về.

Nghiệm lại thì nguyên nhân sâu xa nằm ở vấn đề tự tin. Khi cảm thấy tự tin về chính mình, tự khắc phong cách, thần thái hay giọng nói đều hiện ra theo cái hướng ủng hộ mình. Ngược lại, khi chưa đủ niềm tin, khi lo lắng vẫn còn thường trực, mọi thứ đều trở nên vụng về.

Nếu đã có sẵn sự tự tin trong người thì thật đáng trân quý. Nhưng nếu chưa đủ, phải rèn luyện, tu bổ để thêm tự tin. Tự tin mới chứng minh được nội lực của mình, chính cái nội lực đó mới có thể thu hút người khác đầu tư vào bản thân mình.

Điều này tôi đã luôn nhắc nhở mình đến tận bây giờ, để rèn giũa, để nên thân, để thành người. Chặn đường tu bổ bản thân còn dài, còn nhiều chông gai, phải đủ nội lực thì mới mong có thể vượt qua và gặt được quả ngọt mà mình mong muốn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm