Nắng chiều đang nhẹ len lỏi qua những tán lá của cây phượng già trước sân nhà ngoại. Nhà ngoại hôm nay sao lạ quá! Xung quanh không phải là nhà của cậu Ba, cậu Tư, nhà bác Bé và nhà cô Vân nữa! Mọi người đi đâu hết rồi? Sao nó chỉ toàn thấy cánh đồng lúa chín trĩu vàng ươm? Mùi lúa chín có thơm mùi bình yên, hấp dẫn cỡ nào, cũng ướm vào lòng nó hàng tấn cô đơn. Vậy nên, dù có đang nằm đong đưa trên chiếc võng mắc dưới gốc phượng già, tận hưởng cảm giác thanh bình tột đỉnh mà chị T hay nhắc đến, nó vẫn cảm thấy không vui tí nào. Cả cái cách nắng len lén chiếu nhẹ vào mặt cũng khó ưa, gió hất vài cọng tóc mai lên mặt cũng thấy ghét.

Mọi thứ xung quanh lúc này đều tẻ nhạt, nhưng cũng đủ yên ả để đưa nó vào giấc ngủ lơ thơ, như kiểu giấc mơ trưa ở một làng quê nhỏ, nên thơ và bình lặng.

Mùi lúa chín có thơm mùi bình yên, hấp dẫn cỡ nào, cũng ướm vào lòng nó hàng tấn cô đơn

Khi hai mí mắt vừa chịu chạm nhau sau một thời gian dài dỗi hờn không chịu ngủ, nó nghe tiếng lạch bạch của chiếc xe 67 thời xưa, lúc ông nội còn hay chạy vô nhà ngoại thăm nó… Tiếng xe đã nổ một hồi lâu nhưng vẫn chưa thấy người lái xe đâu. Nó lại tiếp tục mơ màng.

Cạch! Tiếng chân chóng xe chạm vào mặt sân, mạnh như sấm nổ, làm nó giật mình. Cảnh cô đơn đang ở vốn đã làm nó không vui, nay lại thêm nhiều vấn đề phát sinh, khiến nó khó chịu vô cùng. Lúc muốn tỉnh táo để làm những công việc đã định sẵn thì hai mí mắt cứ díu lại, lúc trả tự do cho chúng nó về với nhau để lòng thư thả nghỉ ngơi thì lại có người tới, không ngủ được. Chỉ mỗi việc ngủ hay không cũng không thể tự quyết định được, nó cảm thấy ức chế.

Thế nhưng, sau tất cả những ngột ngạt đó, nó lại được xoa dịu bởi sự xuất hiện người chóng xe mạnh bạo kia. Là ba. Đã lâu lắm rồi không được gặp ba, ba đi làm ở đâu xa lắc xa lơ, để nó ở lại với bà ngoại 18 năm trời rồi. Thật sự là ba, ba đã về với nó rồi đây!

Người đàn ông cao to vạm vỡ với mái tóc chấm mang tai, chẻ hai mái kiểu lãng tử mà nó hay thấy trong hình, bước nhẹ đến bên chiếc võng và xoa đầu nó. Chẳng nói chẳng rằng mà ôm nó vào lòng, hai bàn tay cứ vỗ về lên chiếc vai gầy nhom đang nhô rõ hai cục xương ra. Ba đang làm gì vậy? Ba đang tháo chiếc nút chặn dòng nước trên mắt nó bao lâu nay sao? Ba kỳ quá! Ba càng vỗ, áo ba càng ướt đẫm vì nước mắt.

Ba đi đâu từ hồi nó mới được 8 tháng tuổi, giờ mới về thăm nó? Lúc mới chập chững biết đi, nó đã được gửi vào ngoại để cho mẹ đi chăm ba bệnh ở bệnh viện trên thành phố. Rồi từ đó trở đi, nó chỉ biết ba qua hình ảnh – chiếc hình với một gương mặt, một nụ cười chẳng bao giờ thấy thay đổi trên bàn tổ tiên. Khi một ai đó kể về những chuyện của ba, nó cũng chỉ hình dung ra gương mặt đó đang cười, đang nói, đang giận hờn, đang la mắng, đang say sưa, đang tập trung làm việc, đang ôm hôn mẹ con nó…

Nó đã sống cùng những hình ảnh về ba như vậy 18 năm rồi. Biết nói với ai, biết nói thế nào cho hết, rằng nó nhớ ba nó dữ lắm! Thèm được biết mùi hương của ba là như thế nào, cái vị của việc có ba ở bên cạnh là ra sao dữ lắm! Nếu có ba kề bên nó, chắc chắn nó sẽ không phải chịu nhiều thiệt thòi đến như vậy, chắc chắn cuộc đời nó sẽ tươi sáng hơn bây giờ rất nhiều.

Nó sẽ được đến trường đại học mà nó luôn mơ ước, như chúng bạn vẫn hay kể về những ngày lăn lê bò trường trên giảng đường. Nó sẽ được đi làm thêm ở những quán bánh mà ngửi mùi thôi cũng đủ mê đắm rồi, làm bánh là chân ái của cuộc đời nó mà. Nó sẽ được mặc những bộ đồng phục thanh lịch tại các khách sạn lớn trong nước, sử dụng nghiệp vụ mà mình học được để hiện thực hóa các ngành mình học – ngành nhà hàng khách sạn. Nó sẽ được đi chơi, đi xem phim với lũ bạn, đi dự hội thảo này kia với chị T, đi đây đi đó cho đã đời những năm tháng chỉ biết miệt mài đèn sách ở nhà với ngoại. Nó sẽ được sống một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ vừa thi xong đại học, vừa mang hành lý, mở cửa bước vào đời.

Nếu có ba kề bên nó, chắc chắn nó sẽ không phải chịu nhiều thiệt thòi đến như vậy, chắc chắn cuộc đời nó sẽ tươi sáng hơn bây giờ rất nhiều.

Nhưng, sự thật là ba đã không ở cạnh nó suốt bao nhiêu năm rồi. Giờ ba về thăm nó, để nhìn cái cuộc sống xuân xanh gắn liền với chiếc võng của nó thôi sao? Ba về chỉ để cho nó được khóc thôi sao?

Tay ba dừng lại, không vỗ vào vai nó nữa. Ba đứng lên, vẫn giữ một sự im lặng và một nụ cười hiền bao lâu nay in sâu trong đầu nó như thế. Cùng lúc, mẹ từ trong nhà ngoại bước ra. Thấy ba, mẹ vội chạy ào tới, tay đánh liên tục vào ngực ba mà khóc, khóc lớn hơn nó rất nhiều. Như thể lâu lắm rồi trời mới đổ một trận mưa to, sau bao năm khô hạn kéo dài. Cõi lòng của mẹ con nó cũng như những mảnh đất đã nứt nẻ, đã khô cứng cằn cõi từ lúc nào, ba về, lại mang đến một cơn mưa làm mềm tất cả. Viên đá chai sạn cũng được những vỡ òa hóa mềm mại.

Mẹ vẫn còn đánh ba và vẫn còn khóc to lắm. Nó vẫn nằm dài trên võng say sưa ôm trọn hình ảnh có ba có mẹ như vầy, ba đứng yên đó cho mẹ trút giận, mẹ tựa vào ba khi đã mệt nhoài.

Tiếng dây võng “xoạc” một đường dài khiến nó giật nảy mình. Nó ngước mặt nhìn ngược lên, chiếc dây võng đã đứt một nửa theo chiều ngang rồi. May thay vẫn còn một nửa giữ nó lại trên chiếc võng, nếu không, nó đã ngã sống soài trên mặt đất. Chiếc dây đã quá cũ rồi, đã cột cuộc đời nó với cây phượng già gần hai năm rồi, có lẽ cũng đã đến lúc cần thay. Hai năm nằm võng cũng đủ để nó tạo nên một thói quen ngắm nhìn mọi sự thật chậm rãi và kỹ càng. Nhìn chiếc dây đứt thật lâu, lại nhiều ý nghĩ ập đến, nó lại miên man với các dòng suy ngẫm về cuộc đời, đối thoại với chính mình.

Chợt nó nhớ tới ba. Ba về rồi, nó sẽ nhờ ba thay dây võng cho nó. Nó quay phắt lại, mất hai giây nhắm mắt lại để máu trở về dòng chảy bình thường, để nó có thể cảm nhận được mọi việc như bình thường. Nhưng, khi mở mắt ra, cả ba và mẹ đã không còn ở đó nữa rồi!

Ba về rồi, nó sẽ nhờ ba thay dây võng cho nó.

Nó nhắm mắt một lần nữa, mong rằng khi mở mắt ra sẽ lại nhìn thấy ba mẹ, hay đúng hơn là, để chắc rằng ba mẹ đã thật sự không còn ở đó nữa. Đúng rồi, ba mẹ lại tiếp tục trả nó về với cô đơn. Nó không khóc nổi. Nó chỉ có thể tiếp tục nhắm mắt lại, gặm nhắm màn đêm mà sự đoàn tụ của hai mí mắt đem đến. Nó đã quen với việc tự nói với mình, tự an ủi bản thân rằng “có gì đâu phải sợ, mình đâu phải lần đầu sống một mình”.

Rồi, nó thiếp đi…

Nó nhẹ nhàng thức giấc, mở mắt dậy, vẫn thấy mình nằm trên chiếc võng với chiếc chân sắt cứng cáp, mẹ vẫn nằm bên cạnh, trông chừng nó, vẫn không thấy ba đâu. Nhìn xuống, nó vẫn thấy một chiếc bụng to đùng đã theo nó mấy tháng nay.

Nó, 18 tuổi, vừa thi đại học xong, đi học được chục ngày thì xin bảo lưu kết quả. Chỉ vì bụng nó chứa một khối u ác tính đang lớn lên mỗi ngày.

18 tuổi – 18 năm đèn sách miệt mài, hy vọng vào một tương lai oanh oanh liệt liệt như đám bạn, không nghèo nữa, không lạc hậu nữa.

18 tuổi – người ta nhìn vào nó và hỏi “khi nào sinh con?”.

18 tuổi, nó khép hờ cánh cửa đại học lại, chỉ để nằm trên võng, đắp thuốc, uống thuốc, ăn và đọc sách về ung thư.

18 tuổi, bạn bè nó đang học quân sự, nghe bảo vui lắm, nó nằm lì ở nhà, nhìn cái vui của bạn bè như một điều xa hoa, như việc gặp lại ba vậy, vừa hạnh phúc, vừa ganh tỵ, vừa dỗi hờn.

Ba mẹ lại tiếp tục trả nó về với cô đơn

Nó chỉ thèm được sống một đời bình thường mà thôi, không có ba bên cạnh cũng được, chỉ cần bình thường như bình thường mà thôi.

Nhắm mắt lại, nó chỉ nghĩ được như vậy, cứ nói với bản thân mình như vậy, cứ âm thầm chịu đựng và ước mong như vậy. Làm gì có ai hiểu được mình muốn gì cơ chứ, họ đâu có khối u như nó, nên nó nào dám kể với ai. Dù có nói với mẹ, với chị T – những người thân thiết nhất – bao nhiêu lần đi nữa, họ cũng nghe thôi, đâu thể đau dùm nó, đâu thể sống dùm cuộc đời trớ trêu của nó…

Có lẽ, chỉ có ba, quanh quẩn đâu đó bên đời, mới hiểu tận cùng sự cô đơn của nó mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm