Tôi vẫn hay nói vui rằng những ai chọn trở thành Ghostwriter đều là những chiến binh thầm lặng phía sau hào quang thành công của các tác phẩm, chiến dịch liên quan đến viết hoặc sáng tạo một nội dung nào đó.

Vậy chính xác thì những người viết thầm lặng này là ai và tính chất công việc của họ là gì?

1. Ghostwriter/Ghostwriting là gì?

Theo định nghĩa từ Google:

– Ghostwriter (n): a person whose job it is to write material for someone else who is the named author.

Tạm dịch nôm na là người “chấp  bút thuê” cho người khác và tất nhiên họ sẽ không đứng tên cho tác phẩm mình viết ra. Theo đó, ghostwriting là công việc chính của họ, lặng lẽ đứng sau sân khấu mà tạo nên thành quả. 

Bởi bản chất âm thầm đó, để tỏ lòng tôn trọng và yêu thương, tôi gọi ghostwriter là “những người viết thầm lặng.”

Nguồn: unsplash.com

 

2. Những tố chất cần có của “Người viết thầm lặng” 

  • Viết với phong cách riêng biệt

Như bạn thấy đó, tên gọi trên bao gồm hai vế: “người viết” và “thầm lặng”. Để có đủ nội lực đi lâu dài trên con đường này, trước tiên, bạn phải là một người viết điêu luyện. 

Trước khi viết hay, bạn cần phải đảm bảo viết đúng từng câu từ. Những thể loại văn tả, nghị luận, phản biện và các phép so sánh, ẩn dụ, hoán dụ… cần được áp dụng đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh. Hãy xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức cơ bản vững vàng để tạo nên một phong cách viết riêng biệt.

Kỹ năng viết là một điều kiện không thể thiếu của một người cầm bút. Tuy nhiên, đừng lo lắng nếu bạn đang cho rằng bản thân không có năng khiếu chơi chữ. Tin vui rằng bạn hoàn toàn có thể luyện tập kỹ năng này bằng cách rèn luyện thói quen viết mỗi ngày. 

Việc hiểu được bản thân theo trường phái ngôn ngữ nào sẽ giúp bạn định hình được cách hành văn và thể loại mình theo đuổi. Nghề “viết thầm lặng” không bó buộc người viết chỉ trung thành với duy nhất một kiểu. Tuy nhiên, nếu có thể xác định được chất riêng của bản thân, bạn sẽ dễ dàng khiến khách hàng nhớ đến mình hơn.

Bạn yêu thích văn học lãng mạn, vậy cách diễn đạt bạn hướng đến như thế nào?

Bạn đam mê tài chính kinh doanh, vậy trình bày một nội dung về hàng loạt các số liệu hay thông tin khô cứng ra sao?

Chúng ta không thể dùng giọng văn tả cảnh hai người đi dạo lãng mạn dưới tán cây trong bài viết về thị trường chứng khoán và ngược lại.

  • Kết nối và tạo dựng mối quan hệ

Đặc tính hấp dẫn của công việc viết lách chính là được hoạt động tự do. Việc có cho mình các mối quan hệ chất lượng sẽ giúp bạn  tăng khả năng được nhiều khách hàng biết đến.

Hiện nay, có khá nhiều các lớp học bồi dưỡng phong cách viết và sáng tạo tại Việt Nam, bạn có thể cân nhắc tham gia để mở rộng vòng tròn kết nối của mình. Thông qua những lớp học này ngoài nâng cao khả năng viết bạn còn có cơ hội gặp gỡ và trôi đổi với những cây bút chuyên nghiệp khác, kể cả nhà xuất bản.

Lưu ý nhỏ, cần chọn lọc các công việc có sự rõ ràng về công ty, doanh nghiệp, bảng mô tả công việc đính kèm. Hiện nay có rất nhiều bài tuyển dụng người viết tự do, nhưng thực chất là viết đánh giá cho các sản phẩm kém chất lượng, website không uy tín. Đặc biệt, bạn tuyệt đối không nên cọc thế chân cho bất kỳ công việc online nào có yêu cầu trong bản tin tuyển dụng. 

  • Kiên trì và luôn học hỏi

Ở bất cứ lĩnh vực nào, sự kiên trì và cầu tiến luôn là những tố chất cần thiết để phát triển và gặt hái những thành tựu xứng đáng. Những yếu tố này lại cần hơn khi bạn trở thành một “người viết thầm lặng”. Bạn cần bồi dưỡng bản thân ngày qua ngày và luôn ý thức điều chỉnh câu chữ của mình một cách trọn vẹn, chất lượng hơn .

Viết, viết và viết. Bất kỳ một ý tưởng nào xuất hiện trong đầu, dù là thoáng qua, hãy ghi chép chúng lại.

Có thể hôm nay đó chỉ là những câu chữ lộn xộn không đầu không đuôi, nhưng biết đâu mai sau lại là tư liệu quý cho bạn để tạo nên một tác phẩm tròn trịa.

Cập nhật tin tức và đọc thêm các tác phẩm nổi tiếng cũng sẽ giúp bạn có nhiều tư liệu về cách dùng từ, đặt câu trong việc viết lách.

Nguồn: unsplash.com

3. Những lầm tưởng phổ biến của một “người viết thầm lặng”

  • Không cần quan tâm đến tác quyền và bảo mật

Như bạn biết đấy, một “ghostwriter thầm lặng” sẽ không đứng tên cho tác phẩm, nội dung mình viết ra. Thay vào đó sẽ là tên khách hàng của bạn (ta hiểu là người bạn sẽ chấp bút thay).

Việc không quan tâm và hiểu rõ những cam kết bảo mật cần thiết sẽ dẫn bạn đến những sai phạm về bản quyền không đáng có sau này.

Ví dụ như, bạn là một ghostwriter vừa nhận được một công việc viết thay cho người A. Tuy nhiên giữa bạn và A không ký các hợp đồng về bảo mật. Sau khi gửi bài dưới bút danh A, bạn vẫn đăng bài viết ấy dưới bút danh của mình lên các trang mạng xã hội khác. Việc làm này là đi ngược lại quy tắc của một ghostwriter. Bạn có thể không gặp vấn đề về mặt pháp luật, vì giữa bạn và khách hàng không tồn tại một hợp đồng ràng buộc nào cả. Tuy nhiên, bạn sẽ đánh mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu mà bạn đang xây dựng, và mất đi nhiều khách hàng tiềm năng trong tương lai. 

Viết và đứng tên tác phẩm của mình là điều tất cả những người viết mong muốn. Dẫu vậy, khi chọn trở thành một ghostwriter bạn phải chấp nhận việc âm thầm đứng phía sau. Tác phẩm bạn viết thay có thể sẽ thành công vang dội và bạn dễ cảm thấy tủi thân vì tên tác giả không phải mình, khi ấy bạn cần tìm về lý do mình bắt đầu và học cách tôn trọng các cam kết.  

  • Để cảm xúc can thiệp vào quá trình viết

Giữ cho mình một sự cân bằng về mặt cảm xúc là rất cần thiết trong khi làm việc, đặc biệt là với những công việc mang tính tự do như freelance ghostwriter. Không một độc giả nào muốn đọc những bài viết quá ướt át hay đặc màu cảm xúc cá nhân. Vì thế, hãy đảm bảo rằng bạn kiểm soát được cảm xúc của mình trong quá trình viết, nhất là khi viết với tư cách của một người khác. 

Ghostwriter ở Việt Nam thường có mặc cảm tội lỗi, tạm hiểu như lừa dối người đọc. Bởi các nội dung, tác phẩm thường được phát triển dựa trên chất xám chứ không thiên về hoạt động thể chất. Việc chấp bút hộ thường dễ khiến người viết lẫn người được viết cảm thấy mình thiếu thật thà trong sáng tác.

Đây là những cảm xúc không nên có và cần được kiểm soát trong quá trình hành nghề. Ghostwriter là một nghề chính thống và bạn không việc gì phải cảm thấy sai trái cả. Bạn đang dùng năng lực của mình để kiếm tiền, và khách hàng của bạn đang trả tiền cho bạn để phục vụ cho những mục đích chính đáng của họ. 

Thay vì mặc cảm về việc viết thay cho người khác, những “người viết thầm lặng” chúng ta nên cảm thấy tự hào vì mình đã góp phần tạo nên thành công cho một sản phẩm sáng tạo đích thực.

Ở khía cạnh còn lại, khách hàng cũng cần nêu đúng và đủ các giá trị cốt lõi đến người viết để thông điệp hoặc giọng văn luôn được truyền tải được chính xác. Nói cách khác thì đây là sự hợp tác đôi bên chứ không hẳn là nỗ lực của riêng một cá nhân nào. Đó là một mối quan hệ win-win, hai bên đều được hưởng lợi và có những thỏa thuận rõ ràng với nhau.

  • Chỉ tập trung một lĩnh vực

Nguồn: unsplash.com

Đối với một người viết, xác định được văn phong đặc trưng của mình là đúng, nhưng không đủ nếu bạn chọn trở thành một ghostwriter chuyên nghiệp. Một người viết thầm lặng cần khai phóng bản thân để nhập vai vào khách hàng mà tạo nên sản phẩm. Biết đa dạng lĩnh vực sẽ giúp các cây bút thầm lặng mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

Chẳng hạn như, thông cáo báo chí là một dạng nội dung có nhu cầu thuê ghostwriter khá cao. Các doanh nghiệp lớn bắt đầu có xu hướng tìm kiếm những cây bút chuyên nghiệp để viết thông cáo báo chí hay bài diễn thuyết thay cho lãnh đạo. Hoặc nghệ sĩ cần một người giúp soạn trước câu trả lời cho những buổi phỏng vấn quan trọng. Phạm vi của ghostwriter không chỉ dừng lại ở viết thay cho một số tác giả văn học hay review sản phẩm trên các diễn đàn. 

Bên cạnh đó, bổ sung kiến thức về marketing, cách viết chuẩn SEO, cập nhật từ khóa giúp tối ưu hóa việc tiếp cận người đọc cũng là việc tất yếu nếu như bạn nhận các hợp đồng chấp bút cho những dự án dài hạn.

  • Tự do thể hiện cá tính của riêng mình

Một trong những sai lầm phổ biến khác mà nhiều “tấm chiếu mới” trong nghề hay gặp phải, chính là hời hợt trong việc tìm hiểu kỹ về khách hàng của mình.

Thử tưởng tượng, bạn được thuê để viết thay cho nhà văn A, vốn có lối hành văn ngắn gọn xúc tích và đánh thẳng vào vấn đề. Nhưng trái lại bạn là người giàu tình cảm, cách viết thường mang nhiều tính ẩn dụ, so sánh dài dòng, điều này vô tình khiến nội dung bạn viết ra sẽ không có phong thái của nhà văn A.

Thấu hiểu khách hàng của bạn sẽ giúp cho nội dung, tác phẩm được thống nhất về mặt cảm xúc, câu văn đối với người đọc. Hạn chế tối đa việc mất thời gian chỉnh sửa giữa người viết và người được viết. Một ghostwriter biết cách hóa thân sẽ có thể sử dụng nhiều giọng văn khác nhau, dựa trên đối tượng khách hàng. 

Đừng ngại đặt ra câu hỏi để hiểu hơn về nội dung hoặc các giá trị bạn phải truyền tải. Trao đổi kỹ lưỡng với khách hàng để nhận phản hồi cho sản phẩm viết là cách rèn luyện tính linh hoạt, nâng cao tay nghề cực hiệu quả.

  • Không cần nâng cao kỹ năng mềm

Bạn tôi thường trêu tôi rằng một kẻ hướng nội, lại còn theo nghề viết thì rất dễ rung động trước cái đẹp mà quên đi thực tại.

Gọi người viết có cái tôi nghệ sĩ cũng không quá lời. Tuy vậy, những ai theo nghiệp viết hẳn sẽ hiểu rõ, dù có mơ mộng đến đâu cũng cần lưu tâm trau dồi các kỹ năng làm việc giữa người với người.

Ví dụ cụ thể nhất là việc nhận phản hồi từ khách hàng. Sẽ có những lúc nhận được vài phản hồi không hay về tác phẩm của mình, thay vì buồn bởi những ý kiến trái chiều, bạn hãy hiểu rằng đây là công việc và mình cần hóa thân sao cho tròn vai. Việc được độc giả bình luận và đưa ra nhận xét là một điều tích cực, nó giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, cảm nhận những gì chúng ta đã viết dưới góc độ của người đọc. Suy cho cùng, “tác giả đứng tên” thì luôn muốn bạn hóa thân thành họ một cách hoàn hảo nhất có thể. Những lúc này, hãy tạm bỏ qua cái “tôi nghệ sĩ” và đón nhận mọi phản hồi ở khía cạnh tích cực nhất. 

Một kỹ năng quan trọng tiếp theo là có trách nhiệm với các cam kết và giữ kỷ luật với bản thân. Điều này hướng đến mục tiêu là đảm bảo tiến độ công việc như đã thỏa thuận. Đa phần những cây bút tự do sẽ không chỉ nhận việc từ một khách hàng duy nhất, vậy nên có cho mình lịch trình được phân bổ rõ ràng, chủ động trong việc lên kế hoạch, cập nhật tiến độ và điều chỉnh những yêu cầu không hợp lý sẽ giúp bạn ghi điểm về tính chuyên nghiệp.

 

4. Người viết thầm lặng

Nguồn: unsplash.com

Hy vọng rằng, những chia sẻ của tôi đã giúp bạn phần nào có cái nhìn rõ hơn về công việc của một ghostwriter – người viết thầm lặng.

Những người lỡ mang nghiệp yêu đương với con chữ như chúng ta, viết không chỉ là một phương thức hữu ích để gia tăng thu nhập, nâng tầm cuộc sống từ nó, mà còn là một cách sống giúp ta nhiệt thành với đam mê. 

Khi bài viết hoàn thiện và được đọc giả đón nhận, trong tôi luôn lâng lâng một cảm xúc rất khó tả. Tôi tin rằng bạn cũng vậy, phải không? Chúng ta sẽ không tiếc rẻ thời gian đã bỏ ra để nghiên cứu và giúp hoàn thiện tác phẩm nào đó, dù biết rằng nó không đứng tên mình. Bởi sau tất cả, một tác phẩm thực sự thành công là khi nó giúp người cầm bút thỏa mãn với cảm xúc của chính bản thân mình.

Đó là cái giá xứng đáng dành cho những ghostwriter chân chính – những  người lặng thầm viết, lặng thầm tạo nên những điều kỳ diệu. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm