Bạn đam mê con chữ và đã có trong tay một bản thảo của riêng mình. Bạn muốn xuất bản tác phẩm của mình và chưa biết bắt đầu từ đâu? Bạn tự hỏi những tiêu chí nào mà nhà xuất bản cần ở một bản thảo và sản phẩm của bạn có đáp ứng được những tiêu chí đó chưa?
Nếu bạn là một tác giả đang băn khoăn về những yêu cầu của một bản thảo được phép xuất bản, thì đây chính là bài viết dành cho bạn.
- Sơ lược về quy trình xuất bản của một bản thảo
Một bản thảo trước khi được xuất bản và công bố phát hành rộng rãi trên thị trường, cần phải trải qua nhiều giai đoạn quan trọng mà ở đó là cả một quá trình nỗ lực làm việc của các bộ phận liên quan. Việc thẩm định kỹ lưỡng các bản thảo nhằm đảm bảo chất lượng của sách được in và uy tín của ngành xuất bản. Sâu xa hơn, những gì mà người đọc được tiếp cận sẽ ảnh hưởng tới tư duy, cách sống của họ và xã hội mà họ sống. mới được công bố và xuất bản.
Vì thế, quy trình xét duyệt, những tiêu chí đặt ra cho một bản thảo và người kiểm duyệt bản thảo là rất cao, cần được đánh giá một cách khách quan và chính xác.
Quy trình thẩm định cơ bản gồm các bước như sau:
Bước 1: Tiếp nhận bản thảo gửi đến từ tác giả
Bước 2: Thẩm định sơ bộ bản thảo
Bước 3: Phản biện nội dung
Bước 4: Phản hồi tác giả
Bước 5: Phân công biên tập
Bước 6: Biên tập
Bước 7: Xin ý kiến chuyên gia
Bước 8: Duyệt bản thảo
Bước 9: Trao đổi tác giả
Bước 10: Hoàn thiện bản thảo
Bước 11: Dự kiến mục lục
Bước 12: Dịch mục lục, tóm tắt
Bước 13: Chế bản
Bước 14: Đọc soát bông
Bước 15: Chuyển nhà in và lưu bản thảo
(Quy trình này được tham khảo từ http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/gioi-thieu/item/3718-quy-trinh-bien-tap-binh-duyet.html)
Như vậy, bạn có thể thấy, không phải hoàn thành xong bản thảo là chúng ta có thể chắc chắn rằng mình sẽ ra được sách. Bên cạnh đó, biên tập viên và vai trò của việc biên tập là then chốt trong quá trình xuất bản, đảm bảo quyển sách đến tay người dùng phải trọn vẹn cả về nội dung lẫn hình thức nhất có thể.
- Biên tập viên sách và vai trò của biên tập viên trong quá trình xét duyệt bản thảo
Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB TP. HCM): “Biên tập là biên soạn, góp ý kiến với tác giả, kiểm tra những sai sót của bản thảo tài liệu, đưa đi xuất bản”.
Luật xuất bản năm 2012 quy định về biên tập như sau: “Biên tập là việc rà soát, hoàn thiện nội dung và hình thức bản thảo để xuất bản”.
Như vậy, biên tập viên chính là người đọc bản thảo của bạn một cách kỹ càng, đóng góp điều chỉnh cấu trúc, bố cục cho phù hợp, rà soát nội dung và hình thức cho chính xác, đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi bản thảo được in thành sách.
Biên tập viên đóng vai trò quan trọng trong việc thẩm định nội dung bản thảo mà tác giả gửi đến, quyết định bản thảo đó có được đưa vào quy trình xuất bản hay không. Một biên tập viên chuyên nghiệp sẽ thẳng thắn từ chối những bản thảo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và các tiêu chí của nhà xuất bản. Ngược lại, họ cũng chính là người nâng cấp bản thảo của bạn lên một tầm mới – sách xuất bản.
Trong bất cứ một hoạt động sáng tạo con chữ nào cũng cần có biên tập viên. Có thể xem biên tập viên giống như một cánh cửa an ninh, soi chiếu kỹ càng trước khi cho hành khách vào phòng chờ máy bay cất cánh.
Trong ngành xuất bản ở Việt Nam, biên tập viên sách được chia làm hai nhóm, theo loại sách mà họ làm việc: biên tập viên sách tiếng Việt và biên tập viên sách ngoại văn. Công việc đánh giá nội dung bản thảo của biên tập viên (cả sách tiếng Việt lẫn ngoại văn) sẽ đi theo quy trình cố định: phát triển, thẩm định bản thảo; biên tập, chỉnh sửa; và đối chiếu (nếu là sách ngoại văn)
- Ở giai đoạn phát triển, biên tập viên sẽ nhìn tổng quan vào bức tranh chính trong bản thảo của bạn: sách bạn viết thuộc thể loại nào? Thực chiến hay selfhelp? Tông giọng có phù hợp không? Cấu trúc đã ổn chưa? Hệ thống nhân vật như thế nào? Cách trình bày tổng quan ra sao? Có đáp ứng được nhu cầu của thị trường? Có mang đến giá trị gì cho người đọc hay không? … Biên tập viên sẽ trao đổi trực tiếp với tác giả để điều chỉnh nếu cần thiết ở bước này.
- Đến giai đoạn thẩm định bản thảo, biên tập viên sẽ trực tiếp đọc từng trang nội dung sách bạn, tỉ mỉ và chi tiết hơn bước đầu, sau đó biên tập, chỉnh sửa cho phù hợp. Nếu bản thảo của bạn cần cắt chữ, hay bổ sung thêm nội dung chi tiết, câu văn của bạn lủng củng, ý diễn đạt lan man, các kỹ thuật sử dụng không chính xác, dễ gây ra nhầm lẫn cho độc giả, … biên tập viên sẽ là người góp ý và điều chỉnh.
Trong quá trình biên tập, không thể không nhắc đến công việc hiệu đính – một công đoạn cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác và kỹ càng. Vì thế, biên tập hiệu đính thường sẽ là người có chuyên môn đối với đề tài của bản thảo và được thuê ngoài.
Mỗi một công việc có một đặc tính ưu nhược khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, công việc biên tập một bản thảo không hề đơn giản và cần rất nhiều nỗ lực. Biên tập viên chính là những nhân vật âm thầm đứng sau quyển sách thành công của một tác giả.
- Những tiêu chí quan trọng để xét duyệt bản thảo của biên tập viên
Trước khi gửi bản thảo đến nhà xuất bản, là một tác giả chân chính, bạn cần phải đảm bảo rằng bản thảo của mình được đầu tư công sức và chăm chút một cách nghiêm túc. Bạn không thể gửi một bản thảo không có tiềm năng kinh doanh, không có thị trường tiêu thụ, sơ sài về nội dung, nhiều lỗi chính tả, dấu câu dùng bừa bãi, trình bày lộn xộn, … và mong chờ một hồi âm tốt đẹp.
Việc đầu tư cho tác phẩm của mình thật chỉn chu vừa thể hiện thái độ cầu thị, năng lực của bạn, vừa thể hiện sự tôn trọng đối với những người sẽ tiếp nhận bản thảo, những bộ phận cực kỳ quan trọng trước khi bản thảo được bày bán trên kệ các nhà sách.
Những tiêu chí cơ bản mà một biên tập viên hay nhà xuất bản cần ở một bản thảo, trước hết phải là:
- Có thị trường rộng mở, đáp ứng được nhu cầu lớn của độc giả.
- Có nội dung sáng tạo, phù hợp với thị hiếu trong nước và không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật có liên quan.
- Nội dung phù hợp với định hướng phát hành của nhà xuất bản
- Cấu trúc, bố cục của sách được sắp xếp hợp lý, khoa học, mạch lạc.
- Thông tin/ giá trị nội dung trao đi có chất lượng, có thể tạo nên ảnh hưởng trong cộng đồng người đọc.
- Trích dẫn tài liệu rõ ràng, chính xác.
- Các hình ảnh minh họa, biểu đồ bổ sung hay các nhân tố khác được chọn lựa/ tạo nên một cách nghiêm túc, có đầu tư.
- Có phần lời mở đầu ấn tượng, thuyết phục, lôi cuốn.
…
Sau khi đánh giá ổn định các tiêu chí cơ bản cần có của một bản thảo tiềm năng, biên tập viên sẽ tiếp tục tìm câu trả lời cho các câu hỏi như:
- Phong cách viết của tác giả có độc đáo, sáng tạo? Có gì khác biệt với những bản thảo khác cùng thể loại nội dung?
- Cách viết của tác giả có dễ đọc, dễ tiếp cận bởi những độc giả tiềm năng?
- Nếu là truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, thì hệ thống nhân vật trong truyện như thế nào? Có nội dung gì dễ gây tranh cãi, vi phạm luật xuất bản của nước nhà?
- Nội dung bản thảo có gì khác biệt, đặc sắc quá không?
- Ngữ pháp, câu cú, từ vựng, cách dùng từ, trình bày đoạn văn, chính tả của tác giả như thế nào?
…
Bên cạnh những yêu cầu cơ bản mà tác giả nào cũng cần phải đáp ứng được như trên, biên tập viên và nhà xuất bản còn đánh giá tiềm năng quyển sách thông qua tên tuổi và thương hiệu (nếu đã có) của tác giả. Tuy đây là một tiêu chí bổ sung, nhưng nó cũng góp phần lớn trong quyết định duyệt bản thảo và cho phép xuất bản sách.
Bản thảo của bạn đã đáp ứng được bao nhiêu trong số những tiêu chí quan trọng đã được kể trên? Hãy rà soát lại bản thảo và tìm kiếm câu trả lời đáp ứng những câu hỏi trên, bạn sẽ nâng cao khả năng được xuất bản sách và trở thành một tác giả chân chính của mình..