– Ông à, vô ăn sáng nè!

– Ừ, bà chờ tui một xíu, lỡ tay cắm cho xong mấy cọng mười giờ, kẻo nó héo. Mai mốt nó ra hoa cho bà ngắm đã đời…

Ngôi nhà nhỏ của ông bà tôi được xây nên từ những mảnh vụn của thiên nhiên lúc nào cũng vun đầy ấm áp như thế.

Nguồn: unsplash.com

Căn nhà nằm ở lưng chừng sườn đồi, phóng tầm mắt ra xung quanh chỉ thấy bao la trời bể. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp một cánh đồng rộng mênh mang dưới chân đồi, lúa chín vàng ươm tỏa một làn hương ngọt dịu ôm trọn một vùng cao nguyên yên bình. Nếu bạn quay người lại, nhìn ngược lên cao, núi Chứa Chan sẽ vẫy tay chào đón bạn bởi sự hùng vĩ và xanh mướt của mình. Quanh nhà, góc trái là vườn rau nhỏ, góc phải là chiếc chuồng be bé cho lũ gà núp mưa, chếch một chút sẽ thấy một hàng rào gỗ tre được gọt đẽo tỉ mỉ , bao bọc con đường phủ vài viên đá ong làm lối vào nhà. Những khóm mười giờ quanh đó cứ mọc rễ ở tất cả những nơi có thể, ôm lấy những viên đá lồi lõm, giấu nhẹm đi sự thô kệch rồi thổi vào chúng những chiếc hồn rất thơ. 

Toàn bộ ngôi nhà được đóng bằng tre. Từ chiếc bàn đến đôi đũa, từ vách nhà đến bậc thang, tất cả đều là một dạng biến thể khác của bụi tre già đầu ngõ. Những cây tre lì lợm chẳng đợi chăm bón mà cứ thẳng thừng trỗi dậy, hiên ngang vươn lên cao vút. Ngày làm căn nhà, tôi phải huy động năm thằng bạn cao to vạm vỡ mới chặt được vài cây, kéo về, gọt đẽo cẩn thận rồi đóng thành một khối nhà đơn giản cho ông bà. Mái ngói được phủ bằng lá dừa khô, bên trên cũng vẫn là những thanh tre được đóng đinh kỹ càng để giữ cho mái nhà được yên khi những cơn gió mạnh ùa về. 

Trước hiên nhà là bộ bàn ăn, nhỏ xinh vừa đủ cho hai người. Ngồi ăn ở đây, bạn nhất định sẽ thưởng ngoạn được nguyên vẹn sự yên ả mà đất trời mang lại. Chả trách, ông bà tuy lớn tuổi nhưng ăn uống rất khoa học, đúng giờ, đúng giấc, đủ bữa và đủ chất lượng. Tôi cứ ngỡ cái kiểu ăn uống tao nhã của những “bậc trai anh hùng gái thuyền quyên” thế này chỉ có trong những bộ phim kiếm hiệp ngày xưa, nay lại được dịp tận mắt chiêm ngưỡng cùng niềm hạnh phúc yên bình mà ông bà mang đến. 

Nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn sống nơi xa hoa nơi thành thị nhộn nhịp, hay sẽ theo đuổi một cuộc đời an nhiên tự tại như của ông bà tôi?

Bản thân tôi đã có câu trả lời cho chính mình rồi. Tôi nhất định sẽ mang vợ và con mình về đây, làm hàng xóm của ông bà, sống những tháng ngày chan hòa với thiên nhiên, tận hưởng trọn vẹn một kiếp người.

Nguồn: unsplash.com

Ông bà tôi, không phải là ông bà nội, cũng không phải là ông bà ngoại. Tôi chỉ vừa được làm cháu của hai con người đức độ này vào năm ngoái, trong chuyến đi thực tế của ngành đến Viện dưỡng lão Minh Khuê, tọa lạc lặng lẽ sau những đám tre cao vời vợi ở làng Minh Đăng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Tôi được bầu làm tổ trưởng Hậu cần, chẳng phải vì tôi giỏi giang chi đâu, mà chỉ bởi cái tướng to cao được hưởng từ tía và cái sự khá tháo vát trong mọi việc mà tôi học được nơi má khi còn là một chàng trai tỉnh lẻ. Với chút danh nho nhỏ ấy, tôi có cơ hội được trò chuyện với nhiều cụ ông, cụ bà trong viện – những người đang đứng phía sau ngọn núi vinh quang của một cuộc đời. 

Bạn biết không? Không phải tất cả các cụ ông, cụ bà sống trong Viện dưỡng lão đều đau khổ vì sự ruồng bỏ hay lạnh nhạt của con cái. Có rất nhiều người, tự nguyện đến đây để được hưởng những ngày sống thật sự cho chính mình, trong một thế giới riêng toàn những người đủ độ chín muồi để hiểu cảm xúc của bất kỳ ai. Đến độ tuổi này rồi, người ta cũng chẳng còn muốn giữ điều gì là bí mật với cuộc đời nữa, người ta sẽ ung dung tận hưởng những tháng ngày vô tư hồn nhiên như thời trẻ con. Như câu chuyện sau của ông bà. 

Bà từng là một tiểu thư đài cát, ngoan hiền nết na, công dung ngôn hạnh, khí chất ngời ngời. Tuy vậy, bà lại được sinh ra và lớn lên lúc xã hội Việt Nam đang lưng chừng đứng giữa sự đổi mới. Bà là cháu gái của một vị quan huyện cuối triều nhà Nguyễn. Lúc này, những hủ tục thời phong kiến vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ, những tư tưởng tiến bộ hơn cũng chưa được phép thông hành.  Người phụ nữ vẫn còn bị kẹp giữa một bên là gia quy khắt khe, một bên là sự quyến rũ của xã hội mới. Người phụ nữ đẹp như bà, lại còn chịu nhiều áp lực hơn. Bà dù đã cố sức đấu tranh cho chính mình, nhưng vẫn không thoát được việc cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó. Bà buộc phải kết hôn với một gã trai con nhà quyền thế. Bà không thương người ta, người ta cũng không thương bà. Song, chồng bà cũng là một người có tri thức, cũng như bà, ông chấp nhận sự sắp đặt của gia đình nhưng vẫn thể hiện sự văn minh được hưởng từ thời cuộc, không làm tổn thương vợ mình. Họ vẫn sống cùng nhau một cách êm ấm, tôn trọng nhau và tôn trọng các vị thân sinh. 

Cuộc hôn nhân gượng ép ấy mang về cho bà và người chồng cũ một cô con gái. Bà và người chồng cũ không mong con gái mình phải sống như những ngày họ còn trẻ, chịu sự suy xét và áp đặt của cả xã hội. Ông bà luôn dành cho cô sự tự do cần thiết để lớn lên, không can thiệp vào quyền lựa chọn ngành học và lựa chọn người yêu của con. 

Chồng bà qua đời sau khi con gái vừa kết hôn với người cô yêu. Ông bệnh. Những ngày cuối đời trong bệnh viện, ông đã nắm tay bà, dùng chút hơi tàn thủ thỉ cùng người vợ không tình nhưng đầy nghĩa, không yêu nhưng đã cùng nhau đi một đoạn đường dài trong êm thắm. 

– Cảm ơn bà đã hiểu và chia sẻ thanh xuân của mình cho tôi. Từ đầu, chúng ta buộc phải lấy nhau, sống chung với nhau, cùng lo cho phụ mẫu và con gái. Mọi thứ đều không phải là điều tự nguyện, nhưng bà đã không từ chối và cam tâm giữ trọn đạo hạnh và đồng hành cùng tôi. Trước giờ tôi vẫn chưa trải qua những ngày thật sự yêu thương một ai, nhưng hôm nay tôi phải thú nhận ra, trải qua gần 30 năm chung sống, tôi đã thương bà từ lúc nào chẳng hay. Cuộc đời tuy nhiều chông gai nhưng cũng đầy rẫy điều tốt đẹp, như cuộc hôn nhân của chúng ta vậy. Trước giờ tôi cứ nghĩ bà với tôi, như nước với dầu, chẳng thể nào hòa quyện vào nhau được. Hôm nay lại thấy, tuy không thể hòa vào nhau, nhưng đều có thể tồn tại trong cùng một chiếc ly. – Ông cười không thành tiếng – Tôi biết thời gian của mình không còn dài, bản thân cũng không còn đủ sức cùng bà hàn huyên lúc về già. Sau khi tôi đi, bà đừng đau buồn nhiều. Tôi coi vậy chứ cũng đã sống mãn nguyện một cuộc đời rồi, không còn gì tiếc nuối ngoài tình yêu thương bị chế ngự trong bà. Bà cứ giải phóng nó và mở rộng lòng trước những niềm vui mới, chắc chắn sẽ đến. Bà có hạnh phúc, tôi mới yên lòng được. 

Nguồn: unsplash.com

Bà đã ôm trọn cánh tay chồng và gục mặt vào bờ vai mảnh khảnh đi nhiều mà khóc. Cả cuộc đời này, ông nắm tay bà chỉ được hai lần, một là ngày rước dâu, ông nắm tay bà trân trọng dẫn về nhà, hai là ngày hôm ấy. Bà cũng nhận ra tình thương đối với chồng bắt rễ trong cuộc sống bà từ lúc nào mà bà chẳng hay. Thật đúng như ông nói, ông bà đã chưa thể yêu nhau bằng tình yêu nồng nhiệt của tuổi trẻ, nhưng đã thương nhau một cách lẳng lặng từ bao giờ. 

Ông ra đi sau hôm tâm tình với bà vài ngày. Lúc rời xa nhân thế, gương mặt ông thanh thản và nhẹ nhàng, tựa hồ như đã trút bỏ mọi phiền não lại trần gian, ra đi với một cõi lòng nhẹ tênh. Bà biết thế, và mừng cho chồng. 

Hiển nhiên, bà không thể tránh khỏi sự trống vắng cô đơn khi thiếu vắng chồng. Bà lại không muốn về ở cùng với gia đình con gái, bà không muốn tạo gánh nặng và không khí ngột ngạt cho các con. Bà từ chối lời mời của bọn trẻ và quyết định dọn vào Viện dưỡng lão Minh Khuê – nơi có một ngôi chùa nhỏ bên cạnh, vắng bóng người – để sống an nhiên những ngày cuối đời.

….

So với sự bình yên mà bà trải qua, cuộc đời ông có nhiều phần sóng gió hơn. Nếu như bà chưa từng trải qua cảm giác yêu đương thật sự nhưng vẫn có một mái nhà chuẩn mực êm ấm, thì ông lại không lập gia đình, nhưng đã trải qua rất nhiều mối tình khắc cốt ghi tâm.

Ông lớn hơn bà năm tuổi, không sinh ra trong gia đình quan chức, nhưng cũng đã trải qua giai đoạn giao thoa giữa xã hội phong kiến và tân tiến hơn. Ông là con út trong một gia đình thương nhân trung lưu, không quá quyền thế nhưng cũng chẳng phải nghèo hèn. Vì lớn lên trong một gia đình dịch chuyển rất nhiều, nên ông may mắn không phải chịu đựng nhiều những áp lực cổ hủ từ cha mẹ mình – những người đã thoát li khỏi sự gò bó của thời cũ.

Ông từng sang Pháp để theo học về thương mại, theo như cách nói của thân phụ ông là nối nghiệp gia đình. Anh cả của ông đã trở thành một bác sĩ lão luyện tại bệnh viện Nhi, chị gái thứ hai lại đi dạy tại một trường tỉnh, chị kế ông – người mà ông thân thiết nhất – lại quyết định nương nhờ cửa Phật tại một ngôi chùa yên ả trong lòng xứ Huế. Chỉ còn lại mình ông – cậu con trai hoạt bát nhanh nhẹn và nhạy với những con số, là lựa chọn thích hợp nhất để cha ông truyền nghề. Quả thật, ông đã không làm cha mình thất vọng khi tiếp quản và phát triển thành công công ty chế tạo và xuất khẩu vật dụng bằng gỗ, từ một xưởng chế tạo nhỏ thành một doanh nghiệp quy mô hơn trăm người. 

Nhưng cha ông không lường trước một việc rằng, ông không chỉ nhạy cảm với con số, mà còn rất bén với con chữ. Điều ông thật sự đam mê và hứng thú chính là viết nên những câu chuyện để đời. Ông đã viết và xuất bản được vài câu chuyện cực kỳ lôi cuốn, tưởng như nếu được chuyển thể thành phim, chắc sẽ thu hút một lượng khán giả rất lớn. Song, có lẽ cũng chính cái tâm hồn thơ mộng ấy đã kéo ông vào nhiều mối tình bi đát như vận đúng những trắc trở ông viết trong các cuốn sách tình yêu của mình. 

Mối tình thứ nhất gần như lấy đi rất nhiều năng lượng yêu đương trong trái tim ông. Ngày ấy, ông yêu cô lớp trưởng xinh đẹp giỏi giang ở trường phổ thông. Chàng thanh niên 18 tuổi lúc ấy không thể ngừng rung động mỗi khi cô gái cùng nhóm bạn đi ngang qua mình. Mỗi cái liếc mắt thăm dò, mỗi nụ cười duyên, mỗi câu nói trêu đùa của cô đều được anh ghi lòng tạc dạ. Anh yêu cô bằng trái tim ngây ngô và nhiệt thành nhất của tuổi trẻ. Và hạnh phúc thay, tình yêu đó được cô chấp nhận và đáp trả bằng một trái tim tương xứng. Khi cả hai đang cùng nhau trải qua những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp, cùng nếm trải những cung bậc thăng trầm mà tình yêu mang lại, thì anh lại được cha gửi gắm sang Pháp. Hai người trẻ tuổi đang say đắm với tình yêu lại phải dằn lòng nhường chỗ cho những khát vọng lớn hơn. Họ cùng hứa hẹn và mong chờ về một tương lai sang giàu, đủ đầy và hạnh phúc. Ngày chia tay, anh hứa anh sẽ về cưới cô, cô hứa sẽ đợi anh về kết hôn. Mọi chuyện sẽ luôn tốt đẹp như thế cho đến một ngày cô gửi thư báo anh về đám cưới sắp đến của mình. Một đám cưới được cha mẹ sắp đặt và cô nếu muốn trả nợ cho cha mẹ mình, buộc phải đồng ý. Một khi người ta dành hết tin yêu và hy vọng vào một mối tình, người ta sẽ dễ dàng rơi tõm vào cái hố đen và ngụp lặn thật lâu trong đau thương khi tình yêu gặp phải cơn sóng mạnh. Ông đã bị tổn thương bởi mối tình đầu như thế, đau đến mức, ông không thể ngừng vùi đầu vào sách vở và chọn ở lại nơi đất khách thêm 5 năm sau đó. 

Nguồn: unsplash.com

Khi vết thương của mối tình thứ nhất chịu ngủ yên và được xoa dịu bởi những cảm giác dễ chịu của danh vọng, ông lại một lần nữa chịu đòn, đau đớn và trần trụi hơn bởi cuộc tình thứ hai. Kết quả của những tháng ngày ngủ quên tại thư viện, quăng mình vào những buổi diễn thuyết kinh doanh, những lăn lộn trên thương trường ở Pháp, là một công ty với doanh thu khổng lồ mà ông đã tự hào không làm cha mình thất vọng. Ông trở thành một doanh nhân nổi tiếng trong xã hội những năm 90. Trong lúc mọi người lao đao vì những cuộc khủng hoảng kinh tế thời hậu chiến tranh lạnh, thì ông lại ngời ngời đứng trên bậc cao của danh vọng. Hào quang ông tỏa ra, hấp dẫn hết thảy mọi người, trong đó, có người tình thứ hai của ông. Phía sau những thành tựu mà ông đạt được là những tháng ngày cô đơn tăm tối. Ông không mở lòng với bất kỳ người con gái nào từ sau mối tình đầu đẹp đẽ ấy, cho đến khi H đến – cô gái trẻ xin vào công ty ông với vị trí thư ký. Thoạt đầu, ông chấp nhận cô vì sự trẻ trung nhanh nhẹn, vì nền tảng kiến thức mà cô có là cái mà công ty và chính ông cần. Người xưa có câu, lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén, quả không sai. H bên cạnh ông mỗi ngày, nắm rõ tất cả các lịch làm việc, tiếp khách, họp mặt, công tác của ông, cùng ông đồng hành và chăm sóc ông trên mọi chuyến đi. Dần dà, cô lấp đầy khoảng trống cô đơn trong lòng ông. Sự chăm sóc ân cần của người phụ nữ vẫn luôn là phương thuốc diệu kỳ chữa lành những tổn thương sâu thẳm trong lòng người đàn ông. Ông và cô yêu nhau, sống bên cạnh nhau như một gia đình và công khai với tất cả mọi người.

Ba năm yêu ông, H sống những ngày thật khác so với cuộc đời khổ cực trước đây. H không còn phải quan tâm đến bữa đói bữa no cho các em ở nhà, xây dựng cho ba mẹ một căn nhà nhỏ dưới quê và tạo dựng được cho mình một vị thế khá vững chắc trong công ty. Nếu H chỉ dừng lại ở đó, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp đến dường nào! Chuyện tình của ông và H sẽ bước sang trang mới với một đám cưới viên mãn, một ngôi biệt thự sang trọng và những đứa trẻ ngây thơ. Nào ngờ, cõi lòng của người phụ nữ sống lâu ngày trong khó khăn rất sâu, không dễ để đoán được. Giữa đoạn đường tình đẹp, H bỏ rơi ông và mang theo sấp tài liệu quan trọng của công ty, khiến ông gục ngã giữa đường bởi những cú sốc tinh thần và vết cứa trong tim. H đã mang đi của ông một trái tim yếu ớt vừa được hồi sinh, và một sự nghiệp đồ sộ mà ông cất công dựng nên từ những tổn thương từ mối tình đầu.

Ông có hận H không? Có chứ? Làm sao không hận được khi người ta đã quá nhẫn tâm với mình như thế? Dù có dạn dĩ thương trường tới đâu, ông cũng không ngờ trên mặt trận tình trường, ông lại thất bại thảm hại đến thế. Dù có vị tha cỡ nào, ông cũng không thể tha thứ cho người đã lợi dụng tình yêu của mình. 

Ông đã mang một trái tim đầy tổn thương đến một vùng đất xa lạ mới, sống một cuộc đời chẳng màn đến danh vọng hay yêu đương. Ông đã quá chán nản với sự trớ trêu của cuộc đời, và sự tàn nhẫn của người đời. Ông hận H suốt những năm tháng lênh đênh đó, cho đến khi gặp được bà.

Ông tìm đến Viện dưỡng lão Minh Khuê theo lời khuyên bảo của chị mình, tìm đến chốn cửa Phật để mưu cầu sự bình an cho bản thân. Ông của những ngày đó, hận đời, hận người, sống buông thả mặc cho dòng đời xô đẩy và ném vào ông thêm bao nhiêu cú sốc nữa. Chị ông không cầm lòng được trước sự khốn khổ của em trai, đã hướng ông quay về nương tựa chốn tâm linh. Ở nơi đó, ít ra ông có thể tránh né được bớt sự nghiệt ngã của xã hội bên ngoài. Thật may cho ông, cuộc đời đã lấy đi tất cả và gửi tặng lại cho ông một người phụ nữ tuyệt vời – là bà.

Những tháng ngày làm công ích trong viện và trong chùa, ông thường xuyên bắt gặp bà đang chắp tay thành tâm dưới chân Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Những hôm quét lá đa rụng khắp sân chùa, ông hay bắt gặp bà ngồi rửa từng chiếc chén và mang ra phơi dưới nắng. Ông đã giúp bà khệ nệ khuân những rổ chén to ra nắng, để bà bớt đau chân. Ông giúp bà đặt những lọ lay ơn lên bàn thờ Phật, giúp bà chẻ mấy khúc cũi khô nấu cơm chay… Ông và bà trở thành một cặp tri kỷ tuổi về chiều. 

Khu ông sống cách khu của bà một đoạn đường đá, núp gọn dưới hàng cây rậm lá xanh biếc. Mỗi hôm ít việc, ông và bà hay ngồi dưới một chiếc ghế đá và hàn huyên kể nhau nghe những câu chuyện thuở xưa. Những bình yên mơ hồ trong tâm trí bà được gợi lại, xoa dịu đi những cơn đau cứ dăm hôm lại cuồn cuộn trỗi lên trong lòng ông. Bà cứ kể, và ông cứ nghe. Hai người vô tư khắng khít bên nhau như đôi chim khuyên lẻ bạn nay tìm thấy được tri âm. 

Nguồn: unsplash.com

Cho đến một ngày, Viện trưởng của Viện tìm đến và đề nghị với ông bà một chuyện.

– Thưa anh, thưa chị. Tôi có chút chuyện nho nhỏ muốn ngỏ lời với anh chị. Chuyện là dạo gần đây tôi có cảm nhận được sự đồng cảm của anh chị dành cho nhau. Tôi biết trái tim của hai người đang ngày càng được bồi dưỡng bởi những điều chân thành dành cho nhau. Ở viện dưỡng lão này, chúng ta được hưởng niềm an lạc và chở che của những điều lành lan tỏa từ trái tim, vì thế, không có lý gì để kiềm nén bản năng yêu thương của một ai cả. Hôm nay tôi liều mình mời anh chị ngồi đây nói chuyện tâm tình, cũng là ngỏ ý muốn se duyên cho hai người. Chỉ cần hai người vẫn giữ được những nguyện lành trong tim, trời đất sẽ mang tinh hoa của mình gửi tặng. Nếu anh chị đồng ý, tôi nguyện sẽ cùng các cụ ông cụ bà trong viện, chứng giám và cầu phúc cho hai người. 

Gương mặt ông bà chuyển sang sắc đỏ như mặt trời vừa rạng đông. Có lẽ, một phần vì nói trúng tim đen, cả hai chưa ai tỏ lòng với ai, nhưng lại bị người ngoài nhìn rõ tâm can của mình. Cả ông và bà đều chưa dám khẳng định thứ tình cảm êm ái dâng lên trong lòng mỗi khi nhìn thấy nhau, thì đã bị các đồng môn bắt quả tang. Một lý do khác để khiến khuân mặt ông bà hóa đỏ là vì ngại rằng ở cái tuổi con đàn cháu đống này lại còn được se duyên.

– Thưa chị…

Cả ông và bà cùng nhau đồng thanh…

– Dạ, anh chị cứ nói ạ! – Viện trưởng mỉm cười thật tươi 

– Thôi để tôi nói trước nhé ông! – Bà nhìn ông ra dấu đồng tình, ông cũng đáp lại bằng một cái gật đầu nhẹ tênh, đủ để bà hiểu và tiếp tục nói. – Tôi thật lòng rất cảm động về sự nhạy bén và tình cảm mà chị và các cụ ông cụ bà trong viện mình đã dành cho tôi và ông ấy. Thú thật, bản thân tôi vẫn chưa xác định rõ tình cảm của mình. Chị thấy đấy, ở tuổi này rồi mà vẫn còn những rung động e thẹn và xấu hổ khi bị bắt mạch như vầy, thật không dễ chịu tí nào. Chị cho phép tôi có vài ngày suy nghĩ cho kỹ càng hơn rồi mới đưa ra được quyết định được không?

– Đúng vậy! – Ông quay sang bà nhìn với đôi mắt tán thành, rồi lại quay sang Viện trưởng. – Có lẽ chúng tôi cần một thời gian để xác định lại chị Viện trưởng à. 

– Dạ được! Anh chị cứ suy nghĩ cho thật kỹ nhé. Nếu tôi có nói gì sơ suất hay nhận định sai tình hình, anh chị thông cảm bỏ qua cho tôi nhé! – Viện trưởng nắm lấy tay hai người, nói xong mời ông bà dùng trà.

Hai ngày sau buổi nói chuyện ấy, ông bà không gặp nhau.

Ngày thứ ba, ông hẹn bà ra chiếc ghế đá quen thuộc và … tỏ tình:

– Bà à! Tôi phải thừa nhận rằng Viện trưởng ở đây rất nhạy cảm, đã nhìn nhận ra được nhiều tầng cảm xúc trong lòng tôi. Đáng lẽ ra tôi phải là người nói với bà những điều ấy, nhưng mặc cảm tuổi tác và những thứ gì đó cứ cản ngăn. Rồi, thật tệ khi để Viện trưởng tỏ lòng mình thay mình. Thôi thì cũng đã lỡ rồi, tôi cũng không muốn giấu diếm bà thêm nữa. Tôi còn một mảnh đất nhỏ ở lưng chừng đồi, khu đất trung nguyên gần núi Chứa Chan. Mảnh đất này là nơi tôi đã định sẽ xây một khu nghỉ dưỡng để về hưu. Nhưng mình tính chẳng bằng trời tính, giờ tôi chỉ có thể xây dựng một căn nhà con con nho nhỏ, bà có bằng lòng cùng tôi bầu bạn lúc tuổi già ở đó không?

Lời ông vừa dứt, dòng lệ trên mắt bà cũng vừa tuôn trào – dòng lệ hạnh phúc. Bà đang khóc trong niềm vui sướng miên man. Lần đầu tiên trong đời, bà biết được cảm giác yêu thương một người đàn ông là như thế nào. Bà gục đầu vào vai ông, thỏ thẻ: “Được, được ông ơi!”

Thế là, ngôi nhà nhỏ ở lưng chừng đồi với ngập hoa, ngập nắng, ngập gió đã ra đời như thế! Trong căn nhà ấy, có hai trái tim chằng chịt thương tổn, nhưng lại rực rỡ vì được tìm thấy nhau. 

Ông bà tận hưởng những ngọt lành từ thiên nhiên, đất trời cũng được trả ơn bằng sự bình dị an yên mà ông bà gửi lại. 

Câu chuyện của ông bà, hằn sâu vào tâm trí tôi. Tôi biết, chỉ cần tôi muốn, không bao giờ là muộn để sống những ngày rực rỡ của cuộc đời mình. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm