Năm 15 tuổi, tôi cắp sách đến một môi trường mới để học, xa nhà, xa ba mẹ, xa những đứa em. Hành trang tinh thần mang theo không chỉ là sự hăng hái chinh phục những chân trời mới, nỗi háo hức khám phá một môi trường xa lạ, niềm trông mong tự hào của ba mẹ, mà còn là sự một cái bóng vô cùng to lớn từ cái tên trường mà tôi sẽ theo học.

Bạn của mẹ tôi khen con bé này học giỏi, lên đó học thì nhất định sẽ thi đậu đại học. Ông nội tôi xoa đầu với niềm kiêu hãnh rằng, học ở môi trường tốt, nhất định sẽ vào được trường đại học tốt. Bác hàng xóm bảo rằng, con T lên trên đó học thế nào cũng phải làm cái gì đó cho ra trò ra trống để đáp đền sự hy sinh của ba mẹ. Bạn bè cho rằng, tôi học trường chuyên, là đã cầm chắc cái vé vào cánh cổng đại học trên tay…

Sự thật rằng, tôi mệt lã người vì mải rượt đuổi theo những sự hào nhoáng mà người ta vô tư đặt lên vai tôi. Họ tự cho phép mình cái quyền phán xét rằng, tôi đã quyết tâm đi học xa thì khi trở về phải mang một thành quả nào đó xứng đáng. Suốt ba năm trời tôi bị áp lực từ việc học, việc tạo ra một thứ gì đó để lấp đầy thứ danh vọng hão huyền mà mọi người tự tiện đặt ra cho gia đình mình. Kết quả của kỳ thi đại học lần thứ nhất, tôi chỉ đậu nguyện vọng 1B. Đối với tôi, không đậu vào ngành mình mong muốn đồng nghĩa với việc rớt đại học, rớt đại học đồng nghĩa với việc mang thất vọng về cho gia đình và sự nhục nhã cho bản thân. Tôi sợ người ta xem thường, và đã rơi vào trầm cảm suốt một năm trời sau đó, cho đến khi quyết định thi lại một lần nữa trong lặng thinh và không một người lớn nào hay biết ngoài ba mẹ.

Lần thứ 2, tôi cũng không đậu vào ngành mình thích, nhưng lại thoải mái và mãn nguyện khi nộp hồ sơ và học một nguyện vọng khác. Thật sảng khoái khi xung quanh không có bất kỳ một sự tung hô nào, thật tự do khi được làm những gì mình thích trong khả năng mình có.

 

Vài ngày trước, có một vị bác sĩ tên Khoa rầm rộ nổi trên mạng xã hội với tấm lòng trượng nghĩa, hết lòng cứu người dù cho có phải hy sinh người thân của mình. Ai cũng biết câu chuyện của bác sĩ Khoa không có thật. Nhưng trước khi câu chuyện được làm rõ, thế giới nửa thật nửa ảo mà chúng ta đang sống đã có một phen hô mưa gọi bão với những lời tung hô sự hy sinh vượt qua ngưỡng cao cả của người bác sĩ.

Song, đã bao giờ chúng ta đặt cho mình câu hỏi rằng: “Liệu một bác sĩ có thật sự thích thú với sự tung hô ấy? Chúng ta chỉ trân trọng và biết ơn bác sĩ vào những lúc lâm nguy như thế nào thôi sao?”

Có một sự thật mà chúng ta phải nhìn nhận rằng, việc ngày đêm chiến đấu chống dịch là công việc của họ. Là một bác sĩ, khi lâm vào một cuộc chiến y học, dù muốn hay không, họ cũng nghiễm nhiên trở thành một người lính. Họ đang làmm công việc của mình, đang thực thi trách nhiệm của một người mang sứ mệnh của chiếc blouse trắng. Họ đâu cần phải nghe những lời nói hoa mỹ từ người dân mới có thể hoàn thành công việc của mình.

Tôi thật sự không biết đến câu chuyện của bác sĩ Khoa, cho đến khi bắt gặp lời từ chối thẳng thừng từ một chị bạn bác sĩ đối với sự tung hô giả tạo kia. Chị nói rằng: “Chúng tôi không cần tung hô. Nhưng người nhà chúng tôi phải được bảo vệ, phải được an toàn trước khi bắt chúng tôi chiến đấu chống dịch. Đừng bắt nhân viên y tế phải hy sinh nữa, hy sinh bản thân đã là quá đủ. Bây giờ hy sinh cả cha, cả mẹ?”

Việc cứu người, việc chinh chiến là mệnh lệnh của trái tim, là công việc cần phải làm, là sứ mệnh và nghĩa vụ của người thầy thuốc. Chúng ta trân trọng, biết ơn điều đó không chỉ trong thời chiến, mà còn phải nâng niu ân huệ đó cả trong thời bình. Thế nên, việc vẽ nên những chuẩn mực cao vời về những hy sinh của họ chỉ khiến họ gánh thêm nhiều trách nhiệm với xã hội. Việc ai người nấy làm, nhiệm vụ của ai người nấy thực hiện. Các bác sĩ không mong muốn được đề cao quá nhiều mà thêm áp lực. Các bác sĩ không muốn vì gánh nặng trên vai mà có thể hy sinh sinh mệnh của gia đình, người thân của mình. Đó không phải là cái giá mà họ cần trả cho những công sức mà họ đã bỏ ra.

Các bạn biết không, chúng ta chỉ cần gửi tình yêu thương, lòng biết ơn trân trọng một cách âm thầm và bình thường nhất có thể. Xin đừng lợi dụng lòng trắc ẩn thiêng liêng mà trời ban cho mỗi người để tạo nên thêm nhiều gánh nặng cho nhau.

Hãy dành cho những lời động viên chân thành và gom góp niềm tin cho nhau bằng những câu chuyện có thật. Thay vì tung hô một cách sáo rỗng, sẽ nhẹ nhàng hơn biết mấy nếu chúng ta trân quý từng giây phút hiện tại, làm đúng việc của mình, biết ơn những gì mình nhận được và trả ơn bằng những điều thực tế, được không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm