Đã bao giờ bạn nghe đến lời nguyền của việc sáng tạo chưa?

Tôi may mắn được một người em gái tạo duyên và biết đến khái niệm này. Trước đây, tôi vẫn luôn tự hỏi mình, phía sau một người viết là những gì? Đặc biệt hơn, ẩn nấp bên dưới những dòng chữ chạm vào cảm xúc của người đọc, có phải là một cái giếng sâu thăm thẳm, dập dờn những muộn phiền hay không?

Em gái gửi cho tôi một video ngắn về câu chuyện của Amelia, để diễn tả những thứ buộc một người viết sáng tạo phải đánh đổi để tạo nên những thiên tiểu thuyết sống mãi cùng năm tháng.

Nguồn: unsplash.com

Nhân vật chính trong chuyện là Amelia – một cây viết xuất chúng đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp viết của mình, từ những ngày còn rất trẻ. Song, đi kèm với những hư danh ấy là một khoảng trời vô định khiến cô ngày càng dấn sâu vào chiếc hố đen ngự trị nơi tâm hồn mình.

Năm 13 tuổi, cô dành chiến thắng trong một cuộc thi viết quốc gia. Trước đó, người ta biết đến Amelia như một thần đồng chữ nghĩa. Những câu chuyện cô viết nên đều rất lôi cuốn, những cảm xúc được vẽ nên một cách chân thật dù rất nặng nề và những nhận thức già cỗi hơn tuổi thật được khắc họa một cách sống động. Như bao người làm nghệ thuật khác, cô bắt đầu viết để giải quyết những gập ghềnh trong lòng, phơi bày lên trang giấy những suy nghĩ ướt át ở độ tuổi chập chững lớn.

Trong buổi phỏng vấn đầu tiên của cuộc đời, khi được hỏi về bí quyết để thành công  trong việc trở thành một cây viết xuất sắc ở độ tuổi của mình, Amelia đã trả lời rằng: “Em nghĩ bí quyết chính là niềm đam mê.”. Vào thời điểm này, câu trả lời của Amelia là kết quả của cái tôi trẻ tự hào với thành quả của mình. Cô đã tìm cách trả lời sao cho chuyên nghiệp và ấn tượng nhất trong cuộc phỏng vấn. Hiển nhiên, nó chỉ là phần nổi của toàn bộ vấn đề.

Ba năm sau, cũng xuất hiện trong một chương trình truyền hình, cũng được yêu cầu truyền cảm hứng cho những người sáng tạo trẻ, cũng xuất hiện trước đông đảo người hâm mộ, Amelia cho rằng: “… bí quyết của việc viết tốt là sự trung thực. Không chỉ là trung thực với người khác, mà quan trọng hơn là thành thật với chính bản thân. Đó là đối mặt với những điểm yếu của bạn, nỗi sợ hãi, chứng loạn thần, sự bối rối, những thứ khiến bạn trở nên xinh đẹp và cả những thứ khiến bạn trở nên thấp hèn hơn”.

Nguồn: unsplash.com

Hai năm tiếp theo, Amelia được một biên tập viên điều hành một tạp chí chuyên về đọc viết hàng đầu chú ý và liên hệ, mời phỏng vấn cho số báo dành cho nhà văn mới nổi sắp tới của họ. Với cùng một dạng câu hỏi, Amelia đã thay đổi câu trả lời của mình rằng: “Em không có một thủ thuật nào đặc biệt hơn so với những nhà sáng tạo khác. Chỉ là, em luôn buồn mỗi khi em viết. Em hầu như lúc nào cũng buồn… Không phải bản thân sự chán nản hay tức giận mới làm cho nghệ thuật trở nên tốt đẹp, nhưng em nghĩ tác phẩm vĩ đại nhất luôn là những gì phấn đấu cho sự thật, mà sự thật thì lại khá buồn và đau đớn…. “

Năm 19 tuổi, Amelia xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ ba của mình và được đông đảo độc giả trên khắp thế giới hoan nghênh. Cô tiếp tục có một cuộc phỏng vấn khác, với cùng một dạng câu hỏi, và một câu trả lời khác những lần trước, kèm theo một nụ cười tự giễu cợt bản thân: “… em nghĩ đó là sự rối loạn chức năng ở một mức độ nào đó. Chỉ cần ngồi trong phòng một mình mọi lúc và nhìn chằm chằm vào trang giấy trắng và viết. Việc viết trong cách sống hỗn loạn, khó đoán này, đòi hỏi một sự bất mãn hoặc rối loạn nào đó. Em không phải là người đặc biệt vui vẻ, nhưng không phải vì công việc của mình mà em trở nên không hạnh phúc. Công việc chỉ là một triệu chứng, không phải nguồn gốc. Nói khác hơn thì nó là một phương pháp điều trị. … Về mặt cá nhân, em nghĩ bí mật có lẽ là một mức độ dày vò hoặc rối loạn chức năng cao độ nào đó, hoặc bất cứ điều gì khác mà bạn muốn gọi tên “.

Thú thật thì, tôi không cố ý khiến bạn sợ viết, tôi chỉ cảm thấy câu chuyện của Amelia rất hay, rất tăm tối nhưng rất chạm. Tôi cũng thường viết như một cách để giảng hòa với những rối ren trong lòng. Và đương nhiên, những người có tâm hồn nhạy cảm thường sẽ viết rất hay. Nói cách khác, những bài viết được sinh ra khi con người ta đau khổ, buồn bã, sẽ thường được đón nhận hơn vì sự mỹ miều của nó.

Người ta tưởng như người viết đang nói về họ, đang đề cập đúng những gì họ trải qua và những góc khuất mà họ muốn che đậy.

Trở lại với cô em gái nọ, tôi hẹn em một buổi trò chuyện thân mật về chủ đề này. Vì là người đã biên tập cho bản thảo sắp xuất bản của em, nên tôi được em tin tưởng và chia sẻ thật sự cởi mở về việc, em cũng bị vướng vào lời nguyền trên.

Nguồn: unsplash.com

– Em nè, khi viết Những cái tôi xiêu vẹo, em có cảm thấy mình cô độc không? Có cảm thấy mình bị chìm hẳn vào thế giới u tối của nhân vật không?

– Dạ có chị, dường như em tách mình khỏi thế giới bên ngoài. Nó như thế nào nhỉ? Em hoàn toàn kết nối chính mình với nhân vật. 

– Toàn là những chuyện buồn, sao em có thể nhập vai nhân vật tốt đến vậy?

– Có những ngày em không chịu nổi, đã bật khóc trước mặt bố mẹ dù trước đây chưa từng thể hiện bất kỳ cảm xúc gì trước mặt họ. Em sống với nhân vật của mình một cách sâu sắc, dường như là đang cảm nhận được nỗi đau của họ. Họ đau tới đâu, em đau tới đó. Viết xong thì em nghỉ một thời gian dài tầm cả tháng, không viết thêm được gì vì sự ám ảnh những câu chuyện của mình.

– Em có thấy nỗi đau này dễ chịu không? Kiểu như em đang thỏa mãn cái đam mê của mình vậy?

– Không hẳn chị à. Giống như là, em đang có thêm nhiều nỗi đau trong đời. 

– Vậy nếu được chọn lại, em vẫn chọn cách viết này chứ?

– Nó không giống như là em chọn. Ví dụ như lúc em viết Tăng sinh, em tham khảo rất nhiều tài liệu và phim. Thế nên, nhân vật và trải nghiệm thực tế không đến từ em, mà chỉ có cảm xúc mới thật sự xuất phát từ con người em. Các phản ứng của nhân vật tự dưng trở thành phản ứng của em. 

– Ừ, chị có thể cảm nhận được một luồng cảm xúc rất mạnh đến từ các câu chuyện. Em có hài lòng với bản thảo của mình không?

– Có chứ chị. Em phải trả giá cho nó mà. Em bị mất cân bằng trong cuộc sống bình thường, em chỉ viết và viết, không làm gì khác hơn.

– Vậy thì, điều gì là xứng đáng để em lựa chọn? Viết và đau cùng nhân vật của mình, hay một cuộc sống bình thường nhàn hạ, nhưng không có viết?

– Viết và đau chị à! Bởi vì, nếu không viết, em không biết mình phải làm gì với cuộc đời cả. Nó giống như một món quà mà ông trời ban cho em, chỉ là, món quà này có trả giá mà thôi.

Nguồn: unsplash.com

Câu trả lời của em khiến tôi bật nhớ đến một người bạn thân đã từng nói với thế này. “Đôi khi tao thấy cần cảm ơn Thượng đế đã ban cho mình một tâm hồn nhạy cảm, bắt nhịp nhanh với cuộc đời và một đôi tay biết viết. Combo này xứng đáng để được đánh đổi mày à! Dù cái giá của sự đánh đổi này không mấy dễ chịu. Mình có thể sẽ mãi đơn độc trên hành trình viết của riêng mình, và trên con đường nhìn nhận cuộc đời của bản thân theo một nhãn quan mới, rất khác mọi người mà thôi.”

Hôm trước, tôi cũng bắt gặp được một chủ đề mà chị mình đưa ra trong nhóm những người tập viết – Chọn viết lách, là chọn một con đường đơn độc. 

Hóa ra, những cây viết sắc sảo xung quanh tôi đều là những người vướng phải lời nguyền này, và họ sống chung với nó một cách lành lặn, chấp nhận nó như một phần con người, một phần của cuộc đời này. Lời nguyền của sự sáng tạo không tạo ra kết quả của cán cân giữa sự bình thản trong cuộc sống và nỗi đau khi viết, nó tạo ra những tượng đài chữ nghĩa thật sự vững vàng và sống mãi với thời gian.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm