À ơi à ơi! Con ngủ cho ngoan, giấc mơ sẽ mang, nhiều lời mẹ ru.
À ơi à ơi! Mãi mãi chúng ta, một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to.
Con trai tôi đã hai tuổi, nhưng vẫn còn khóc đêm. Mỗi lần bé khóc, tôi sẽ xoa lưng, và hát ru. Dù mơ màng nửa tỉnh nửa mê, tôi vẫn có thể hát trọn vẹn những giai điệu quen thuộc, xoa dịu đứa trẻ đang hốt hoảng giữa đêm vì bất kỳ lý do gì. Với tôi, phương pháp này luôn có tác dụng, mỗi khi nghe giọng mẹ, các bé sẽ bình tĩnh lại rồi chìm vào giấc ngủ.
Nhớ lại hồi con được 4 tháng tuổi, sau một khoảng thời gian cố thực hành EASY nhưng không được với 2 đứa trẻ này, tôi đã quyết tâm để cho chúng nó khóc một trận thật to trước khi đi ngủ. Tôi cũng tìm hiểu, cũng thử áp dụng những kỹ thuật 3s hay 5s gì đó, cũng tham khảo ý kiến của các mẹ bỉm sữa khác, hòng mong con mình có thể ngủ tự lập được, hòng mong mình có thể thảnh thơi hơn một chút. Nhưng, tất cả các biện pháp đó đều từ chối sự gia nhập của mẹ con tôi. Sau cái hôm để mặc cho con khóc tím người đến 3 phút ấy, tôi đã không cho phép chính mình làm điều tương tự lần thứ hai.
Tôi nương theo những cách mà các con thích, để đưa các con vào giấc ngủ. Và, các con tôi thích những lời hát ru. Vậy là tôi hát, hát bằng cả trái tim, hát bằng tất cả yêu thương tôi dành cho chúng.
Hát mãi rồi tôi quen. Mỗi lần con khóc, tôi sẽ hát, sẽ hôn, sẽ xoa đầu, xoa lưng để trấn an con.

Một người mẹ xã hội đã khuyên tôi đừng hát nữa, sẽ tạo thói quen cho con, ai khỏe mà đi hát ru nó cả đời.
Một người bà con bảo tôi rằng đừng nuông chiều chúng quá, đừng gần gũi chúng quá, chúng sẽ bện hơi mẹ, chúng sẽ ăn vạ và dựa dẫm về sau.
Một chị bạn của tôi bảo rằng giờ này ai rảnh mà còn đi hát ru, em cứ mở nhạc không lời, mở lullaby về cho chúng nó nghe, chúng nó sẽ tự chìm vào giấc ngủ.
…
Tôi cảm ơn, và, mặc kệ.
Nếu con cần tôi hát ru đến tận khi trưởng thành, tôi vẫn sẽ hát.
Nếu con bện hơi tôi, tôi vẫn sẽ chấp nhận, bện hơi mẹ thì có gì là sai?
Nếu những bài nhạc không lời thay thế được giọng nói của tôi, chúng có thể truyền đạt tình cảm của tôi đến bọn trẻ hay không?
Tôi đã nghĩ như thế. Và vẫn hát ru con mỗi khi cần.
Tôi chẳng biết từ bao lâu rồi, những lời ru rất đậm tình của người Việt lại chỉ còn vang trên môi những người bà.
Với tôi, những giai điệu êm ái đó không chỉ là chất nền đưa các con vào giấc ngủ êm đềm, mà còn lại liều thuốc cho sự mệt nhoài của tôi, là một loại vacxin giúp tôi đủ kháng thể vượt qua chứng trầm cảm của một bà mẹ một mình chăm hai đứa trẻ thơ. Mỗi khi hát ru con, tôi nhắm mắt lại, thả tâm tư theo ca từ, truyền yêu thương vào giai điệu, gửi đến các con qua những giấc mơ. Con tôi ngủ êm, tôi cũng giải tỏa rất nhiều nhờ vào những câu dân ca ấy.
Người ta hay nói rằng, lời ru của mẹ ngọt ngào như dòng suối, nuôi dưỡng tâm hồn đứa trẻ. Lời ru là một yếu tố làm đủ đầy tuổi thơ của một đứa trẻ, để rồi tạo nên những người lớn sống một đời đầy đủ. Trong mối quan hệ giữa mẹ con tôi, nó còn là một loại dây rốn đời thực, thắt chặt và kết nối tình cảm của chúng tôi thành một khối, ngày càng lớn, ngày càng mạnh.
“Em bé khỏe, em bé ngoan, chỉ mong sao em lớn nhanh từng ngày,
Em bé khỏe, em bé ngoan, em ca hát làm vui cả nhà.”
Bất kể là bài hát nào, mẹ cũng có thể biến thành lời ru quen thuộc và êm ái dành cho con. Lời ru ấm áp của mẹ luôn là món quà tuyệt vời xây đắp nên những tâm hồn trọng nghĩa trọng tình, vậy nên, nếu được khuyên, tôi khuyên bạn đừng khước từ nó trong hành trình làm mẹ của những đứa trẻ thơ.
Bạn sẽ không biết được nội lực vô cực của nó đối với việc xoa dịu những cơn gắt gỏng của một đứa trẻ, và những lần căng thẳng cùng cực của một người mẹ, cho đến khi nó thật sự được hát và cảm nhận bằng cả trái tim.