Nói lời cảm ơn và tập trung vào hơi thở của mình.
“Giận” là một từ chỉ cảm xúc tiêu cực. Khi không hài lòng về một điều gì đó đến với mình, chúng ta giận. Khi những việc mình mong cầu không xảy ra theo cái cách mình muốn, chúng ta cũng có thể giận. Có muôn hình vạn trạng những nguyên nhân có thể khơi dậy cơn sóng giận dỗi trong nhân thế.
Người ta nhìn nhận “giận dữ” như một điều xấu xí, một cảm xúc không những không mang lại điều tốt đẹp, mà nó còn có thể ăn mòn chúng, khiến ta lộ ra những nguyên bản trần trụi của kiếp người. “Giận” là một con ma nham hiểm, song, trên con đường đi đến được chốn thanh bình tươi mới, ta có thể tránh xa nó được không?
Tôi không phải là người không biết giận, ngược lại, tôi lại rất hay giận. Bản tính nóng nảy trong vẫn luôn thường bộc phát khi tôi không hài lòng về điều gì đó, nhất là đối với những người thân thương của mình. Thật tai hại!
Tuy nhiên, tôi may mắn được biết đến những giáo pháp diệu kỳ của Bụt, thế nên tôi hướng mình đến việc tu tập mỗi ngày, kiềm chế cơn nóng giận luôn manh nhe để được ào ra. Hơn thế, tôi không muốn hình ảnh một người mẹ hay lớn tiếng hùng hổ in sâu vào ký ức của những đứa trẻ con, cũng không muốn chồng mình tiếp tục bất ngờ và chán chường về sự nóng nảy của mình, tôi phải giữ gìn một hình tượng đẹp đẽ cho gia đình.
Mỗi khi chuẩn bị la lên vì quá giận, tôi cố gắng giữ mình im lặng và tập trung nghĩ về hơi thở. Hơi thở bình an, nhẹ nhàng, tự động tâm mình lắng xuống. Vì thế, khi tức giận, tôi sẽ tìm một nơi yên tĩnh để lắng lòng lại, trấn tĩnh bản thân.
Việc nghe pháp mỗi ngày không đủ để tôi biến từ một kẻ phàm phu thành một thánh nhân, điều đó cần nhiều hơn thế trăm vạn lần. Nhưng nó đủ sức mạnh để thức tỉnh tôi mỗi lần sân si trỗi dậy. Cơn giận không vì những kẻ có hướng tu tập như tôi mà né ra, tôi cũng chẳng tài nào tránh nỗi mỗi khi nó muốn ập đến, nhưng tôi sẽ luôn cố gắng kiểm soát nó bằng hơi thở. Dùng hơi thở của mình trấn áp làn sóng đen cuồn cuộn trong lòng.
Mỗi khi tâm trạng ngập tràn giận dữ, não bộ của chúng ta chỉ lưu giữ toàn những nguyên nhân tạo nên cơn giận ấy. Ví như cuộc tranh cãi với nhau của vợ chồng tôi gần đây vậy, khi giận, tôi chỉ toàn nghĩ về việc mà anh ấy đã làm sai, đã nói sai mà quên rằng mình cũng không hề đúng, thậm chí, việc sai của tôi mới là nguyên nhân chính khiến anh khó chịu. Trong một giây phút nào đó, tôi đã không thể kiểm soát được bản thân mình mà lớn tiếng với chồng, rồi lại cảm thấy nặng nề trong lòng hơn vì sự xa cách mà chúng tôi dành cho nhau.
Cảm xúc giận dữ là một thứ chất kết dính, đeo bám dai dẳng, đến nhiều ngày sau tôi vẫn chưa hoàn toàn hết giận. Nhưng tôi đã cố gắng ở một mình trong vài phút để nghĩ về hơi thở của mình. Tôi chỉ ngồi đó và hít thật sâu, thở ra thật nhẹ nhàng, tập trung hết sức vào việc mình thở. Chính những giây phút hoàn toàn chỉ nghĩ về hơi thở, khối óc tôi đã kịp loại bỏ những nguyên nhân và trái tim tôi đã vứt hết cảm xúc hờn dỗi ra ngoài. Tôi trở lại bình thường, nói chuyện với chồng về những điều đã xảy ra, và rồi giải quyết chúng. Thật may mắn là chồng tôi cũng đã vị tha cho vợ mình.
“Giận” tuy là một con ma xấu xa, nhưng nhờ có nó, chúng ta mới học được cách vượt lên trên bản ngã của mình, kiểm soát được những luồng cảm xúc tích cực, tiêu cực vẫn thường trực sâu thẳm bên trong bản ngã của mình. Mỗi lần kiềm chế được một cơn thịnh nộ, là mỗi lần chúng ta tiến thêm một bước đến chân trời tự do, nơi những bình yên ngự tại.
Vì thế, nếu những người phàm phu chúng ta không thể thoát khỏi sự đeo bám của cơn giận, của sự sân si, thì hãy thầm cảm ơn và làm bạn với nó. Mỗi khi cơn giận đến, hãy mỉm cười nhẹ và nhủ với bản thân rằng: “Rồi, em ấy đã đến rồi đấy! Tới thăm ta một chút vậy thôi, để ta biết mình còn là một người đủ đầy cảm xúc, rồi chúng ta tạm biệt nhau, em về lại đáy lòng ta mà trú, ta về lại hiện tại mà tiếp tục sống thôi, nhé!”
Nghe có vẻ thật sáo rỗng và lý thuyết! Đúng thật, mấy ai lại đi nói ra những lời hoa bướm này khi đang nước sôi lửa bỏng, phải không. Thật sách vở!
Nhưng hãy tạm dừng vài giây trước khi phê bình lời nhủ thầm của tôi với chính mình và cảm nhận điều tôi thật sự muốn nói. Khi giận, hãy cố gắng im lặng, mỉm cười – kiểu cười gượng gạo cũng được – nhẹ nhàng, và nhắm mắt nghĩ về những hơi thở của mình. Khi hành pháp ấy, bạn vô tình đã chế ngự được cơn sóng đang cuồn cuộn trỗi lên. Và khi bình tĩnh hơn, bạn sẽ giải quyết được vấn đề khiến mình giận.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tặng cho chúng ta một bài thơ rất hay về việc kiểm soát cơn giận.
Giận nhau trong bản môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Người đâu và ta đâu?
Từng lời từng ý của Thầy sâu thẳm, chạm vào từng ngóc ngách trong dòng suy nghĩ và cảm xúc của tôi, của chúng ta. Cuộc sống vô thường, không có gì trên đời này là mãi mãi, chỉ có chết đi là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Một mai người chúng ta giận rời xa rồi, chúng ta có kịp hối hận hay không? Cơn giận bản chất cũng là vô thường, khi không nghĩ về nó, nó sẽ tự động tan biến.
Thôi thì cứ để giận đến nhẹ nhàng, giận đi thong thả. Hãy mỉm cười nhẹ và nhìn vào hơi thở của mình, cơn giận sẽ tự hổ thẹn vì không được chào đón mà cúi đầu ra đi.
Đâu phải tự dưng mà người ta nói Tâm sinh Tướng! Người kiểm soát được việc đến và đi của lòng sân si, tự khắc đẹp.