Có lẽ giờ đây, An không cần phải tự ti về sự chậm chạp và rụt rè hơn bạn bè cùng lớp của mình nữa. Con không cần phải hô hào lên cùng đám trẻ để được giáo viên chú ý và cũng không cần đến các bữa tiệc nếu như không muốn. Con dễ dàng đưa ra lời từ chối với những lời mời đến nơi đông người mà không một chút áy náy. Con hiểu được rằng, việc thích ở một mình và e ngại người lạ là hoàn toàn bình thường và được mẹ cho phép. Như những loại tính cách khác, nó được công nhận ở khắp mọi nơi trên thế giới, con có thể sống lành lặn, ổn định và không cần thiết phải thay đổi bản thân mình để làm hài lòng người khác.
Ngọc – mẹ của An – đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con. Cô chấp nhận bản chất thầm lặng, trầm tĩnh, có phần rụt rè của con gái mình, đồng hành cùng cô bé và giúp con tạo nên sự tự tin từ sâu bên trong, dù cho con hoàn toàn khép kín hay sẽ rộng mở hơn trong tương lai.
An là một đứa trẻ hướng nội. Và tôi cũng thế. Trước khi được công nhận như một loại tính cách bình đẳng với nhóm hướng ngoại, luôn luôn năng động, những người hướng nội như chúng tôi đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn khi bị xã hội đặt lên vai những định kiến sai lệch.
Cả thế giới đang vận hành theo cách tôn vinh những người hướng ngoại, nơi mà dường như mọi người luôn có thứ để nói, một cách ồn ào, tự tin và đầy kiêu hãnh, trong khi đó, không một ai chịu bình tâm lắng nghe. Một thế giới toàn những buổi hội họp, tiệc tùng, những cái tôi lớn, những chức danh cao vời sẽ không chấp nhận một người lặng lẽ, im lìm và mờ nhạt. Trong thời đại đề cao sự hoạt bát nhanh nhẹn ngày nay, những người hướng nội được cho là chậm chạp, không nhạy bén và khó hòa nhập với xã hội. Những người ít nói, không quảng giao, chỉ thích một mình, tránh né đám đông,… phải nhận một làn sóng những lời miệt thị, chê trách rằng không biết cách sống, không hoạt ngôn, ít có cơ hội phát triển trong tương lai. Ít ai biết được rằng, đằng sau một con người lặng lẽ là rất nhiều tiềm năng cần được khai phá, nhiều góc khuất cần được cảm thông và thấu hiểu.
Một đứa trẻ hướng nội lại càng phải chịu nhiều oan ức khi không thể đáp ứng đầy đủ những kỳ vọng của cha mẹ, ông bà hay những người xung quanh. Nếu con bạn là một đứa trẻ hướng nội, bạn sẽ làm gì? Chấp nhận con người trầm tĩnh của con hay sẽ cố gắng hết sức biến con mình thành một người hướng ngoại cho hợp với thời thế, nhân danh sự thành công mờ ảo trong tương lai mà ép con mình sống không thật với bản chất của mình?
Gửi các người bố, người mẹ đang đồng hành những đứa trẻ hướng nội.
Các bạn rất may mắn vì đang có trong tay sức mạnh của sự lặng lẽ, âm thầm nhưng quyết liệt, có thể thay đổi cả thế giới. Việc của chúng ta chỉ là học cách nhận biết bản chất hướng nội của con mình, chấp nhận chúng như những loại tính cách khác và tìm những phương pháp tốt nhất giúp con phát huy tối đa tiềm năng trong người.
Nếu đi đúng hướng, chắc chắn bạn sẽ tự hào về con mình vào một ngày không xa.
Minh Anh (MiA) là con gái của Thùy – bạn tôi, cô bé vừa tròn ba tuổi vào tháng tám này. Tôi đã nghĩ, với tính cách của Thùy, nhất định sẽ tổ chức một buổi tiệc sinh nhật hoành tráng cho con mình, có bia rượu và bánh kem, trang trọng mời khách đến một nhà hàng sang trọng với những mâm cỗ linh đình dành tặng cô con gái rượu. Nhưng không, khác với những gì tôi hình dung, Thùy kể rằng buổi tiệc mừng bé Minh Anh thêm tuổi mới chỉ vỏn vẹn một chiếc bánh kem, một hộp bánh su mà bé thích, và sự góp mặt của ba mẹ mà thôi.
Thùy tâm sự:
“Rút kinh nghiệm lần sinh nhật trước tổ chức cho con, mình cảm nhận rằng nó chỉ là bữa tiệc tùng vui vẻ của người lớn với lý do chính đáng là ngày kỷ niệm của con trẻ. Chẳng ai biết rằng hôm đó MiA khóc đến lả người, nó không chào hỏi ai, cũng không vui vẻ năng động như ngày thường. Tối hôm sinh nhật, vì mệt nên mình ngủ thiếp đi, chẳng buồn để ý đến con đang có những biểu hiện bất thường. Sáng hôm sau, con ôm cổ mình mà khóc tức tưởi và nói rằng, con không thích cô Liên cứ ôm con như tối hôm qua. Mình đã bất ngờ vô cùng, và chột dạ vì đã không hề hay biết tối qua Liên đã ôm bé nựng nịu rất lâu.
Tháng trước, mình hỏi con là có muốn mời bạn bè đến vào buổi tiệc sinh nhật hay không? Bé dứt khoát trả lời ngay là Không. Mình hỏi vì sao, con chỉ bảo rằng không thích.
Từ hôm đó, mình để ý con nhiều hơn. Con chỉ vui vẻ khi ở nhà thôi, khi đi đến chỗ nào đông người, hoặc khi nhà có khách, con trở nên im lặng hẳn, và có vẻ không thoải mái. Mình sợ con gặp hội chứng gì khác với những đứa trẻ bình thường, nên đã tìm hiểu nhiều nguồn thông tin. Rồi mới biết MiA là một đứa trẻ hướng nội cậu à! Thế nên, đợt này, mình không bày trò tiệc tùng nữa, sinh nhật con thì làm những gì con thích nhất thôi.”
Thì ra, không chỉ khi lớn lên ta mới có thể phân biệt được hướng tính cách hướng nội hay hướng ngoại. Mà phần tính cách này vốn được định hình từ khi ta còn là trẻ con. Những em bé hướng nội sẽ dễ gặp phải cảm xúc tiêu cực, dồn nén nếu như bố mẹ không chịu thấu hiểu, cảm thông, chấp nhận và đồng hành cùng con vượt qua những khó khăn mà một người hướng nội gặp phải, để trưởng thành một cách hoàn chỉnh và hạnh phúc trong thế giới không ngừng hội nhập mai sau.
-
Làm sao để biết được con có phải là một đứa trẻ hướng nội hay không?
Nhận biết tính cách của một đứa trẻ, đặc biệt là con mình, quả thật không khó. Trẻ em luôn là một bản thể thuần khiết nhất của đời người. Chúng ngây ngô thể hiện mọi cảm xúc của mình mà không cần cân nhắc tới việc phải kiểm soát hay kiềm nén như một người trưởng thành. Vì thế, chỉ cần dành thời gian thật sự quan sát con, ta sẽ dễ dàng xác nhận hướng tính cách của bé và lập nên chiến lược hợp lý, cùng con bước qua những khó khăn.
– Nếu con bạn là một em bé không thích đám đông, bé thường xuyên tỏ ra lo lắng, sợ hãi và mệt mỏi mỗi khi có mặt trong một bữa tiệc đông người, dù cho bé là nhân vật chính đi chăng nữa. Con bạn là một đứa trẻ hướng nội. Vì là một người hướng nội, nên dường như mọi sức lực của con được thu hút vào trong, dành riêng con, một không gian riêng, một khoảng trời riêng. Khi hòa nhập vào đám đông, con cảm thấy bản thân không hề thoải mái và bị đám đông ấy rút cạn năng lượng. Con chẳng buồn nói lời cảm ơn hay chào hỏi người lớn, dù ở nhà con luôn chủ động thực hành những điều này.
– Nếu con bạn thường xuyên chơi một mình một cách say sưa và không quan tâm đến những gì khác xảy ra xung quanh, con cảm thấy dễ chịu và tận hưởng khoảng không gian ấy. Con là một người hướng nội thật sự. Con chỉ muốn ở một mình, khi được như thế, con trở nên sáng tạo và thoải mái hơn bao giờ hết.
– Một đứa trẻ hướng nội có thể chậm chạp một chút nhưng không hề kém thông minh hơn với những đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát khác. Con đang có một con đường riêng để đi và không cần thiết phải so sánh con với bất kỳ ai mà bố mẹ mong muốn con trở thành. Trong quyển sách nổi tiếng của mình, The Hidden Gifts of the Introvert Child, Tiến sĩ Marti Olsen Laney đã khẳng định rằng, “những đứa trẻ hướng nội thường mang trong mình một nguồn lực dồi dào, những khả năng thiên bẩm mà những người hướng ngoại không có được”. Đó là một nguồn nội tâm phong phú, bé sẽ dành thời gian để quan sát mọi việc diễn ra xung quanh. Đó là một khả năng đặc biệt có thể kết nối với chính mình. Một người hướng nội luôn có thể đặt ra những câu hỏi sâu sắc để tìm ra nguyên nhân, bản chất thật sự của một vấn đề. Ở một đứa trẻ hướng nội, chúng ta dễ dàng nhận biết điều này thông qua các câu hỏi ngây thơ nhưng có chiều sâu mà đôi khi người lớn không biết phải trả lời sao cho thỏa.
– Đặc biệt hơn, một đứa trẻ mang tính cách hướng nội không đồng nghĩa với việc bé ấy tách rời khỏi cộng đồng, không có kỹ năng giao tiếp xã hội và luôn tỏ ra nhút nhát. Ở những môi trường xa lạ, bé cần thời gian để tiếp nhận và làm quen với những thông tin mới. Tuy nhiên, khi đã quen với không gian và bạn bè xung quanh, con sẽ hoàn toàn cởi mở và thân thiện hơn. Đó chính là điểm đặc biệt của một người hướng nội, dù đó là một người trưởng thành hay một em bé vừa đầy năm.
Những đặc tính trên không có gì là khác lạ, song, nó cũng gây một số hạn chế trong việc tiếp cận với thế giới bao la bên ngoài cho bé. Thế nên, để bé con lớn lên một cách hạnh phúc và trang bị cho con một bộ hành trang vững chắc tiến thẳng vào đời, sự bao dung và thấu hiểu của bố mẹ là cực kỳ quan trọng.
-
Nuôi dưỡng một đứa trẻ hướng nội như thế nào để con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc và phát huy hết tiềm năng của mình?
Khi được sinh ra, đứa trẻ đã là một thiên thần. Ta xem con như một viên ngọc quý, vì con không biết gì ngoài bố và mẹ. Con là một bản thể trong sáng và thuần khiết vô ngần. Năm tháng trôi qua, con lớn dần lên, học hỏi thêm nhiều thứ trong đời, và vô tình trở thành những vấn đề của bố mẹ. Trong quá trình khám phá thế giới để lớn lên, con vấp phải những lời can ngăn, la mắng, những hình phạt đôi khi không hiểu lý do. Từ đó về sau, bản thân con tự hình thành một ranh giới cho chính mình, con ngại tìm tòi, ngại thử những điều mới mẻ vì sợ bị la mắng, trách phạt. Điều này lại càng dễ nhận ra hơn khi con lại là một đứa trẻ hướng nội.
Hãy nhớ rằng, con cái không phải là vật sở hữu của chúng ta. Không cần trở thành một người sở hữu con cái, mà hãy trở thành một người đồng hành. Tính cách của con ngày càng được biểu hiện rõ ngoài, thì với vai trò là một người cùng con đi trên chặng đường dài cùng con, bố mẹ càng phải tỉnh thức.
– Hãy yêu thương những đứa trẻ bằng cách chấp nhận con người thật của chúng, dù cho chúng hướng nội hay hướng ngoại, nhút nhát hay dạn dĩ, chậm chạp hay nhanh nhẹn, lầm lì hay năng động, thích một mình hay thích đám đông. Những đứa trẻ cần được lắng nghe và chấp nhận bản chất trong sáng thuần túy nhất, chúng không hề mong muốn được ba mẹ đối xử như cái cách mà họ đối đãi với người mà họ mong con trở thành.
Có một sự thật khá đau lòng, mà chúng ta buộc phải thừa nhận, rằng không ai thật sự yêu một ai đó mà không có điều kiện. Tình yêu của bố mẹ đối với con cái cũng vậy. Chúng ta dựa trên một danh sách những tiêu chuẩn tự đặt ra để thỏa mãn chính mình và dùng nó trở thành điều kiện để yêu thương con. Chẳng hạn như, ta muốn con cái mình phải ngoan, phải giỏi, phải thành công trong tương lai, phải làm cho ta tự hào và cảm thấy những hy sinh mình dành cho con là xứng đáng. Khi con không thỏa mãn được những nhu cầu ấy, ta bỗng dưng cáu gắt và la mắng con. Ta tự cho phép bản thân cái quyền được đặt lên vai con những nhãn dán và bắt con phải đeo nó như một huy chương, để được bố mẹ yêu thương, chăm sóc và tiếp tục nuôi dưỡng.
Khi con khẳng định với ta rằng, con là một người hướng nội, con thích điều đó và nó chẳng có can hệ gì với thế giới cả. Điều tốt nhất ta làm chính là lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận tất cả những điều đẹp đẽ ấy từ con mình.
– Hãy trở thành một người bạn, luôn bên cạnh và nắm tay con vượt qua những khó khăn khi buộc phải hòa nhập với thế giới ồn ào này.
Người hướng nội không cô đơn, họ có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trẻ em hướng nội cũng vậy. Họ tiếp cận với cuộc đời một cách âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy sâu sắc, chân thành. Song, thật không dễ dàng để một người hướng nội nhận ra rằng mình tuyệt vời như thế nào. Một đứa trẻ hướng nội lại càng khó khăn hơn để thừa nhận điều đó.
Bạn đã biết Bill Gate là một người hướng nội chưa? Những cái tên nổi tiếng quen thuộc như Albert Einstein, Abraham Lincoln, Isaac Newton, Warren Buffett, Barack Obama,… đều là những người hướng nội. Mỗi người thành công theo một cách khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung ở việc chấp nhận bản thân và chịu đựng cảm giác đơn độc trên hành trình của chính mình.
Vì những đứa trẻ hướng nội rất thích một mình, chúng cảm thấy thoải mái và thư thả khi được chiếm trọn không gian và thời gian riêng. Song, bố mẹ đừng để con đơn độc trên con đường chinh phục thế giới phía trước. Không có một phương thức nào để trở thành một người dẫn đường tốt hơn việc đồng hành cùng con đi đến cuối cùng.
Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện của bé An đã được nhắc đến ở đầu bài chia sẻ này.
An bảy tuổi, chuẩn bị vào lớp một, chậm một năm so với tuổi chuẩn để bắt đầu chương trình Tiểu học. Song, đây là một quyết định sáng suốt của Ngọc khi đã cho con mình một khoảng thời gian thư thả, đủ để con có thể sẵn sàng bước vào một thế giới mới một.
Bé An chào đời khi thai kỳ của mẹ Ngọc chỉ mới 32 tuần. Con là đứa trẻ sinh non và nhẹ tênh chỉ hai cân.
Ngày An được bốn tuổi, vợ chồng Ngọc cho cô bé làm quen với trường mầm non. Vì biết con vốn rất bám mẹ và ngại chỗ lạ, Ngọc đã luôn ở cạnh An trong suốt tuần đầu đến lớp. Mỗi ngày chỉ học một buổi thôi, nhưng đó là những buổi học khó chịu của An, bé không muốn chơi cùng bạn bè, không tham gia hoạt động cùng cô giáo, bé chỉ muốn có mẹ.
Đến tuần thứ hai, bé dần dà quen với cô và một vài bạn trong lớp, bắt đầu cởi mở hơn, nhưng vẫn cần có mẹ ở bên, và vẫn duy trì một buổi học một ngày.
Sang tuần thứ ba, cô bé đã có thể học đến giữa buổi chiều. Ngọc có thể về nhà mỗi khi con đã ngủ và nhất định phải đến đón con trước 15 giờ.
Không như những người mẹ khác, Ngọc không lặng lẽ ra về, cô vẫn báo với con rằng khi con ngủ, mẹ sẽ ra ngoài một chút và hứa sẽ là người đến lớp đón con đầu tiên. Cô đã giữ thói quen tâm sự với con mình, thông báo cho con về mọi chuyện sắp xảy ra từ những ngày con vừa chào đời. Chính vì Ngọc chưa bao giờ thất hứa với con, nên bé An đặt niềm tin hoàn toàn vào mẹ và không hề khóc khi ngủ dậy không thấy mẹ bên cạnh. An ngồi lặng lẽ một góc phòng và chờ mẹ đến đón mình về.
Những ngày sau đó, An quen dần với môi trường học tập, cùng chơi đùa vui vẻ với bạn bè, cùng cô tham gia những hoạt động ca múa, thoải mái như ở nhà với mẹ. Mọi chuyện sẽ vẫn êm đềm trôi qua như thế nếu như bố An không bất ngờ nhận công tác xa và cả gia đình buộc phải chuyển nhà về nơi bố sẽ làm việc. An lúc ấy vừa chia tay cô giáo và bạn bè để chuẩn bị vào lớp một.
Vì trường Tiểu học nằm cạnh trường mầm non mà An đang học, mỗi ngày đi ngang Ngọc đều chỉ vào ngôi trường ấy và bảo An rằng, sau này con sẽ vào học ở trường này. Ba năm học mầm non, cũng là ba năm cô bé làm quen với hình ảnh ngôi trường tiểu học bên cạnh và chắc chắn rằng mình sẽ trở thành một học sinh của trường vào một ngày không xa. Song, tất cả đều thay đổi khi bố An nhận quyết định và mẹ Ngọc bỗng dưng trở thành một người nói dối trong mắt cô bé.
Đến vùng đất mới, An trở nên ít nói và lặng lẽ hơn. Ngoài bố mẹ mình, cô bé không giao tiếp với một ai, dĩ nhiên, cả cô giáo của mình. Việc con im lặng và không hợp tác với cô trong suốt buổi học khiến cô giáo lo lắng. An không những không theo kịp bài với các bạn trong lớp, mà còn có những biểu hiện bất thường, dấu hiệu của chứng tự kỷ.
Cùng thời gian đó, vì bố An vừa điều chuyển công tác nên các buổi hội họp với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm tại nhà diễn ra ngày càng thường xuyên. Sự đông đúc, ồn ào của những buổi tiệc khiến An cảm thấy kiệt quệ và chỉ muốn ở một mình trong phòng với những bạn gấu bông. An từ chối cả sự quan tâm hỏi han của mẹ.
Ngọc nhận thấy sự bất thường của An nên đã bàn bạc với cô giáo và nhà trường, xin bảo lưu hồ sơ và cho An nhập học vào năm sau, tức là học chậm so với các bạn một năm. Thời gian này, Ngọc đưa An đi chơi, mời ông bà đến nhà, dẫn An đi tham quan những khu vui chơi gần nơi ở mới, cùng An thăm hỏi nhà các bạn hàng xóm. Cô bé nắm tay mẹ cùng đến nhà văn hóa thiếu nhi, hội sách, triển lãm và được mẹ chỉ cho vô số điều mới mẻ. Cùng với sự kiên nhẫn và thấu hiểu của Ngọc, con gái cô dần dần cởi mở hơn, bắt nhịp lại với cuộc sống mới và làm quen với những người bạn mới.
Ngọc cũng thảo luận với chồng mình về những tần suất của buổi tiệc diễn ra ở nhà. Trong khoảng thời gian giúp An trở lại là một cô bé đáng yêu như trước đây, bố An buộc phải dành thời gian cho con nhiều hơn. An cần mẹ, nhưng cũng không thể thiếu vắng bố trong giai đoạn thử thách này. Thật may là An được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình tràn ngập tình yêu thương và sự cảm thông cho nhau. Bố An đồng ý với vợ, cùng mẹ con An thực hiện những chuyến du lịch ngắn ngày và dành thời gian chơi cùng cô bé nhiều hơn.
An dần tự tin hơn với cuộc sống mới. Từ nay, An không còn phải dè dặt với những người bạn trên lớp về sự rụt rè của mình nữa. Cô bé cũng không cần phải tham gia những buổi tiệc ồn ào của bố mẹ ngoài sân mà có thể tự do khám phá không gian riêng trong phòng mình – căn phòng mà mẹ Ngọc đã dày công trang trí đặc biệt dành cho con.
An có thể bắt đầu lớp một trễ hơn các bạn cùng tuổi, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cô bé chậm hơn người khác trên những chặng đường phía trước. Con bắt đầu một cột mốc mới của cuộc đời khi đã hoàn toàn sẵn sàng và đầy đủ tự tin. Sự đồng hành của bố mẹ là một món quà thiêng liêng ông trời ban tặng cho con, song song với đó, sự có mặt của con trên cuộc đời này cũng là một phần thưởng quý giá dành cho bố mẹ.
Chỉ cần hiểu thấu và chấp nhận con là một bản thể thuần túy nhất, khác mọi người, khác bố mẹ; con là một cá thể riêng biệt cần được tôn trọng, yêu thương và đồng hành bên cạnh, mọi việc dường như nhẹ nhàng hơn và cuộc sống cũng vì thế mà êm đềm hơn rất nhiều .
– Hãy tôn trọng những đề nghị riêng tư của con và dành cho con những khoảng không nhất định nếu con muốn.
Một đứa trẻ hướng nội cũng là một con người, cũng cần được tôn trọng những khoảnh khắc riêng của mình. Nếu con muốn tự lắp khối hình, bố hãy ngồi yên bên cạnh quan sát và động viên. Nếu con muốn được tập trung vẽ bức tranh về gia đình, mẹ hãy giữ im lặng và rời khỏi phòng.
Có một điều rất ấn tượng ở những đứa trẻ hướng nội, đó là các con có thể nhận biết được sở thích của bản thân và đắm mình vào nó từ rất sớm. Các con có khả năng kết nối với chính mình và quan sát những sự vật xung quanh rất tốt, đôi khi còn vượt trội cả người trưởng thành. Vì thế, hãy tin tưởng một đứa trẻ trầm tĩnh, con biết rõ con đang làm gì.
Quay lại với cô bé MiA, tôi chợt nhớ về một lần đến thăm nhà bé cùng chồng và hai cậu con trai. Hai cậu con của tôi khá tinh nghịch và không quá khó để chúng có thể làm quen được môi trường mới. Chúng tôi để hai ông bố ngồi phòng khách nói chuyện, hai bà mẹ và những đứa trẻ dự định sẽ cùng nhau lên phòng MiA chơi. Song, cô bé không đồng ý. Bé không muốn người lạ vào phòng mình. Chúng tôi tôn trọng bé và quyết định chơi trong sân vườn nhỏ nhà bạn.
Trong khi hai cậu con của tôi không thể ngồi yên được năm phút, thì MiA của Thùy lại ngồi thật lâu, lặng lẽ tô xong bức tranh công chúa tuyết. MiA lúc ấy chưa tròn ba tuổi, nhưng cô bé khéo léo đến độ, những mảng màu nhỏ nhất trong bức tranh cũng được tô đều và ít khi lem ra ngoài đường viền. Tôi bất ngờ về sự gọn gàng và cách phối hợp màu sắc của cô bé, đến thốt lên “Wow, cô không tin là con đã tô bức tranh này đấy MiA, con khéo quá!”. Cô bé cười tươi và xin lại bức tranh của mình, mang vào phòng làm việc của Thùy, và dán lên một chiếc bảng dành riêng cho các tác phẩm của con. Tôi xin phép được đi theo, và tất nhiên, cả hai cậu bé của mình cũng cùng đi. Lần này, MiA đã thoải mái hơn và để chúng tôi cùng mẹ vào phòng. Tại đây, tôi lại được mở rộng tầm mắt hơn với cả chục bức tranh được tô màu hài hòa và khéo léo của cô bé sắp sửa lên ba.
Thùy bảo rằng MiA đã tập tô màu từ khi hai tuổi. Con không thích chơi gì ngoài các hộp bút màu và giấy. Biết con đam mê màu sắc và thích tô những bức tranh đã vẽ sẵn, Thùy đã bảo chồng lắp chiếc bảng sưu tập này và để con tự chọn những bức tô nào con thích nhất, ghim lên đó. Nhưng do công việc khá bận nên Thùy chưa dán tranh của con lên được. Từ ngày nhận ra con mình hướng nội, Thùy đã chú ý nhiều hơn đến sở thích này của con và dành thời gian nhiều hơn cùng con tô màu, vinh danh sản phẩm của con như một lời động viên.
“Quả thật, cảm giác phát hiện đam mê tô màu, cùng con tô, cùng con tận hưởng thành quả rất dễ nghiện và không bao giờ muốn cai, cậu à!” – Thùy nói khi chúng tôi rời phòng làm việc và trở về khu vườn.
Thật tài tình. Ắt hẳn trong tương lai, thế hệ các con của tôi sẽ biết đến một họa sĩ nổi tiếng tên là MiA.
Nếu đã mang con đến với cuộc đời, xin hãy yêu thương con bằng một trái tim rộng mở nhất, chân thành nhất, xin đừng cân đo nhân cách của con bằng những kỳ vọng hão huyền của bố mẹ.
Như cách mà nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng người Ấn Độ Mahatma Gandhi – một biểu tượng của tình yêu thương và hòa bình trên thế giới vào những ngày loạn lạc chinh chiến, đã nói “In a gentle way, you can shake the world”. Chúng ta không cần phải trở thành những người luôn hoạt bát và năng động bên ngoài xã hội, chúng ta chỉ cần lặng lẽ làm những gì phù hợp với mình, khiến mình hạnh phúc và mang lại giá trị cho cuộc đời. Đương nhiên, con của chúng ta cũng thế. Những đứa trẻ xứng đáng được nhận sự tin yêu trọn vẹn, thuần túy nhất của cha mẹ, dù chúng mang trong mình tính cách nào đi nữa.