Hướng dẫn chi tiết về lộ trình phát triển của một freelancer dịch thuật từ chưa biết đến chuyên nghiệp

Sống trong thời đại hội nhập và kết nối toàn cầu hiện nay, chúng ta khó tránh khỏi sự va chạm của các nền văn hóa thông qua các sản phẩm ngôn ngữ. Cuộc cách mạng công nghệ số khiến cho hầu hết các quốc gia trên thế giới liên kết chặt chẽ hơn với nhau, tạo thành một khối khó có thể tách rời. Trong quá trình trao đổi thông tin giữa các nước, sự tiếp xúc và giao thoa giữa văn hóa, ngôn ngữ là một điều tất yếu.

Đó là lý do mà vì sao “dịch thuật” trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng trong thời đại của chúng ta. Biên dịch viên, hay phiên dịch viên đã trở thành một nghề thật sự thú vị và hấp dẫn nhiều nhân lực. 

Vậy, làm thế nào để bắt đầu hành trình theo đuổi con đường trở thành một biên dịch viên chuyên nghiệp? Một freelancer dịch thuật cần những yếu tố nào để thành công trong sự nghiệp? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn định hình được lộ trình và tiến hành những bước đầu tiên trên con đường chinh phục đỉnh cao của nghề dịch thuật tự do. 

  1. Khái quát sơ lược về thị trường dịch thuật tự do

Hiểu một cách cơ bản, dịch thuật hay biên dịch là công việc chuyển đổi ngôn ngữ theo hình thức chữ viết, văn bản. Người dịch là tác nhân chuyển thông điệp hay tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, đồng thời lưu giữ và truyền đạt các giá trị của các nền văn hóa đứng sau con chữ. Một sản phẩm được dịch thuật chỉn chu chính là cầu nối giữa tác giả thật sự ở ngôn ngữ gốc với người đọc ở ngôn ngữ đích. 

Biên dịch là một nghề đã xuất hiện từ khoảng 100 năm nay. Thị trường biên phiên dịch trở nên sôi nổi và nhộn nhịp nhất vào trong thời đại hội nhập, khi cả thế giới dừng các cuộc chiến tranh và chuyển sang xu hướng liên kết cùng phát triển. 

Trước khi đại dịch Covid bùng phát, nhu cầu dịch thuật vẫn khá cao. Nghề biên dịch viên, phiên dịch viên vẫn là một trong những nghề hấp dẫn với mức thu nhập vượt trội so với các ngành ngôn ngữ khác. Đặc biệt là với sự xuất hiện của các nền kinh tế mới, các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh (truyện, game, phim ảnh) có sức ảnh hưởng toàn cầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… khiến nhu cầu biên dịch lẫn phiên dịch các ngôn ngữ này cũng tăng nhanh chóng mặt.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid diễn biến phức tạp, không chừa một quốc gia hay một nền kinh tế nào thì ngành biên phiên dịch, không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, suy giảm nghiêm trọng.

Nếu trước đây, dịch giả chủ yếu làm việc với các loại tài liệu chuyên môn, chứng từ, thì hiện tại, nhu cầu về dịch thuật có sự biến đổi đáng lưu ý sau:

  • Biên dịch không còn đơn thuần chỉ là việc chuyển ngữ từ các tài liệu mang tính học thuật, chứng từ, mà còn được mở rộng sang các khía cạnh dịch thuật quảng cáo, sáng tạo. 
  • Khi ngành công nghiệp giải trí và công nghệ ngày càng phát triển, các job liên quan đến dịch sub (phụ đề phim), biên dịch video các khóa học dựng sẵn cũng theo đó mà bùng nổ mạnh mẽ.
  • Biên dịch ở các mảng tài liệu huấn luyện nội bộ, catalogue sản phẩm, hợp đồng thương mại ngày càng phổ biến vì nó giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí hơn.

Đặc biệt, khi dịch bệnh đẩy thế giới lao động dịch chuyển dần sang hình thức làm việc tự do, hoặc làm việc từ xa, việc trở thành một freelancer dịch thuật ngày càng được nhiều người chọn lựa.

  1. Những tố chất cần có của một freelancer dịch thuật

Một dịch giả giỏi là người có kiến thức toàn diện về cả ngôn ngữ nguồn lẫn ngôn ngữ đích. Để trở thành một biên dịch viên chuyên nghiệp, việc chỉ học bề nổi của một ngoại ngữ là không đủ, bạn cần phải hiểu rõ về cả văn hóa lẫn những tầng sâu ý nghĩa của ngôn ngữ đó. Dịch thuật tốt đặt ra những tiêu chuẩn cao về kỹ năng và kinh nghiệm, để đảm bảo nội dung được dịch ra vừa chuẩn xác với bản gốc, vừa dễ dàng thẩm thấu với người đọc. Đây cũng chính là những điều mà khách hàng dịch thuật của bạn cần nhất. 

Để tạo nên những sản phẩm dịch thuật chất lượng như thế, bạn cần trang bị cho mình những tố chất đặc biệt sau:

2.1. Khả năng đọc các ngôn ngữ khác nhau

Để dịch đúng và giữ trọn vẹn ý nghĩa của văn bản nguồn, yếu tố đầu tiên một dịch giả cần có chính là khả năng đọc nhiều tác phẩm, tài liệu bằng các ngôn ngữ khác nhau. 

Yêu cầu của việc đọc đối với một dịch giả không chỉ dừng lại ở biết, mà còn phải hiểu sâu sắc nội dung, thể loại của văn bản nguồn, bối cảnh xã hội, phong cách hành văn, thậm chí là tính cách của tác giả. Hơn thế, ở mỗi ngôn ngữ lại tồn tại nhiều cách thức giao tiếp khác nhau. Ví dụ như nhiều nhà văn Việt Nam thường dùng những cú pháp câu gián tiếp, cường điệu, mỉa mai, ẩn ý trong tác phẩm. Điều này đòi hỏi người dịch phải mở rộng phạm vi tiếp cận ngôn ngữ của mình để nâng cao khả năng sáng tạo và chủ động chuyển đổi một cách chính xác nội dung tác phẩm gốc.

Cách duy nhất để phát triển sự hiểu biết này là học tập và rèn luyện kỹ năng đọc mỗi ngày để nhận thức được sự khác biệt về văn hóa một cách tự nhiên, chủ động.

2.2. Khả năng viết tốt ở cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích

Sau đọc và hiểu rõ văn bản nguồn, viết và diễn đạt một cách trôi chảy, chính xác là tiêu chuẩn cần thiết tiếp theo ở một dịch giả giỏi. Suy cho cùng, biên dịch chính là một ngách trong thế giới viết lách. Để trở thành một biên dịch viên thực thụ, trước tiên, bạn phải là một người viết thực thụ. Đặc biệt, bạn phải nắm vững các kiến thức về từ ngữ, câu văn, chính tả, ngữ pháp của ngôn ngữ mà bạn muốn truyền tải (ở đây là tiếng Việt). Người đọc cần một người dịch chuyển những nội dung khó hiểu từ tác phẩm gốc sang những nội dung gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với văn hóa của họ. 

Vậy nên, bạn cần trang bị cho mình kỹ năng viết một cách chuyên nghiệp, ở cả hai loại ngôn ngữ càng tốt. Việc làm quen với các phong cách viết khác nhau, vận dụng các kỹ thuật cũng như nguyên tắc chỉnh sửa và chấm câu ở cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích sẽ giúp bạn tự tin trở thành một freelancer dịch thuật đắt giá. 

2.3. Khả năng nghiên cứu và sử dụng tốt các loại từ điển song ngữ

Nhận thức về các nguồn cung cấp thông tin khác nhau và học cách sử dụng chúng cũng là một phẩm chất quan trọng của một biên dịch viên. Các nguồn thông tin này bao gồm: từ điển song ngữ và đơn ngữ khác nhau, bách khoa toàn thư và Internet. 

Từ điển là công trình nghiên cứu dày công và đáng tin cậy của các nhà ngôn ngữ học. Áp dụng giá trị mà các quyển từ điển mang lại là một kỹ năng then chốt để sử dụng ngôn ngữ một cách điêu luyện. Không phải freelancer nào cũng biết cách sử dụng từ điển hợp lý và hiệu quả. Nghĩa của một từ có thể thay đổi khi dùng trong các ngữ cảnh khác nhau. Do đó, để dịch đúng, bạn cần phải hiểu chính xác nghĩa của một từ trong một tình huống cụ thể.

Ví dụ sau đây sẽ chỉ rõ sự khác nhau của cùng một từ nhưng được dùng ở hai ngữ cảnh khác nhau.

Trong tiếng Anh, từ “chance” là một danh từ mang nghĩa “cơ hội”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, từ “chance” lại là tính từ mang với ý “tình cờ”. Chẳng hạn như:

A: There is no chance that he will change his mind. – Không có một cơ hội nào cho thấy anh ta sẽ thay đổi tư duy của mình. 

B. I clearly remember talking to him in a chance meeting last summer. – Tôi nhớ rõ rằng đã trò chuyện với anh ấy trong một cuộc gặp tình cờ vào mùa hè năm ngoái.

Bên cạnh từ điển giấy, Google và các ứng dụng công nghệ số là những công cụ hữu ích giúp bạn tăng tốc quá trình học hỏi các từ mới và tối đa hóa khả năng khai thác thông tin, nghiên cứu kiến thức liên quan đến sản phẩm dịch thuật mà bạn đang làm.

2.4. Khả năng lắng nghe tốt

Một dịch giả tự do chuyên nghiệp không giới hạn khả năng của mình trong việc tự thân tìm tòi kiến thức, chuyển đổi ngôn ngữ bằng chữ viết. Họ còn biết cách giao tiếp và lắng nghe từ những đồng nghiệp khác trong cộng đồng của mình. Bằng cách chăm chú lắng nghe, bạn sẽ hiểu rõ hơn phạm vi công việc, biết cách đặt câu hỏi phù hợp, mở rộng kiến thức và tăng sự nhạy bén với giọng điệu của ngôn ngữ mà mình làm việc.

Khi đã “nhạy tai” với các loại ngôn ngữ, bạn sẽ luôn đủ tỉnh táo để chọn ra cách diễn đạt hiệu quả nhất. Bạn sẽ quen dần với các loại thành ngữ, từ địa phương và cách sử dụng chúng, não bạn sẽ tự động lưu trữ những thông tin này khi bạn tiếp xúc thường xuyên và lấy ra dùng vào những trường hợp sau. Từ việc tiếp nhận bằng thính giác, bạn đang chuyển những kiến thức ngôn ngữ trở thành một phần của trực giác, bằng cách thực hành thường xuyên và cải thiện năng lực liên tục. Trực giác ngôn ngữ là yếu tố bắt buộc đối với một dịch giả có năng lực.

2.5. Đặt những câu hỏi đúng

Trong dịch thuật, tính chính xác là rất quan trọng. Bạn sẽ không thể trở thành một dịch giả chân chính nếu cung cấp những thông tin sai lệch, những sản phẩm không hợp về mặt nội dung so với tác phẩm gốc. 

Vì vậy, nếu có điều gì chưa hiểu, hãy mạnh dạn hỏi và hỏi. Bạn nhất định phải biết cách đặt câu hỏi phù hợp để giải tỏa sự nghi ngờ hiện có của mình. Tôn trọng nội dung của tác phẩm nguồn, chính là tôn trọng tác giả và độc giả của bạn. Đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự chuyên nghiệp, cũng như thương hiệu chất lượng của một người làm việc tự do. 

  1. Xây dựng sự nghiệp dịch thuật tự do như thế nào?

Bước đi đầu tiên luôn là quan trọng, dù cho không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi đi những bước đầu tiên một cách đúng đắn, bạn sẽ dễ dàng hơn trên đoạn đường về sau. 

Việc bạn cần làm trước tiên là hãy vẽ ra một bản kế hoạch rõ ràng. Trong đó bao gồm một mục tiêu có thể đo lường được, mang tính khả thi cao, một thời hạn để hoàn thành (tham khảo cách thức đặt mục tiêu SMART) và một lộ trình cụ thể. Bản kế hoạch chi tiết sẽ là ngọn hải đăng dẫn lối con thuyền bạn vượt biển lớn.

Khái quát hành trình của một freelancer dịch thuật sẽ trải qua 4 giai đoạn chính (kèm thời gian ước lượng) sau:

3.1. Giai đoạn chuẩn bị  (3 – 6 tháng)

Cần chuẩn bị những hành lý gì bên trong chiếc ba lô dịch thuật? Bạn có thể trang bị bất cứ điều gì mình muốn, nhưng đừng quên ba chiếc túi cực kỳ quan trọng: tinh thần, kiến thức và kỹ năng. Việc chuẩn bị càng chu đáo, bạn càng dễ gặt hái thành công trong sự nghiệp dịch thuật tự do. Vì thế, khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng là cần thiết để trang bị kỹ càng chiếc ba lô của bạn. 

  • Chuẩn bị tinh thần. Nhất định phải hiểu rõ bản thân mình, hiểu thấu đáo về nghề dịch thuật và tìm điểm giao thoa giữa mình và công việc. 

Mỗi người là một bản sắc khác nhau của vũ trụ. Bạn phải nhận định được tính cách, khả năng, sở thích và ước muốn của bản thân để định hình nên tương lai của chính mình. Đối với việc trở thành một freelancer dịch thuật, phải đơn độc làm việc trong một khoảng thời gian dài, phải chịu nhiều áp lực từ khách hàng và công việc, việc hiểu chính mình sẽ giúp bạn giữ được ngọn lửa nhiệt thành và theo đuổi đến cùng con đường bạn đã chọn.

Để kiểm tra sự phù hợp giữa bạn và nghề dịch thuật tự do, hãy hỏi mình những câu hỏi sau:

  • Bạn có thích học ngoại ngữ không?
  • Bạn có tính nhẫn nại trong việc giảng giải, hướng dẫn, giải thích cho người khác không?
  • Độ chịu khó của bạn đến đâu khi phải tra cứu, nghiên cứu hàng giờ liền?
  • Bạn có hứng thú với những cách diễn giải đặc biệt của ngôn ngữ không? Ví dụ như các phép ẩn dụ, hoán thụ, thơ…
  • Bạn có thích đọc không? Khả năng đọc hiểu của bạn đến đâu?

Đây là bộ câu hỏi được gợi ý từ một freelancer dịch thuật với hơn 3 năm hành nghề dịch thuật tự do. Nó giúp bạn xác định được những trăn trở về nghề ở những ngày đầu tiên. Bạn hoàn toàn có thể dựa vào những câu hỏi này và đặt thêm những câu hỏi xoáy sâu vào nội tâm, hoàn cảnh của chính mình. Hãy viết câu trả lời ra giấy, càng cụ thể càng tốt. Khám phá bản thân càng kỹ càng bao nhiêu, cơ hội thành công của bạn càng lớn bấy nhiêu. Bởi bạn hiểu rõ mình đang làm gì và mình đang chinh chiến ở môi trường nào. 

Người xưa hay nói “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” là vì vậy. 

  • Chuẩn bị kiến thức cả về ngoại ngữ, chuyên ngành lẫn những kiến thức tổng hợp về các nền văn hóa và lối sống của các quốc gia trên thế giới.

Nói đến kiến thức ngoại ngữ, hiển nhiên, bạn không thể nghĩ đến việc trở thành một biên dịch viên nếu không tự tin về khả năng sử dụng ngoại ngữ của mình. Một dịch giả chuyên nghiệp sẽ đặt những tiêu chuẩn học tập ngoại ngữ cao hơn so với những người chỉ học vì sở thích. 

Có hai cách để trở thành một biên dịch viên chuyên nghiệp và được nhiều khách hàng săn đón. Một là bạn lớn lên hoặc tắm mình trong môi trường sử dụng ngôn ngữ đích. Hai là bạn phải ngày đêm rèn luyện nếu bạn không có điều kiện sống ở xa quê hương. Không có một con đường tắt nào cả. Việc học và thuần thục một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng nếu kiên trì và quyết tâm, bạn chắc chắn sẽ chinh phục được nó. 

Ngày nay, có rất nhiều công cụ số hoặc phần mềm miễn phí có thể giúp bạn tự bắt đầu học một ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đi chuyên sâu và học ngoại ngữ một cách bài bản để dịch thuật, lời khuyên dành cho bạn là hãy đầu tư vào những khóa học chất lượng hoặc những người hướng dẫn có kinh nghiệm, chuyên môn cao. Ngoài việc tra cứu trên internet, bạn có thể tận dụng các mối quan hệ của mình để kết nối với một giáo viên có tâm, có tầm, hướng dẫn bạn một cách tận tình. Quan trọng hơn hết, bạn phải thực hành biên dịch mỗi ngày. Hãy bắt đầu với một đoạn văn nhỏ, một bài hát bạn yêu thích, hay một câu nói bạn ấn tượng. Mọi thứ đều có kết quả khi bạn vượt qua được con số 0 ở những bước đi đầu tiên. 

Bên cạnh ngoại ngữ, các kiến thức về nền văn hóa là cực kỳ quan trọng trong dịch thuật. Ngôn ngữ không chỉ gói gọn trong những khía cạnh từ vựng và ngữ pháp, nó là hiện thân của chủ thể giao tiếp. Bạn hoàn toàn có thể kết hợp việc học ngoại ngữ và văn hóa lại với nhau, bằng cách đặt mình vào một bối cảnh cụ thể. Chẳng hạn như đọc các bài văn, thơ, hay tạp chí, sách báo về lối sống, cách ứng xử, văn hóa của nước, xem phim, chương trình TV hoặc các video có nội dung gần gũi với đời sống thường ngày bằng ngôn ngữ mà bạn theo đuổi. .

Các kiến thức tổng hợp này mang một tầm quan trọng rất lớn đối với một dịch giả. Nó không những giúp bạn hiểu được cách lựa chọn ngôn ngữ trong từng loại văn bản khác nhau, mà còn phản ánh các mối quan hệ giữa tác giả và độc giả, giữa người gửi và người nhận (trong các trường hợp biên dịch thư từ, tài liệu…). Ví dụ như, bạn không thể dùng giọng điệu bình đẳng giữa những người bạn bè để biên dịch một lá thư từ tòa án gửi đến một bị can. Bạn cũng không thể dùng văn phong ủy mị để biên dịch một bài luận để nộp học bổng du học. 

  • Chuẩn bị những kỹ năng khác như viết, biên tập, giao tiếp, nghiên cứu, tiếp thị, …

Đây là những kỹ năng giúp bạn hình thành đôi cánh để tung cao trong giới dịch thuật. Bạn phải viết đúng, viết hay, thì mới có thể chuyển ngữ tốt. Bạn phải chuyển ngữ tốt thì mới có thể chinh phục được độc giả của mình. Bạn cần giao tiếp ổn để nắm bắt nhiều cơ hội mở rộng kiến thức, kỹ năng, cơ hội nghề nghiệp. Bạn cần nghiên cứu tốt để đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình là tuyệt đối. Và bạn cần biết cách tiếp thị bản thân một cách tinh tế để tạo nên một vị trí vững vàng trong nghề. 

Đừng ngại ngần đầu tư cho bản thân những khóa học chất lượng, những trải nghiệm đáng giá để có được những kỹ năng trên. 

3.2. Giai đoạn gia nhập và dấn thân (6 – 12 tháng)

Sau khi đã tạm yên tâm về sự chuẩn bị chu đáo của mình, bạn hãy mạnh dạn bước tiếp vào con đường trở thành một freelancer dịch thuật chuyên nghiệp. Ở giai đoạn này, bạn được xem như là một “tấm chiếu mới”, và việc mắc sai lầm là khó tránh khỏi. Đừng nản, đừng sợ, đừng chùn bước. Biến những lỗi sai thành một bài học, đóng gói vào chiếc ba lô hành lý của mình, và tiếp tục bước. 

Đầu tiên là phải nói cho mọi người biết, bạn đã sẵn sàng để trở thành một người dịch thuật tự do chuyên nghiệp. Hãy mạnh dạn tham gia vào các hội nhóm dành cho dịch giả, tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp có được từ các cộng đồng này. Tất nhiên, không phải job nào cũng được kiểm chứng và hấp dẫn, nhưng thà rằng bạn thử sức rồi nhận biết được khách hàng độc hại, còn hơn là bạn không chủ động làm gì. 

Bạn cũng nên xây dựng một trang cá nhân trên các nền tảng xã hội, có liên quan tới dịch thuật. Chỉnh sửa lại thông tin tóm tắt của mình trên Facebook, LinkedIn, hay blog cá nhân. Khi đã cho giới thiệu mình là một freelancer dịch thuật với mọi người, hãy chứng minh cho họ thấy được khả năng của bạn. Hãy đăng công khai các bài tập mà bạn thực hành biên dịch trên các trang tiếp thị của mình. Sự chỉn chu trong phong cách dịch và thái độ nghiêm túc với công việc (dù là người mới) sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt các khách hàng tiềm năng. 

Bên cạnh việc quảng bá cho các sản phẩm của mình, bạn cũng cần xuất hiện trong cộng đồng dịch thuật bằng cách bình luận, góp ý những bài viết khác. Chủ động kết nối với các dịch giả đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm và có những thành quả nhất định cũng là một phương thức giúp bạn mở rộng vòng tròn kết nối của mình. 

Tuyệt vời hơn nữa nếu bạn có thể thiết lập cho mình một nhóm nhỏ những người cùng chung chí hướng, cùng nhau rèn luyện tay nghề, và cùng làm chung một vài dự án. Việc làm nhóm khi mới bắt đầu vào nghề mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Bạn không những học hỏi được kinh nghiệm và kiến thức của đồng đội, mà còn tăng uy tín cho riêng mình hơn qua các sản phẩm làm được cùng nhóm của mình. Hãy nhớ rằng, trong dịch thuật, việc trao đổi, thảo luận giữa các ý kiến khác nhau sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Một văn bản được dịch thông qua sự chiêm nghiệm từ nhiều người sẽ có giá trị hơn chỉ từ kinh nghiệm của một người. 

Thật tốt nếu bạn sớm nhận được những hợp đồng có mức thù lao hấp dẫn, nhưng cũng không sao khi bạn chưa có được “job ngon” trong giai đoạn này. Đừng ngại những việc không lương, và cũng đừng từ chối những công việc có trả lương cao. Hãy tìm cơ hội dịch thuật miễn phí cho các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức thiện nguyện hay phục vụ cộng đồng, xã hội. Bạn sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu và các mối quan hệ chất lượng khi làm việc với các tổ chức này. Họ có thể sẽ là những khách hàng tiềm năng trong tương lai của bạn.

Song, cũng đừng e dè trước những “ca khó” nhưng “hấp dẫn”. Việc va chạm với những khách hàng khó tính, bài dịch yêu cầu chuyên môn cao, hay công việc có thời hạn gấp rút. Chính những lúc làm việc dưới áp lực là lúc bạn phá vỡ “chiếc kén giới hạn” của mình mà trưởng thành. Chính những đêm miệt mài tra cứu và chuyển ngữ là lúc tinh thần thép của một người dịch thuật tự do được mãi giũa bên trong bạn. 

Đây là giai đoạn bạn dấn thân một cách miệt mài và đạp qua những rào cản về thất bại mà bước đi. Cũng là giai đoạn mà nhiều freelancer dịch thuật từ bỏ nhất. Bởi sự bấp bênh sẽ thể hiện rõ trong thời điểm bắt đầu này. Chính bạn sẽ là người chiêm nghiệm, đúc kết và rút ra cho mình các bài học đằng sau những sai lầm. Bạn có thể đi trở nên chuyên nghiệp nhanh hơn, trước 6 tháng, hoặc cũng có thể lâu hơn, sau 1 năm. Tuy nhiên, chỉ cần bạn vững tin và không dừng lại, sẽ có ngày bạn nhận được những quả ngọt cho sự cố gắng của mình. 

3.3. Giai đoạn chọn lọc (6 – 12 tháng)

Sau khi đã trải qua giai đoạn dấn thân vào nghề, bạn sẽ tiến thêm một bước, đến gần hơn với thành công – nhận việc có chọn lọc. Ở giai đoạn này, bạn có quyền chọn cho mình một ngách dịch thuật mà bạn tự tin nhất, chọn cho mình khách hàng phù hợp nhất và chọn loại dịch thuật có thu nhập xứng đáng nhất với công sức mà bạn bỏ ra.

  • Chọn lĩnh vực ngách mà bạn theo đuổi 

Cũng giống như viết lách, ngành biên dịch tự do cũng có rất nhiều lĩnh vực với nhu cầu cao và thù lao khá tốt dành cho bạn, có thể kể đến như: y tế, pháp lý, kinh tế, di trú, ngoại giao, học thuật,…

Để xác định được một ngách phù hợp với mình, bạn cần đặt cho bản thân nhiều câu hỏi: Bạn quan tâm đến lĩnh vực nào nhất? Chủ đề nào thu hút sự chú ý của bạn nhiều nhất? Bạn có chuyên môn ở ngành nào nhất? Vấn đề nào đang là nổi trội trên thị trường?…

Trong một bài tập dành cho các freelancer mới vào nghề, chị Linh Phan – một cây viết kỳ cựu và là tác giả của nhiều đầu sách – đã hướng dẫn cách để xác định một thị trường ngách phù hợp với những người làm việc tự do như sau:

“Xác định ngách và sau đó là sản phẩm dịch vụ, nó sẽ quyết định toàn bộ những yếu tố và hành động khác trong business của bạn.

Tất nhiên cũng đừng chọn ngách hẹp quá. Kiểu như chọn làm freelance translator và chọn chỉ dịch sách về lịch sử thế giới. Như vậy là tự làm khó mình mất rồi, vì chọn gì thì chọn, thứ bạn chọn cũng phải đủ để nuôi được bạn.

Có một cách khá đơn giản để tìm kiếm đâu là kỹ năng mà thị trường đang cần và bạn có thể kiếm tiền được từ nó:

  • Vào các website freelance nổi tiếng như là upwwork, freelancer.com, trang của VN thì có vlance, freelancer việt (nhưng tool tìm kiếm rất lởm hoặc là không cập nhật) hoặc nhóm tuyển dụng freelance trong lĩnh vực của bạn
  • Thử tìm kiếm công việc freelance theo từ khoá liên quan tới kỹ năng của bạn (viết, dạy học, thiết kế, dịch thuật…)

Bạn cũng có thể sử dụng Google và đối chiếu các kết quả với nhau, xem ngách nào đang được tìm kiếm nhiều hơn, và ngách nào ít hơn.

Tất nhiên là ngách ít hơn thì bạn vẫn có thể chọn, chỉ là nỗ lực tiếp cận khách hàng sẽ phải nhiều hơn mà thôi.”

Những hướng dẫn trên của chị Linh cũng phù hợp với cách một freelance translator xác định ngách riêng cho mình. Khi đã biết mình cần theo đuổi điều gì, hãy nói cho mọi người cùng biết. Thay vì vẫn giữ thông tin của mình là một “biên dịch viên tự do”, hãy đổi nói thành “Biên dịch viên tự do ở lĩnh vực abc”. Sự rõ ràng sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận diện và tìm đến bạn nhanh hơn. 

  • Tiếp thị bản thân/Xây dựng thương hiệu của một freelancer dịch thuật chuyên nghiệp. 

Để trở thành một freelancer thành công, việc xây dựng thương hiệu cá nhân là rất cần thiết. Đối với freelancer dịch thuật, thương hiệu của bạn cần phải gắn liền với một loạt các sản phẩm chất lượng mà bạn đã làm được. Bởi yêu cầu của một biên dịch viên sẽ cao hơn nhiều so với một người viết bình thường. 

Có nhiều cách để xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn. Nhưng dù cho bạn sử dụng cách nào, mẫu số chung cần có của những thương hiệu đình đám sẽ là: sự chuyên nghiệp + năng suất + chất lượng + tận tâm + trách nhiệm + độc đáo. Đó là những gì bạn cần thể hiện cho các khách hàng tiềm năng của mình thấy và thu hút họ ký hợp đồng làm việc với mình. Hãy trang bị cho mình một phong thái đĩnh đạc khi làm việc bằng các rèn luyện thật nhiều những phẩm chất trên. 

Bên cạnh đó, những bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến ngôn ngữ và kiến thức của bạn cũng là một phần tạo nên hào quang của một thương hiệu freelance dịch thuật uy tín. Hãy bổ sung tất cả những chứng nhận bạn có được trong porfolio hoặc CV của bạn và gửi nó đến cho các khách hàng tiềm năng. Bản CV này có thể không nói hết được phong cách làm việc của bạn, nhưng nó sẽ là nhân tố gây ấn tượng đầu tiên về bạn dành cho khách hàng. 

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh làm việc trực tuyến nhiều hơn trực tiếp hiện tại, việc sở hữu một porfolio hay CV chất lượng sẽ giúp thương hiệu mà bạn đang xây dựng nổi bật hơn, hấp dẫn hơn trong vô số những hồ sơ ứng tuyển khác. Đừng nói quá về những thành tựu bạn chưa có, đừng dùng những câu từ sáo rỗng và kể những câu chuyện thiếu trung thực. Niềm tin của khách hàng chính là giá trị sâu bên trong một công việc mà bạn cần phải xây dựng và giữ gìn. 

3.4. Giai đoạn chuyên nghiệp (từ 2 năm trở lên)

Chúc mừng bạn đã đi qua được những giai đoạn khó khăn phía trước để đến được với cánh cửa chuyên nghiệp ở giai đoạn này. Ở đây, bạn có thể được xem là một freelancer dịch thuật khá thành công và có uy tín trong giới biên dịch. Bạn sẽ làm gì để nâng tầm công việc và bản thân hơn nữa để gặt hái thêm nhiều thành công?

Freelancer dịch thuật chuyên nghiệp sẽ “say no” đúng lúc và không nhận những dự án nằm ngoài khả năng của mình. Ở giai đoạn này, bạn có thể chuyên tâm hoàn toàn vào thị trường mình theo đuổi, nâng cao chất lượng các bài dịch của mình, tăng giá dịch vụ cao Các dự án dịch thuật thường chỉ tập trung vào một lĩnh vực như kỹ thuật, máy tính, marketing,… Vì vậy, đòi hỏi người dịch cũng phải có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực ấy hơn thị trường một chút và mở một cộng đồng của riêng mình. 

Hơn thế nữa, bạn có thể tận dụng kỹ năng viết, hướng dẫn và nghiên cứu để đóng gói các sản phẩm dịch vụ của mình và bán cho những người cần thiết. Ví dụ như, bạn có thể tổng hợp kinh nghiệm và kiến thức đã gặt hái được trên hành trình theo đuổi sự nghiệp dịch thuật tự do, sau đó đóng gói thành một khóa học và bán cho những thế hệ biên dịch viên trẻ hơn, những người cũng đang ấp ủ mong ước trở thành một dịch giả chuyên nghiệp. 

Bạn cũng có thể phát triển thành một dịch giả sách, có đủ uy tín để kết nối với tác giả và các nhà xuất bản lớn để cho ra đời quyển sách chuyển ngữ của mình. Có trong tay những quyển sách mà mình là dịch giả, thương hiệu của bạn sẽ lại càng được mở rộng, uy tín của bạn ngày càng được nâng cao và freelance business của bạn sẽ ngày càng phát triển. 

Khi bạn đạt được chữ tầm, chữ tâm, chữ tín trong công việc, khách hàng sẽ tự động tìm đến bạn, ngày một nhiều. Cơ hội việc làm ngày một rộng mở. Và bạn sẽ trở thành một freelance translator thành công. Đồng nghĩa với việc bạn đang hành nghề với tư cách là một chuyên gia. 

Hy vọng với những hướng dẫn chi tiết về lộ trình phát triển của một freelancer dịch thuật trên đây sẽ giúp bạn giải tỏa những trăn trở còn tồn đọng và củng cố thêm niềm tin giúp bạn vững bước trên hành trình này. Dù làm gì đi nữa, hãy nhớ sự kiên trì và kỷ luật chính là những nhân tố quyết định thành bại của bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm