Nhắc đến hành trình nuôi dạy con, vấn đề khiến mẹ lo lắng và nhớ nhất là “ăn dặm”. Suốt 5 tháng đầu sau sinh, mẹ tất bật với hàng ngàn việc không tên khi bắt đầu làm mẹ. Nếu kể ra những công việc mà mẹ làm thì người khác sẽ nói là: ai làm mẹ cũng trải qua cả thôi mà, nhưng với mẹ, việc làm quen với một sinh linh bé nhỏ nằm kế bên mỗi ngày, chỉ biết giao tiếp bằng tiếng khóc và trọ trẹ vài âm thanh “à, ừ, ha, hử” thì thật sự là một hành trình dài. Khi dần quen với giờ ăn, ngủ của con thì mẹ bước vào hành trình mới: con tập ăn dặm. Thú thực là mẹ đã tranh thủ đọc một vài phương pháp ăn dặm được đề cập trên sách báo, internet nhưng đến khi nhìn sang bé con của mình, mẹ không biết phải bắt đầu áp dụng phương pháp nào cho phù hợp.
Bức tranh về phương pháp ăn dặm
Ngày đầu tiên, mẹ nghe lời bà ngoại: ăn dặm giai đoạn này chỉ để trẻ tập làm quen với thức ăn và tập kỹ năng ăn cho con thôi nên không quá lo lắng, cho trẻ ăn từ ngọt đến mặn, từ loãng đến đặc. Thế là mẹ mua một gói bột ăn dặm ngọt được bày bán trong siêu thị, pha đúng hướng dẫn sử dụng. Mẹ cho con ngồi dựa vào gối chữ C hình con voi, đút cho con những muỗng đầu tiên. Trộm vía, con hào hứng lắm, một lúc đã ăn hết ½ bát nhỏ. Mẹ vui ơi là vui. Hai tuần trôi qua, mỗi ngày 1 bữa bột ăn dặm, con ngán, không thèm ăn nữa, dù mẹ đã đổi sang hương vị khác và pha bột đặc hơn một chút.
Đang băn khoăn tìm cách giúp con ăn thì một buổi tối, ba mang về cho mẹ một chồng sách khá dày: 4 cuốn về phương pháp dạy con của mẹ ở các nước Mỹ, Nhật, Đức, Do Thái, “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, “Ăn dặm kiểu Nhật”. Mẹ chọn đọc cuốn sách bìa màu hồng có nhiều hình ảnh để mày mò về phương pháp ăn dặm này. Mẹ say mê với những hướng dẫn trong đó: con có thể bắt đầu ăn dặm từ khoảng 5 – 6 tháng, khi hội đủ các yếu tố về: giữ thăng bằng cổ, ngồi vững có điểm dựa, thể hiện nhu cầu muốn ăn. Đồ ăn sẽ được làm nhỏ theo từng cấp độ, phù hợp với từng giai đoạn ăn của con như: nuốt chửng, nhai trệu trạo, nhai tóp tép, nhai thành thạo. Mẹ lần mò theo hướng dẫn của tiến sĩ dinh dưỡng người Nhật và chuẩn bị dụng cụ, thực phẩm theo từng giai đoạn cho con. Và mẹ đã làm theo, mẹ nghiền nhỏ cháo bằng rây, thực sự mẹ không thích xay vì mẹ nghĩ xay nhuyễn quá, cháo dễ bị chua, nghiền cháo bằng rây mẹ sẽ canh được độ nhỏ của thức ăn cho phù hợp. Mẹ thử làm thêm những món khác như bí ngô nấu sữa, súp rau, lê hấp. Ban đầu, khi chuyển từ bột ăn dặm sang đồ ăn nghiền kiểu Nhật, con có vẻ hào hứng, nhưng sau đó con cũng xị mặt không ăn nữa. Mẹ nhớ có lần mẹ làm bánh mì chuối nướng trong lò vi sóng thơm lừng, con chê không ăn, ba con đã lén ăn hết và nức nở khen ngon rồi đề nghị cho ba ăn chung thực đơn ăn dặm của con.
Mẹ hơi buồn khi thức ăn được chế biến đầy đủ, mẹ đầu tư ghế ăn dặm, một bộ chén dĩa bắt mắt cho con mà con chẳng ăn. Nhưng mẹ không lo con bị đói vì mẹ biết con vẫn lấy dinh dưỡng chủ yếu từ sữa mẹ. Tuy nhiên, người lớn nhìn vào thấy con ăn ít hoặc không ăn thì lo lắng và yêu cầu mẹ đổi phương pháp ăn dặm, chuyển sang ăn cháo xay truyền thống. Mẹ cũng thử, mẹ nấu cháo gà, nghiền nhuyễn cho con ăn. Cháo gà béo ngậy thơm ngon quá, con không thể cưỡng lại được, con húp hết một chén. Những tưởng con thích cháo truyền thống nhưng không ngờ con chỉ thích cháo gà thôi, còn cháo cá, cháo thịt, cháo yến mạch con đều từ chối.
Sau đó, khi con đã 7 tháng, mẹ quyết định đổi sang luộc, hấp cá, rau củ, nắm cơm bày lên bàn ăn cho con thưởng thức. Ngạc nhiên chưa? Con bốc đồ ăn bỏ vô miệng nhai nhóp nhép, cố gắng vét hết những hạt cơm còn vương lên tay. Đến 9 tháng, con ăn ngày 2-3 bữa, mẹ sắp xếp bữa sáng ăn cháo, trưa ăn đồ ăn kiểu Nhật, chiều tối ăn dặm tự chỉ huy. Con ăn được gì thì ăn, nhiều hay ít tùy con quyết định, mẹ không buồn ép. Có những ngày ẩm ương, con không ăn mà bốc đồ ăn ném ra ngoài, mẹ đành cắt túi đựng rác ra, trải dưới ghế ăn dặm, cho con quăng đồ ăn thoải mái, một lát chỉ cần dọn túi nilon đó thôi.
Gặm thử cho vui thôi chứ ăn hết trái bắp mấy hồi
Đến 12 tháng thì con đã có thể cầm muỗng để xúc thức ăn một cách thuần thục, và ghét cháo vô cùng, chỉ ăn cơm dẻo và các loại thực phẩm dạng sợi như mì, bún, nui. Thời gian sau đó thì con đi học, phải ăn theo thực đơn ở trường như cháo, cơm nát, mẹ cũng nói trước với các cô là con hơi kén ăn một xíu, thích đồ ăn khô, cơm riêng, canh riêng, không thích chan canh vào cơm, thích ăn bốc nên cô cố gắng rèn con từ từ để con thích nghi với môi trường lớp học. Sau giờ học, con về nhà ăn cơm dẻo bình thường, thức ăn của ba mẹ nấu nhạt hơn một chút để con có thể ăn cùng nếu con thích.
Đúc kết của mẹ là phương pháp nào cũng dùng được nhưng mẹ chọn những điều phù hợp với con và hoàn cảnh, điều kiện của mẹ. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm của nó, quan trọng là mẹ và con cùng hợp tác thôi.