1. Nỗi lo của mẹ và gia đình

Đôi khi, vào những tuần mưa bão (wonder week) hay những ngày biếng ăn sinh lý, con không muốn ăn hay vung vẩy đồ ăn, khiến cho mẹ sợ con không đủ no, ăn không đủ chất. Nhưng mẹ yên tâm, vì nguồn dinh dưỡng chính con nhận là sữa (sữa mẹ, sữa công thức), tập ăn dặm chỉ là tập ăn, nhằm mang đến cho con kỹ năng và kiến thức mới về bàn ăn, thói quen ăn uống, nhận biết thực phẩm, cảm nhận độ cứng mềm, màu sắc, hương vị của thức ăn.

Một số mẹ vì sợ con không đủ chất, không đủ no đã tìm mọi cách cho con ăn thêm một chút, thậm chí dùng cách bế con đi ăn rong, ẵm con trên tay để người này, người kia đút, cho con xem điện thoại khi ăn. Mẹ không ủng hộ những cách này vì mẹ không đủ sức để vừa bế con ra ngoài đường vừa lo đút cho con, mẹ cũng không muốn con làm quen với điện thoại quá sớm. Mẹ nghiêm khắc với con: mẹ cho con khung giờ ăn cụ thể và lặp lại hằng ngày. Nếu con phản đối bữa ăn, mẹ sẽ dẹp và chờ đến cữ tiếp theo. Mẹ nhớ lúc con 11 tháng, trưa hôm đó, con hất đổ cả dĩa thức ăn mẹ vừa dọn lên, mẹ hỏi con có ăn nữa không, con xua hai tay tỏ ý không ăn. Mẹ lặng lẽ dọn dẹp, sau đó cũng không cho con ăn thêm bất cứ đồ ăn gì khác, không uống sữa luôn. Đến gần giờ cơm chiều của con, con đói quá, bám lấy chân mẹ năn nỉ, mếu máo, mẹ nói con chờ đến giờ cơm đã, trưa con không ăn, giờ đói là đúng rồi, nhưng làm gì cũng đúng giờ. Lát sau, khi mẹ dọn thức ăn lên bàn ăn, con ngoan ngoãn ngồi vào ghế, ăn uống ngon lành. Từ đó về sau con không hất đổ thức ăn như trước nữa. Nếu không muốn ăn, con chỉ xua tay vài cái thôi và con cũng hiểu, nếu không ăn thì sẽ phải chờ đến cữ tiếp theo.

Mẹ không ép con ăn nhiều quá vì dạ dày con tương ứng với nắm tay của con thôi. Con biết ăn thế nào là đủ mà, mẹ tin con! Hơn nữa, mẹ cũng không bao giờ so sánh một đứa trẻ ăn cả chén cháo xay với một đứa bé ăn vài miếng thức ăn thô như con. Điều đó rất khập khiễng.

Khi con được 9 tháng, trong lúc con đang bốc vài món thức ăn con thích và nắm lấy một nắm cơm, có một bác hàng xóm sang chơi. Nhìn thấy hình ảnh con nhai cơm tóp tép, bác ấy la lên: Sao lại cho ăn cơm sớm thế? Sau này đau dạ dày đấy!

Mẹ chỉ cười: Không sao đâu bác, trẻ muốn ăn gì thì mình cho ăn thôi, chứ giờ có nấu cháo thì bé cũng không ăn đâu ạ!

Bác hàng xóm buông một câu khiến mẹ nghe mà cay đắng: “Do mẹ nấu cháo dở quá con không ăn thì có, chứ nhà bên đây, đứa đầu 4 tuổi mới ăn cơm, còn đứa sau năm nay 2 tuổi vẫn ăn cháo đấy thôi!”

Bà ngoại vỗ vai mẹ, ngầm tỏ ý đừng làm lớn chuyện, kệ họ, mình hiểu con mình là được. Sau khi bác hàng xóm về, bà ngoại nói với mẹ: “Người mẹ nào cũng cảm nhận cái gì tốt cho con thì làm. Nhà bên ấy cho ăn kỹ quá, hai tuổi còn ăn cháo, sáng nào cũng nghe tiếng bằm thịt, bằm rau, bác ấy cũng cực lắm. Đứa lớn mới tập ăn cơm gần đây thôi, hình như nó không biết nhai, mẹ đưa cho cái bánh thì cầm lấy rồi nuốt chửng, mắc nghẹn, hôm trước, nó ăn cơm với cá thì bị mắc xương.”

Một số người cho rằng, trẻ dưới một tuổi, chưa có đủ răng thì làm sao ăn được các thực phẩm dạng thô. Mẹ nghĩ khác, con chưa có răng nhưng lợi của con rất cứng, bằng chứng là những khi con nghiến ti mẹ làm mẹ đau thấu trời xanh. Vì thế, mẹ tin tưởng con có thể dùng lợi để nhai, nghiền, gặm thức ăn tốt, chẳng đáng ngại đâu. Hơn nữa, bà ngoại ủng hộ mẹ trong cách tập ăn dặm cho con, bà nói: trẻ con còn nhỏ phải được rèn luyện kỹ năng sinh tồn, luyện việc nhai, nuốt thường xuyên thì cơ hàm mới khỏe, nếu không luyện tập thì cơ hàm yếu, ảnh hưởng đến việc ăn uống của con trẻ sau này.

  1. Một số lưu ý

Mẹ phải tự tin theo đuổi phương pháp đã chọn và kết hợp, điều chỉnh theo nhu cầu và khả năng của con. Đừng vì một áp lực nào đó mà biến bữa ăn dặm của con thành bữa ăn đầy nước mắt, điều này ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng của mẹ và tâm lý của con.

Con trẻ sẽ thấy áp lực khi ngồi vào bàn ăn, niềm hăng say khám phá thế giới của con sẽ bị nhấn chìm trong nước mắt hoặc con sẽ vùng vằng hất tung cả bàn ăn chỉ để phản đối mẹ. Ngược lại, mẹ cũng bực bội, cau có và buồn tủi dẫn đến có những hành động không đúng đối với con.

Nuôi con trong những năm tháng đầu đời là một giai đoạn khá vất vả cho cả hai mẹ con khi phải vừa làm quen với nhau, vừa tìm cách giao tiếp với nhau trong khi con trẻ chưa sử dụng được ngôn ngữ nói, đôi khi còn phải đối diện với một số áp lực khác như cơm, áo, gạo, tiền, công việc, gia đình.

Vì vậy, đến giờ ăn dặm, hai mẹ con hãy cùng ăn với nhau, dành cho nhau khoảng thời gian ấm áp, vui vẻ để những ngày ấu thơ của con thật ngọt ngào và tròn trịa.

Để việc ăn dặm có hiệu quả và hình thành thói quen tốt cho con, mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Chuẩn bị ghế ăn dặm, tùy thuộc không gian căn nhà và khả năng tài chính của gia đình để mua cho con một ghế ăn dặm phù hợp.
  • Nghiêm túc áp dụng đúng giờ ăn và khoảng thời gian cho phép của bữa ăn (thường là 20 – 30 phút). Ăn, ngủ, sinh hoạt có giờ giấc ổn định sẽ hình thành cho con thói quen tốt sau này, kể cả khi đi học, con cũng dễ dàng thích nghi hơn.
  • Trải bạt nilon dưới ghế ăn của con để dễ dàng dọn dẹp.
  • Thuyết phục gia đình chấp nhận đồng hành và hỗ trợ 2 mẹ con. Sự đồng tình của gia đình là động lực lớn để mẹ và con cùng cố gắng trải nghiệm giai đoạn tập ăn dặm này.
  • Tôn trọng sở thích của con, tin tưởng con.
  • Đừng nghĩ con trẻ còn nhỏ thì chỉ ăn đồ ăn xay nhuyễn, lợi của con khỏe lắm đấy, hãy cho con thử thức ăn đúng giai đoạn để con phát triển tốt cơ hàm, xương, răng và tập phản xạ nhai, nuốt thuần thục.

Cuối cùng, mẹ chỉ muốn nhắn với những người mẹ đang đọc bài viết này là: “Thành quả khi nhìn thấy con tự cầm muỗng, nĩa, đũa chọn lấy món mình thích và thưởng thức bữa ăn một cách ngon lành chính là câu trả lời cho những băn khoăn, thắc mắc của mẹ”. Hy vọng con sẽ có tâm hồn ăn uống phong phú giống như mẹ nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm