… vì thế, mẹ phải luôn giữ ý tôn trọng cá tính riêng biệt của các con.
Khi qua giai đọan ở cữ, mẹ con mình bước vào giai đoạn tái hòa nhập với xã hội bên ngoài. Mẹ hay cho các con ra ngoài, để nhìn ngắm mọi thứ xung quanh, để mơ hồ nhận biết cuộc sống bên ngoài chiếc bụng chật chội của mẹ là muôn màu muôn vẻ.
Dạo gần đây, mẹ hay được nghe người ta nói với mình rằng: “Sinh đôi vất vả lắm em ha, nhưng thôi kệ, ráng, vất vả một lần rồi thôi!”.
Hầu như mẹ nào sinh nhiều hơn 1 con một lần đều sẽ nghe câu nói đó. Nó đúng, nhưng dường như chưa đủ. Đúng là cực một lần, nhưng sẽ là rất cực nếu chỉ có một mình.
Trước khi dấn thân vào chặng đường chăm con một mình mà mẹ chọn, mẹ đã phải tưởng tượng ra nhiều cảnh, đặt cho mình nhiều câu hỏi: cho ăn sao đây? Tắm cho con như thế nào đây? Cho con ngủ sao đây khi con đã quen ẵm bồng hát ru? Hút sữa sao đây? … Nghĩ nhiều đâm ra nhức đầu, ảnh hưởng đến tâm trạng chăm sóc con, thế là mẹ bỏ qua, tin rằng cứ làm thôi rồi sẽ được.
Không ngờ là nó được thật con à! Mẹ cố gắng sắp xếp đưa các con vào một khuôn khổ nề nếp, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi. Khi bắt đầu ăn dặm, các con được cho vào ghế rồi ăn, vừa ăn vừa tíu tít trò chuyện với mẹ, đùa giỡn với nhau. Đến giờ ngủ, mỗi đứa sẽ nằm một bên, mẹ dùng hai cánh tay ôm trọn các con sát vào người, đu đưa và hát ru trên võng. Cai võng, mẹ lại dùng tay đưa hai chiếc ghế, đẩy xe đẩy cho các con ngủ, đến giờ thì các con chỉ cần bú xong 1 bình “thuốc phiện” là ngủ ngoan bên cạnh mẹ.
Khi con thức, mẹ dành toàn bộ thời gian chơi với các con. Khi con ngủ, mẹ tranh thủ làm việc nhà. Cứ thế ngày trôi qua ngày, mẹ con mình đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn và thử thách.
Những lúc con bệnh, mẹ phải cần đến sự hỗ trợ của ông bà nội ngoại. Đến khi bệnh quá dày đặc, mẹ dần quen luôn cách bệnh của các con. Thường thì Tony sẽ bệnh trước, và bệnh nặng hơn, vì sức đề kháng của ông anh 2kg yếu hơn ông em 2.2kg. Tony bệnh gì thì y như rằng, 5-7 ngày sau, Willy sẽ bệnh y chang vậy. Mỗi lần con bệnh, mẹ chỉ lấy thuốc cho một em, rồi cả hai anh em dùng chung, kiên tâm chăm sóc chờ ngày con hết bệnh.
Đấy, các con đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi và cùng bệnh như thế. Các con đã luôn bên nhau từ lúc mới là hạt đậu nhỏ trong bụng mẹ đến tận bây giờ. Hôm Tony nhập viện, vắng nhau vài ngày mà mặt mũi cả hai anh em đều buồn tênh. Gặp nhau thì lại rạng rỡ hẳn ra. Mẹ biết rằng mình không tách hai đứa ra được. Đến lúc các con tự tạo lập cuộc đời của riêng mình, các con sẽ luôn được song hành cùng nhau, bên cạnh bố mẹ.
Cùng nhau lớn lên như thế, nhưng các con lại không cùng tính cách. Các con vẫn là những cá thể rất riêng biệt mà mẹ rất trân quý và tôn trọng. Mẹ không bao giờ bắt Tony phải làm giống Willy hay buộc Willy phải làm theo Tony. Mỗi một sự việc xảy đến, các con có cách ứng xử khác nhau, từ đó, phản ứng lại sự việc đó cũng khác nhau.
Tony là một chàng trai khá chững chạc nhưng không hiền. Con có thể xông pha lên ở bất cứ đâu, con không ngại môi trường mới, chỗ ở mới, nhưng con lại khó tính trong mọi hành động của người xung quanh. Điều gì không hợp ý con thì con sẽ nhanh nhảu nhíu mày hoặc đáp trả lại mạnh mẽ.
Willy lại là một anh chàng vui vẻ, hòa đồng và dễ tính và hiền lành. Willy sẽ không dạn dĩ bước một mình chỗ đông người như Tony, nhưng khi đã quen rồi thì con sẽ dễ dàng hòa nhập, chơi cùng những người bạn mới một cách thoải mái như ở nhà vậy.
Ở nhà, Willy có thể giành cho bằng được chiếc xe mình thích, Tony thấy em kiên quyết khóc la sẽ buông tay ra mà nhường em, đi chơi một trò khác. Khi ra ngoài, Tony sẽ thoải mái tự tin đi khám phá mà không cần bố mẹ bên cạnh, Willy lại mất một khoảng thời gian nắm tay đi cùng bố mẹ trước khi tự buông ra và cùng anh “quẫy”.
Khi các con tranh nhau, giận nhau, đánh nhau rồi khóc, mẹ sẽ ngồi im quan sát. Thấy mẹ không nói năn gì, hai anh em sẽ mếu máo tìm đến mẹ và mách lỗi của người còn lại. Những lúc như vậy, mẹ không nhịn được cười. Nhưng thật là không nên khi mẹ cười trong lúc con khóc, thế là lại phải giấu nhẹm sự vui thích vào trong bụng. Các con cũng phải biết cách tự xử lý xung đột với nhau chứ nhỉ! Mỗi ngày trôi qua, cách đối phó của các con khác đi, mẹ mừng thầm. Quan sát cái sự lớn lên đáng yêu ấy, mẹ cảm nhận rõ ti tỉ từng giọt hạnh phúc ngấm trong huyết mạch mình.
Hôm qua Willy bị anh cắn, em ấy không khóc thét lên rồi vồ anh định cắn lại như những lần trước, mà chỉ thút thít đến bên mẹ, đưa chiếc tay có hằn vết thương cho mẹ xem, để mẹ hun vào đó cho hết đau. Con đã biết nghe lời mẹ dặn lúc trước, “chỗ nào đau thì mang đến mẹ, mẹ thơm vào đó là sẽ hết đau ngay”. Hết đau rồi, con lại đi sút banh với anh.
Cũng hôm qua, Tony đang chơi chiếc xe chòi chân màu xanh thì em Willy đến giành. Con không giành lại mà nhẹ nhàng bỏ ra, kiểu như “thôi kệ, cho mày chơi đó, tao đi chơi cái khác”, rồi quay ra chiếc xe đỏ bên cạnh, leo lên và ụn ụn, cầm vô lăng lái như một tay đua chuyên nghiệp. Mẹ nhìn mà thương vô cùng.
Trẻ con thật đáng yêu và thật đáng để người lớn học hỏi.
Mẹ học ở các con sự vô tư vốn rất cần ở đời. Các con học cách lớn lên mỗi ngày, nhưng đón nhận sự lớn lên, sự thay đổi cảm xúc và hoàn cảnh với một tâm trí khoáng đạt tự do hết sức. Không cần phải bài vở và lý thuyết như mẹ, con cứ mặc nhiên phóng tác những tính cách riêng của mình. Kiểu nào cũng được, miễn tử tế là được, nha con!