Trẻ em bám mẹ, nên hay không nên, tốt hay không tốt là những câu hỏi muôn thuở trong các gia đình có con nhỏ. Luôn có nhiều ý kiến trái chiều cho vấn đề này, có người đồng tình, cũng không ít người phản đối. 

Với tôi thì, “con bám mẹ, chứ nào phải bám người lạ đâu, nên không cần lo lắng quá mức.” 

Tôi đã nương theo câu thần chú này và ôm ấp các con vào lòng nhiều nhất có thể, suốt thời gian qua, bất chấp sự cản ngăn của ông bà. 

“Cái giá” tôi nhận được cho sự chấp niệm này là những lần vội vàng làm việc, những lần rã rời đôi cánh tay khi mỗi bên phải bế một đứa, hay những lần ngồi yên nhiều giờ để con kê đầu lên gối mà ngủ… Hơi nhọc nhằn, nhưng nó ngọt ngào và đáng được chấp nhận. 

Nếu bình tâm sống chậm lại, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc len lỏi trong từng khoảnh khắc bên cạnh con. Còn điều gì tuyệt vời hơn khi thấy mình được các con yêu thương và cần đến mỗi ngày, dù cho đôi lúc bạn mệt mỏi và bế tắc vì chẳng thể làm được gì. Sẽ thật lãng phí nếu như không tận dụng những năm tháng được các con bám như sam này, bởi nó sẽ trôi qua nhanh chóng mà thôi. 

Nguồn: unsplash.com

 

1. Hình ảnh các con bám mẹ sẽ như thế nào?

Khi chọn trở thành một người mẹ dành trọn thời gian bên con, là bạn đã chọn việc sống chung với sự tranh thủ và kiên nhẫn mọi lúc, mọi nơi. Trẻ bám mẹ sẽ luôn miệng đòi hỏi mẹ ở bên cạnh, nhất là khi con cảm thấy bất an ở một nơi xa lạ hoặc đối diện với một người mà con chưa từng gặp. Đôi khi, con còn khó chịu về một vấn đề nào đó, không thoải mái với chiếc tã đang bó chặt, không thích món đồ chơi mới, không dùng muỗng được như anh chị mình, hay đơn giản chỉ là tự dưng con buồn. Bất kỳ điều nhỏ nhặt nào khiến con không vui, con đều sẽ ôm chặt bạn hoặc không cho bạn làm gì khác. Tất cả những gì con cần chỉ là mẹ – một vòng tay an toàn, một bờ vai có thể tin tưởng để được tự do bày tỏ cảm xúc, được là chính mình. 

Bạn sẽ không còn thời gian nghĩ đến những khoảnh khắc chăm cho mái tóc, làn da, hay tiến hành những dự định cá nhân còn nằm hoài trên bản kế hoạch. Khi thường xuyên đối diện với cảnh mè nheo của chiếc đuôi sau lưng mình, bạn có thể dễ dàng rơi vào tâm trạng bế tắc, mệt mỏi thậm chí là khủng hoảng vô cùng. 

Đó là chuyện một đứa trẻ bám mẹ. Vậy hình ảnh khi cả hai em bé song sinh cùng bám chặt mẹ sẽ như thế nào? Bạn cứ tưởng tượng như vầy.

Nguồn: unsplash.com

Tay phải bạn đang bế một đứa, đứa còn lại sẽ kéo chân bạn đòi được bế giống anh/chị/em của mình. Các bắp cơ trên cánh tay bạn ngày càng săn chắc vì nhiều lần phải gồng gánh cả hai con để dỗ dành. Bạn đi vệ sinh và không dám đóng chặt cửa vì sợ không chạy ra kịp khi các con đánh nhau, chúng nó sẽ mở cửa và đứng chờ bạn giải quyết xong. Bạn làm việc và không muốn cho con xem ti vi nhiều, các con sẽ bắt bạn ngồi ngay bên cạnh và vừa làm, vừa trò chuyện về món đồ mà chúng đang chơi. Và khi cả hai cùng khóc ré lên đòi bạn, bạn chỉ có thể lặng lẽ, ngồi bên cạnh nhìn các con, chờ cơn khủng hoảng đi qua mà không đủ sức làm gì khác.

Bạn đã tưởng tượng ra bức tranh về một bà mẹ được cả hai đứa trẻ sinh đôi cùng đeo bám một lúc chưa? Vâng, chính nó đấy ạ! Một bức tranh đầu xù tóc rối, quả không dễ chịu một chút nào. Song, với tôi thì, đó là những vất vả đáng được tận hưởng. 

 

2. Định kiến về những trẻ em bám mẹ

  • Trẻ bám mẹ là hư

Không khó để bắt gặp những người mẹ rơi vào trầm cảm chỉ vì bị con bám như sam mà không được cảm thông, chia sẻ, lại phải nhận lấy nhiều lời phán xét vô lý của người xung quanh. Khi thấy con bạn liên tục đòi mẹ không rời, còn bạn thì dành cả ngày quanh quẩn chăm con, nhiều người sẽ cho rằng bạn nuông chiều con quá mức và các con bạn sẽ được gán chiếc nhãn “hư” một cách vô thức.  

Một lần khi đang chật vật dỗ dành hai cậu bé song sinh đang khóc quấy trên võng, tôi đã nhận được lời định kiến ấy từ mẹ chồng. Mẹ tôi không muốn những đứa trẻ “bị bện hơi mẹ” quá nhiều, với lý do sợ sau này tôi sẽ không làm được gì khác. Tôi trong lúc loay hoay với tụi nhỏ đã phản đối mẹ bằng câu “bện hơi mẹ chúng một chút thì có sao đâu!”

Cảm giác phải trở thành một người bướng bỉnh trong mắt bố mẹ chỉ vì vấn đề nhỏ ấy thật không thoải mái một chút nào! Nhưng quả thật, việc ngăn cản những người mẹ mới sinh gần gũi con mình là một hành động tàn nhẫn, dựa vào các quan niệm lạc hậu để gán nhãn những đứa trẻ bám mẹ là phiến diện. Chưa kể, những điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ nhỏ và vấn đề tâm sinh lý của người mẹ mới sinh.

  • Trẻ bám mẹ là nhút nhát, không có tính tự lập

Một đứa trẻ hay ôm lấy mẹ thường được nhận xét rằng không có kỹ năng giao tiếp xã hội, không lanh lợi. Để đưa ra một phản hồi khách quan nhất cho định kiến này, mời bạn cùng tôi làm một thử nghiệm nhỏ sau.

Bạn hãy nhắm mắt lại và nhớ về ngày đầu tiên bạn đi học xa nhà. Khi đủ 18 tuổi, độ tuổi mà người ta cho rằng bạn đã khá chín chắn và có thể sống xa gia đình, bạn sẽ thật sự vươn mình đến vùng đất mới để viết nên cuộc đời rực rỡ của mình. Ngày đầu không có ba mẹ ở bên cạnh, bạn có buồn không? Lần đầu sống ở một nơi xa lạ, bạn có cô đơn không? Xung quanh toàn những người lạ lẫm, bạn có lo lắng không? 

Hãy thành thật với chính mình. Chính chúng ta, những người đã đủ tuổi trưởng thành đôi khi cũng cần một chỗ dựa tinh thần khi đến những vùng đất mới, trải nghiệm những bài học mới. Vậy thì cớ gì chúng ta lại tước đi cái quyền đó từ những đứa trẻ chưa quen mặt với những điều khác lạ trong cuộc đời? 

Nguồn: unsplash.com
  • Mẹ để cho con bện hơi, đeo bám thì sẽ không làm gì khác được ngoài việc quanh quẩn với các con suốt ngày

Tôi tự hỏi, tại sao xã hội lại đặt lên vai người phụ nữ yêu cầu về việc chăm con tốt, dạy con ngoan, và còn phải làm luôn cả những công việc khác? Bạn biết không? Chỉ mỗi việc dành trọn thời gian cho con trong vòng 6 năm đầu đời, bạn đã đóng góp cho xã hội nhiều hơn những gì bạn có thể làm trong 6 năm đó. 

Cùng làm một phép so sánh nhỏ như thế này. 

A: Trong vòng 6 năm đầu đời của con, bạn chọn tập trung vào công việc, con cái gửi lại người khác, bạn kiếm được 1 tỷ đồng hoặc có thể hơn. 

B: Bạn chọn tự tay nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa trẻ hạnh phúc trong 6 năm này, tạo nền tảng cho một con người tử tế và cống hiến nhiều hơn cho xã hội trong tương lai. 

A hay B sẽ đáng giá hơn với bạn? Với tôi, B là một lựa chọn chắc chắn. 

Đó là chưa kể, bạn chỉ thật sự không làm được gì ngoài chăm con trong nhiều nhất là ba năm đầu tiên. Khi con đã đến tuổi đi học và nhuần nhuyễn những kỹ năng mới, sự có mặt của bạn chỉ có tác dụng củng cố và động viên tinh thần cho con. Thời gian con tự chơi có thể giúp bạn thư thả chăm sóc bản thân hoặc công việc. 

Tôi luôn tin rằng, bản thân một người phụ nữ luôn nhận thức được sự cân bằng trong cuộc sống của mình. Giữa cán cân gia đình và sự nghiệp, cô ấy sẽ biết cách chọn lựa tập trung vào một bên thật sự phù hợp vào một thời điểm cụ thể. Vì thế, xã hội không cần phải đặt thêm những áp lực, gánh nặng hay định kiến không tốt về người phụ nữ suốt ngày quanh quẩn với những đứa trẻ bám mẹ như sam. Hãy để họ tự do phát triển tiềm năng tối ưu của mình.

 

3. Loại bỏ những lo lắng khi các con bám mẹ, hãy tự hào về điều đó

Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc trẻ em bám mẹ là hoàn toàn tự nhiên và không có một bất thường nào về tâm sinh lý. Sẽ thật khập khiễng nếu như bạn đánh giá sự phát triển của một đứa trẻ bằng khả năng xa cách mẹ chúng trong một thời gian. Và cũng thật phiến diện khi nói đứa trẻ ấy hư hay ngoan, nhút nhát hay tự tin, phụ thuộc hay tự lập, thành công hay không thành công trong tương lai chỉ dựa vào việc con cần có mẹ bên cạnh.

Trong suy nghĩ của một đứa trẻ thì việc bám mẹ giống như việc tìm về nơi an toàn nhất. Đối với con trẻ, mẹ là người đáng tin nhất, mẹ sẽ hiểu tốt nhất nhu cầu của mình. 

Nguồn: unsplash.com

Khi cho phép con được thể hiện cảm xúc, cho phép con được nương tựa tinh thần nơi mình, chính là lúc bạn giúp con đối mặt với các cảm xúc chân thật bên trong. Khi thỏa mãn những lúc rối loạn cảm xúc trong con, bạn giúp con mình hình thành một nền tảng tự tin vào chính mình, một chiếc móng vững chắc để nâng đỡ căn nhà nội tâm của con vươn lên vững vàng. Khi con đã quen dần với những thay đổi và cách thích nghi với chúng, con đã có thể tự tạo nên những nguồn nội lực mới để đương đầu với các áp lực sẽ xảy ra trong cuộc sống. 

Nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý Joanna Maselko từ Đại học Temple, cũng đã chứng minh điều đó.   Ông đã theo dõi gần 500 người trong bang Rhode Island để tìm hiểu mối quan hệ giữa tình yêu của người mẹ với khả năng đối phó với các trạng thái tiêu cực của những đứa con. Kết quả cho thấy mức độ biểu hiện tình yêu thương của mẹ khi trẻ nhỏ càng lớn thì lớn lên đứa con càng hiếm khi rơi vào những trạng thái tình cảm tiêu cực như trầm uất, căng thẳng. Như vậy, con trẻ càng nhận được sự yêu thương, quan tâm từ mẹ khi còn nhỏ, năng lực đối phó với các áp lực trong cuộc sống sẽ càng lớn và con sẽ dễ trở thành con người bản lĩnh, tử tế trong tương lai.

Nếu bạn có những đứa con bám mẹ, hãy quẳng gánh lo đi và tự hào về điều đó. 

 

4. Mẹ sẽ phải đối mặt với những cơn bám víu, ăn vạ cùng một lúc của các con ra sao?

Tuy vậy, việc đối mặt với những cơn đeo bám, ăn vạ của các con chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là khi bạn có những cặp bé sinh đôi. Hai năm qua, tôi đã nhiều lần “lặng yên”, không thể làm gì trước những cơn khủng hoảng của Tony và Willy. Và thú thật, cũng đã nhiều lần tôi không kiểm soát được bản thân mà la mắng các con một cách dữ dội. Song, liệu mình sẽ được con bám đuôi tới khi nào? Tôi đã hỏi mình sau mỗi lần như thế và tự rút ra nhiều bài học cho bản thân, để sống chung với những cơn tam bành của lũ trẻ, và kiểm soát tâm trí của mình nhiều hơn.

Nguồn: unsplash.com

Hy vọng những bài học xương máu bên dưới của tôi có thể giúp bạn tìm ra một hướng đi, hay đơn giản chỉ là một nơi an ủi bạn mỗi khi đối diện với cơn đeo bám của con trẻ.

  • Hãy dành thời gian cho con một cách trọn vẹn. Trọn vẹn ở đây không phải là dành cả ngày cho con và lãng quên những công việc khác. Trọn vẹn là khi ngồi chơi cùng con, hãy gạt bỏ mạng xã hội qua một bên. Khi cùng con đọc sách, hãy tạm quên đi món ăn cần nấu vào ngày mai. Khi cùng con đi dạo quanh vườn, hãy kể con nghe về sự huyền bí của những loài sinh vật đang hiện diện… Đừng để một vấn đề trở thành vật cản trở sự kết nối của bạn và các con. Cũng đừng để một ai ảnh hưởng đến thời gian bạn dành cho những đứa trẻ của mình.
  • Hạn chế sự thay đổi nhanh, nhiều và bất ngờ. Đối với con trẻ, việc sống êm đềm trong một môi trường quen thuộc là rất quan trọng. Nếu không phải là những vấn đề mang tính bắt buộc, thì hãy hạn chế những thay đổi đến với cuộc sống của các con. Và nếu như bạn không thể kiểm soát được, hãy ở bên cạnh con nhiều nhất có thể để con làm quen với môi trường mới, làm bạn với những con người mới. Khi mọi thứ ổn định, lạ thành quen, mới thành cũ, các con sẽ dễ dàng thích nghi và tự tin hơn.
  • Nói với con tất cả những điều sẽ đến. Dù con bạn chưa được tròn tuổi, hay vẫn chưa thể hiểu hết những gì bạn nói, nhưng việc thông báo trước tất cả những điều sẽ đến, đặc biệt là những thay đổi sẽ xảy ra trong thời gian tới sẽ giúp bé chuẩn bị trước tinh thần và đón nhận những điều đó một cách ít khủng hoảng hơn. Bên cạnh đó, việc nói trước với con còn thể hiện sự gắn kết giữa bạn và bé con của mình.
  • Tâm sự với con vào những đêm, đặc biệt là thủ thỉ cùng con những lời yêu thương khi con bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Bạn đã từng nghe về nguyên tắc “5 phút thủ thỉ và 8 giây ôm ấp” của nhà giáo dục nổi tiếng Shichida chưa? Đây cũng là một trong những bí quyết giúp cha mẹ Nhật Bản tăng cường trí thông minh cảm xúc cho con, giúp con đón nhận mọi thông tin một cách nhẹ nhàng, êm ái nhất. Nếu bạn muốn ngày mai con ít bám mẹ hơn, tối nay hãy thủ thỉ cùng con những điều mà bạn mong muốn và động viên rằng con sẽ làm được. Tôi tin vào nguyên tắc này, và đã áp dụng hơn hai năm qua với Tony và Willy, nhờ thế mà những lần chuyển nơi ở của tôi cũng đỡ căng thẳng hơn cho cả tôi lẫn các con.
  • Tạo cho con một niềm tin rằng mẹ luôn có mặt bên cạnh con. Hãy nói với con điều này thường xuyên, và hãy vỗ về con mỗi lần con cần, dù đó là lúc con rất vui vẻ hoạt bát, hay khi con đang buồn bã sợ hãi. Cảm xúc của con là một yếu tố không thể thiếu, và con cần trải qua từng cung bậc một để hoàn thiện bản năng yêu thương của mình. Khoảnh khắc bên cạnh con để thừa nhận và đối diện với từng loại cảm xúc đó, chính là lúc bạn giúp con xây dựng một nền tảng tự tin vững chắc từ bên trong.
  • Nhưng mẹ cũng cần phải đi vắng một chút, và các con có thể cùng chơi với nhau, hoặc chơi với bố trong lúc chờ mẹ về. Hãy nâng cao vai trò của bố và những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, mọi thứ cần được đồng nhất. Bạn hãy trò chuyện và nói lên quan điểm chăm nuôi các con và tìm kiếm sự đồng thuận của ông bà và bố. Như vậy, hành trình được đeo bám của bạn có thể sẽ nhẹ nhàng hơn đôi phần.
  • Tập cho các cách thức tự chơi, từng chút một. Bạn có thể hứa với con sẽ quay trở lại ngay sau 5 phút, hoặc sau khi đồng hồ reo, và làm đúng như vậy để con tin tưởng. Hôm sau, bạn sẽ nâng thời gian ra, từ 5 phút thành 7 phút hoặc hơn. Cứ thế, ngày các con tự chơi thoải mái trong 15 phút sẽ nhanh chóng đến. Đối với những đứa trẻ sinh đôi, lợi thế có sẵn là một người tri kỷ cùng nhau lớn lên. Vì thế, hãy tận dụng lợi thế này.
  • Thiền và rèn luyện nội tâm bản thân để bao dung và thông cảm hơn với các hành động vô thức của con mình. Đây là một cách thật sự hiệu quả để kiềm chế cơn nóng giận của bạn khi không thể thoát khỏi các cơn đeo bám không dứt của con. Hãy dành vài phút mỗi ngày để thiền, và khi biết mình đang mất kiểm soát, hãy cố gắng nhắm mắt lại, đếm vài nhịp thở rồi quay lại với các con. Để con khóc một chút trong lúc này là lựa chọn hợp lý hơn việc quát nạt hay thậm chí đánh đòn các con.

Các mẹ à, các con rồi sẽ lớn nhanh thôi. Sẽ sớm thôi, bạn không còn nhận được những cái mè nheo đòi mẹ của bọn trẻ. Vì thế, đừng để những định kiến không cơ sở cướp đi khoảnh khắc đáng nhớ của bạn và các con. Tuổi thơ con trôi đi, điều gì sẽ đọng lại, phần lớn là nhờ vào sự thông thái và tỉnh thức của những người mẹ chúng ta. 

Chúc cho bạn và các con luôn an yên và hạnh phúc trọn vẹn mỗi giây phút dành cho nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm