Nếu ai đó nói về hai tiếng “bố thí”, có lẽ họ đang nói về việc một người đang ban ơn cho một người khác, bằng cách cho đi. Có lẽ bạn đang nghĩ hành động “bố thí” là một việc làm xuất phát từ nhà Phật, là một việc thiện lành được khởi phát và trao yêu thương của những người con Phật.
Có một chút buồn rằng, khi nghe câu nói “…bố thí cho người ta…”, chính tôi cũng cảm nhận được một sự thương hại ẩn chứa. Nghe như một hành động vô tư mà chẳng đượm chút tình nào cả, dư thì cho, thì bố thí đi để lấy phước lành, vậy là xong.
Cho đến khi được soi sáng về bản chất thật của việc bố thí, của sự cho đi từ những bài giảng pháp của thầy Thích Pháp Hòa, tôi mới nhận ra cái sự đẹp đẽ lung linh, không một chút tội nghiệp nào nằm trong hai tiếng bố thí ấy.
Bố thí bản chất là CHO.
Cho, là một hành động rất phổ biến trong cuộc sống. Một đứa trẻ vừa sinh ra đời cũng có thể cho ta niềm hạnh phúc, một cụ già bệnh tật cũng có thể cho những câu chuyện, một thiên tài cho được những thành tựu, một kẻ trộm cắp cũng cho được những bài học, doanh nhân giàu có cũng cho kinh nghiệm, người vô gia cư cũng có thể cho những trải nghiệm chân thật.
Song, nhân sinh cho đi dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau.
Người lớn chia sẻ bánh cho một đứa trẻ, bản chất là cô ta cho trẻ chiếc bánh.
Con cháu cho ông bà, cha mẹ hoặc người lớn tuổi, lớn vai vế hơn, người ta gọi là kính biếu.
Bạn bè cho nhau những món quà, người ta gọi là tặng.
Phật tử cho đền chùa những bông hoa, giỏ quả, người ta gọi là cúng dường.
Người giàu cho người nghèo chút tiền, chút thức ăn, người ta gọi là bố thí.
…
Dành thời gian nhìn nhận lâu hơn những từ ngữ này, không khó để nhận ra sự đồng nghĩa của chúng. Chúng đều là cho đi, nhưng ở những hoàn cảnh khác nhau mà thôi.
Nếu như người đời nghĩ về bố thí như một việc ban ơn và nhận ơn từ hai người có hoàn cảnh cao thấp khác biệt nhau. Đạo Pháp lại định nghĩa rất khác về việc bố thí – một sự cho đi hết sức trân trọng và đầy tình yêu thương.
Một pháp bố thí được diễn ra trọn vẹn gồm có 3 thành tố không thể thiếu: người cho – vật cho và người nhận. Vật được cho chính là mối dây liên kết giữa người cho và người nhận. Vật này ban đầu phải là của người cho, vì trao đi thứ không thuộc về mình thì không phải là bố thí, và sau là thuộc về người nhận hoàn toàn. Một hành động bố thí được cho là trọn vẹn khi người cho không nghĩ gì về vật cho nữa, buông bỏ thứ đã từng thuộc về mình và không mưu cầu lợi ích gì từ nó hay từ việc buông đó nữa.
Chính vì thế mới nói, bố thí là một hành động đẹp khi người cho buông xả một cách tự do và hoàn toàn những gì đã từng thuộc về họ và người nhận đạt được những điều họ mong cầu một cách nhẹ nhàng và trân quý.
Trong bố thí, vật được cho không đơn thuần chỉ là tiền tài vật chất. Nó rộng mở hơn rất nhiều, bao gồm cả giáo pháp, tư tương, đạo lý hay cao cả hơn thảy là sự bao dung, rộng lượng, và tình yêu thương.
Một người nghèo khổ cần tiền, người ta có thể được thiện nhân bố thí tiền. Nhưng một anh bạn nghèo khác lại không cần tiền, anh ta chấp nhận sống an yên với cái hiện tại của mình, anh ta chỉ cần những giáo pháp tinh túy để không bị cái nghèo thao túng mà lầm đường lạc lối. Khi ấy, nếu được, ta hãy bố thí cho anh những lời lẽ uyên bác, những tư tưởng thâm sâu của đạo pháp.
Lại thêm một người nghèo khác đã lỡ sa chân vào con đường sai trái, sinh lòng hối hận và mong muốn được hoàn lương, vậy thì cái anh cần được bố thí lại sự tha thứ của người đời, là vòng tay đón nhận anh trở lại với mảng sáng cuộc đời.
Khi bố thí, chúng ta xả bỏ những sở hữu vật chất cứ ngỡ là của mình, nhưng thật chất lại là của cuộc đời. Những vật đó vô thường, không tự đến với mình, không tự rời mình đi, không tự sinh ra, cũng không tự mất đi. Chúng đơn thuần chỉ là những ý niệm mà ta cố nhiên ướm vào và trói buộc bản thân mình với chúng. Khi buông xả bớt những ý niệm ấy, ta càng ngày càng tự do. Đó là cái lợi dành cho những người bố thí.
Đối với những người được bố thí, họ đạt được nhu cầu của hiện tại nhờ nương tựa vào một cái tâm tin vào sự tươi đẹp của cuộc đời. Họ tin nhân thế tuy nhiễu nhương, nhưng vẫn luôn tồn tại những con người tốt bụng. Khi nhận được những điều lành từ việc bố thí của quý nhân, lòng tin trong họ lại được củng cố vững chắc hơn, và bản thân họ, cũng học được bài học về sự buông bỏ. Buông đi những ý niệm về khổ đau, về quá khứ, về những nhọc nhằn mình đã trải qua, tự do đón nhận những điều tốt lạnh mà người đời ban tặng.
Thế đấy, bố thí tự bản thân nó đã chan chứa ý niệm thiện lành. Xung quanh một hành động bố thí là những hào quang ưu tú, soi sáng cả người cho, người nhận và mối thân tình giữa họ. Cho nhưng không nghĩ đến ngày được nhận lại, nhận nhưng không xấu hổ dằn vặt. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn biết mấy khi người ta bố thí cho nhau tình yêu thương không vụ lợi như thế.