Bạn có câu chuyện và muốn kể cho mọi người nghe. Bạn tham gia nhiều hội nhóm và tìm hiểu kỹ về các phương thức để có thể xuất bản một cuốn sách. Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, mọi thứ đã được bày sẵn trên bản kế hoạch, và đang đứng trước cánh cửa quan trọng nhất của quá trình tạo nên quyển sách của riêng mình: Viết bản thảo.
Viết chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Viết sách lại càng nhiều thách thức. Nếu chưa trang bị một mục tiêu đủ lớn và đủ cụ thể, việc duy trì động lực để hoàn thành quyển sách càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, những ngăn trở trên xuất hiện chỉ để trui rèn sự quyết tâm của bạn, mọi nỗ lực đều nhận được thành quả ngọt lành.
Hãy xác định cho mình một mục tiêu mạnh mẽ và đi bước đầu tiên – viết ngay hôm nay – bạn sẽ nhận ra hành trình viết sách này thật sự thú vị và xứng đáng.
Nếu vẫn chưa biết nên bắt đầu viết từ đâu, bạn có thể tham khảo 7 bước đơn giản sau đây để có thể bắt đầu việc viết sách ngay hôm nay.
- Tạo môi trường thích hợp cho việc viết sách
Viết sách là một công việc sáng tạo, đòi hỏi sự tập trung và nghiêm túc đầu tư của bạn. Việc tạo ra một môi trường phù hợp với tính cách sẽ thúc đẩy và duy trì động lực viết mỗi ngày.
Mỗi người sẽ có những cách chọn không gian lý tưởng khác nhau. Nếu bạn là một người lãng mạn và đang nung nấu một quyển tiểu thuyết, có lẽ một căn phòng yên tĩnh, một chiếc bàn gọn gàng, một chiếc ghế êm ái, một khung cửa sổ thoáng đãng, thoảng chút hương hoa hay nến thơm, sẽ phù hợp. Bạn có thể trang trí thêm bất cứ điều gì mình muốn để quyển tiểu thuyết của mình ra đời. Hay nếu đang nghĩ về một quyển sách thực chiến, bạn có thể chọn cho mình một góc phù hợp ở quán cafe quen thuộc, nơi có thể chuyển hóa những trải nghiệm thực tế của bạn thành những trang sách chia sẻ giá trị với độc giả của mình. Chắc chắn, bạn sẽ không thể quên nhiệm vụ ngồi vào bàn và viết khi xung quanh toàn là những khung cảnh nhắc bạn nghĩ về quyển sách đó.
Dù bạn chọn không gian nào đi nữa, hãy đảm bảo nó phù hợp và đầy đủ để có thể viết liên tục mà không bị xao nhãng. Có lẽ bạn sẽ không muốn phải đứng dậy tìm một cây viết khi đang trong mạch viết cao trào.
Ngoài ra, môi trường viết lách lý tưởng bạn cần tạo ở đây không chỉ dừng lại ở một góc làm việc xinh đẹp, tạo cảm hứng. Nó còn là những cộng đồng nhiều người có thể truyền cho bạn động lực viết sách. Với sự phát triển của mạng xã hội như ngày nay, không khó để tìm ra những cộng đồng đáp ứng mong cầu của bạn. Hãy tham gia những hội nhóm viết sách và tích cực tương tác trong đó. Hãy cho đi những gì bạn biết và học hỏi từ những tác giả khác. Không gì tốt hơn việc được làm công việc mình yêu, trong một môi trường mà mình thật sự yêu thích và có cảm giác thuộc về.
- Tạo thói quen viết sách đều đặn
Trong quyển sách The Power of Habit, tác giả Charles Duhigg đã trích dẫn một bài báo năm 2006, được xuất bản bởi một nhà nghiên cứu của Đại học Duke, hơn 40% hành động chúng ta thực hiện mỗi ngày không phải là quyết định thực tế mà là thói quen. Thói quen là yếu tố tác động mạnh mẽ đến cuộc sống, sự thành bại trong công việc của mỗi chúng ta.
Khi tạo được thói quen cho riêng mình, bạn sẽ cảm thấy những áp lực nặng nề ban đầu trở nên nhẹ nhàng vô cùng. Như việc đánh răng mỗi sáng, bạn không cần ai nhắc, không cần động lực gì lớn lao, nó trở thành một thói quen không thể từ bỏ.
Để hoàn thành quyển sách của mình, bạn cần tạo thói quen viết đều đặn như việc đánh răng vậy. Thói quen viết giữ cho bạn một sự cân bằng và ổn định, tiến dần về những mục tiêu đã đặt ra. Hãy chọn cho mình một khung thời gian cố định và phù hợp nhất để hình thành thói quen viết lách này.
Ví dụ, nếu là một mẹ bỉm sữa và chỉ có thể tập trung hết sức vào buổi sáng, từ 4 giờ đến 5 giờ, bạn có thể lấy khung giờ này để viết liên tục. Không cần đợi cảm hứng ập đến, hãy cứ viết như thể nếu không viết sẽ không tài nào ngủ được.
Viết ít hay nhiều không quan trọng bằng viết đều hay không đều. Việc kiên trì viết mỗi ngày là cách nhanh và hiệu quả nhất để đẩy lùi căn bệnh trì hoãn và thúc đẩy bản thảo của bạn thành hình.
- Lập dàn ý trước khi viết
Trong giới viết lách, nhiều cây viết cho rằng việc lập dàn ý là không cần thiết vì nó tốn thời gian. Trong thế giới của những người viết chuyên nghiệp và thành công, lập dàn ý là một trong những bước đi quan trọng nhất và không thể thiếu.
Dàn ý của một quyển sách, hay bất kỳ một văn bản nào, chính là bộ khung xương sống giúp định hình và liên kết nội dung của toàn bộ tác phẩm. Mọi ý tưởng bạn viết ra cần được sắp xếp và diễn đạt theo một bố cục hợp lý, đó chính là yếu tố tạo nên sự thống nhất của sách và mang lại giá trị cho người đọc.
Sau khi đã đặt ra cam kết và biến việc viết sách thành một thói quen hàng ngày, bước tiếp theo là xác định đâu là các chủ đề chính nhất định phải truyền tải, đâu là những ý tưởng phụ nên được thêm thắt vào để tăng tính hấp dẫn, soạn thảo ra một dàn ý cụ thể cho cuốn sách của mình.
Đối với người đọc, một quyển sách tuy dày nhưng được chia thành từng chương nhỏ sẽ giúp họ dễ cảm nhận nội dung, giữ được năng lượng và cảm hứng đọc hơn so với những quyển sách mỏng nhưng lại viết lan man không theo một trình tự nào.
Đối với người viết, một outline có phân biệt ý chính – phụ rõ ràng sẽ giúp bạn tránh được tình trạng rối và bí ý tưởng vì đã triển khai hết các chi tiết ngay từ đầu.
- Chia nhỏ và viết đều
Có lẽ bạn sẽ cảm thấy ngán ngẩm khi nghĩ tới việc viết một quyển sách 50.000 chữ trong vòng một tuần, một tháng, hay một năm. Tuy nhiên, đừng vội từ bỏ. Hãy thử cách chia nhỏ dung lượng và áp dụng thói quen viết mỗi ngày xem sao.
Ví dụ: Bạn đặt mục tiêu, mỗi ngày bạn viết 500 chữ trong vòng một giờ. Sau 10 ngày (10 giờ) bạn có được 5000 chữ, và 100 ngày (100 giờ) sau bạn có 50000 chữ cho bản thảo của mình. Vậy chỉ mất khoảng hơn 3 tháng, hoặc chỉ tốn 100 giờ đồng hồ, để bạn có thể hoàn thành bản thảo nếu như ngày nào bạn cũng đều đặn sản xuất 500 con chữ. Không quá khó, phải không?
500 chữ/ngày không phải là con số quá lớn. Nếu đã có kỹ năng viết cơ bản, bạn hoàn toàn có thể thực hiện được. Nếu chưa, hãy luyện tập viết lách ngay từ ngày hôm nay. Mỗi ngày, hãy viết ra 500 chữ liên quan đến cảm xúc, công việc và miêu tả những điều gần gũi xung quanh mình, bạn sẽ cảm thấy việc hoàn thành 500 chữ rất bình thường và bạn hoàn toàn có thể làm việc đó.
- Nâng cao khả năng tập trung
Khả năng tập trung vừa là một dạng năng lực sẵn do thiên bẩm, vừa có thể rèn luyện được. Tập trung cao độ vào công việc không chỉ giúp bạn nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, mà còn biến mỗi khoảnh khắc và công sức bạn đầu tư vào trở nên có giá trị hơn.
Để rèn luyện sự tập trung của mình, bạn cần phải biết rõ bản thân muốn gì, hiểu rõ những điều mình đang làm, những câu chuyện mình muốn kể, thông điệp mình muốn truyền đạt. Khi đã thấu hết những vấn đề về ý tưởng, sự tập trung sẽ dễ dàng đến và giúp bạn hoàn thành từng chương một của quyển sách, trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh yếu tố nội lực (khát khao hoàn thành quyển sách), các yếu tố bên ngoài như không gian làm việc, màn hình máy tính tác động không nhỏ đến sự tập trung của bạn. Hãy tắt hết các trình duyệt và chỉ viết liên tục trong khoảng thời gian bạn đã đặt ra cho bản thân mà thôi.
Một cách hữu hiệu để nâng cao khả năng tập trung của bạn chính là đưa bản thân vào một sức ép cố định. Chẳng hạn, tôi muốn viết xong câu chuyện cốt lõi trong chương một vào trong sáng nay, từ 3 giờ đến 5 giờ. Như vậy, trong vòng 120 phút ngắn ngủi đó, tôi buộc phải triển khai nội dung chính của chương. Ngồi vào góc làm việc yêu thích, ngắt kết nối với internet và điện thoại, hẹn giờ, và tập trung viết liên tục.
- Đặt thời gian viết lách
Đây chính là một mũi tên trúng hai con nhạn. Như đã đề cập ở trên, việc đặt cho bản thân một khoảng thời gian cố định để viết liên tục sẽ giúp bạn đạt được hai mục tiêu quan trọng trên hành trình trở thành tác giả của mình: Một là nâng cấp khả năng tập trung của mình khi làm mọi việc, hai là thúc đẩy quá trình ra sách ngày một nhanh hơn.
Cần lưu ý rằng, đây là khoảng thời gian dành riêng cho việc viết. Hãy liên tục viết theo khung dàn ý bạn đã chuẩn bị sẵn và đừng để tâm nhiều đến các lỗi chính tả, hình thức gì cả. Một giây bạn điều chỉnh lỗi đánh máy nhỏ xíu cũng có thể khiến bạn mất đi mạch viết và sự tập trung của mình.
Khi đặt thời gian viết lách, bạn đã đặt cho bản thân một nhiệm vụ cần phải nghiêm túc thực hiện và hoàn thành. Bạn trân trọng thời gian của mình và biến từng khoảnh khắc trở nên có giá trị. Áp lực thời gian luôn là yếu tố mang lại hiệu quả cho bất kỳ một công việc nào. Ngoài việc thúc đẩy bạn hoàn thành quyển sách của riêng mình. Việc đặt thời gian viết lách thích hợp trong ngày sẽ giúp bạn rèn luyện sự bền bỉ, kiên trì với mục tiêu của mình hơn.
- Đối phó với sự xao nhãng
Sự xao nhãng là điều rất dễ gặp phải nếu như bạn không bắt ép bản thân vào một khuôn khổ nhất định. Nếu đã áp dụng đầy đủ 6 bước đã được triển khai ở trên, bạn có thể tự tin đã giảm bớt nhiều sự xao nhãng luôn xuất hiện xung quanh.
Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp bất khả kháng xảy ra. Giả sử như bạn là một bà mẹ bỉm sữa đang tràn đầy nhiệt huyết viết sách. Bạn tranh thủ thời gian con ngủ và tập trung viết khi, nhưng con bạn đột ngột tỉnh giấc và một mực đòi mẹ, bạn phải làm thế nào?
Bạn buộc phải đứng dậy và dỗ dành đứa trẻ. Tuy nhiên, hãy giữ cho mình một tâm thế chấp nhận và sẵn sàng đối diện. Đây là những vấn đề đột xuất, bất khả kháng và bạn sẽ gặp vài lần như thế trong bất kỳ công việc gì, dù cho đã chuẩn bị kỹ càng đến đâu. Hãy thoải mái. Bởi khi tỏ ra khó chịu, tình huống trở nên tồi tệ hơn. Đứa trẻ sẽ không dễ dàng ngủ lại, còn bản thân bạn lại dễ dàng đánh rơi ý tưởng, quên mất mình đã viết đến đâu, cần viết tiếp như thế nào. Hơn thế, bạn sẽ cảm thấy việc viết sách như đang là một gánh nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và rất dễ đi đến việc từ bỏ.
Tất nhiên, mọi thứ đều có thể suôn sẻ diễn ra theo cách bạn đã chuẩn bị kỹ càng. Song, nếu rơi vào một tình huống bất đắc dĩ khiến bản thân xao nhãng, mong bạn bình tâm chấp nhận và giữ vững ngọn lửa nhiệt thành với việc viết sách của mình.
Với 7 bước đơn giản trên, tôi tin rằng không khó để bạn có thể bắt đầu quyển sách của riêng mình. Sẽ thật lãng phí nếu những câu chuyện thú vị mà bạn đã trải nghiệm trôi qua mà không để lại một chữ nào cho độc giả.
Nếu đã sẵn sàng, hãy mạnh dạn đầu tư cho mình một không gian làm việc lý tưởng, tạo cho bản thân một thói quen viết chữ đều đặn, chuẩn bị một dàn ý mạch lạc, chia nhỏ thành các chương cụ thể để viết mỗi ngày, tập trung vào những việc mình đang làm trong một thời hạn nhất định, và bình tâm đối phó với những ngoại lực bất ngờ có thể gây xao nhãng cho bạn. Nhất định, sẽ sớm đến ngày bạn cầm được quyển sách của mình trên tay và tự hào trở thành một tác giả chuyên nghiệp.