Phải thừa nhận rằng, việc nuôi dạy cặp song sinh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Ta luôn cố gắng hết sức để nuôi dạy hai con người nhỏ bé ấy, giúp chúng khỏe mạnh, năng động, thông minh và hạnh phúc. Tất nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho các con của mình.  Song, việc nuôi dạy hai trẻ cùng tuổi rất căng thẳng và mệt mỏi, ít nhất là trong vài năm đầu.

Mỗi bố mẹ đều có những nỗi thăng trầm của riêng mình. Dẫu biết là vô tình, nhưng những lần cạn kiệt năng lượng đã khiến chúng ta dễ bị bối rối và tác động tiêu cực đến hành vi và cảm xúc của các con. Tất cả các quan niệm, lời khuyên về nuôi dưỡng anh chị em sinh đôi hầu hết đều mới mẻ và có hiệu quả trong trường hợp của “người ta”. Không có một phương pháp nào là phù hợp cho tất cả, chúng ta không thể biết chắc được, đâu là điều đúng đắn cần nhất cho con của mình.

Đáng nói hơn, giữa tất cả những cảm xúc lộn xộn này, một số hành động hay thói quen hàng ngày mà chúng ta nghĩ là bình thường lại có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến hai con. Nếu bạn đã từng hoang mang không biết rõ những việc làm bình thường mỗi ngày của mình có ảnh hưởng đến hai đứa trẻ hay không, thì đây chính là bài viết dành cho bạn. Hãy cùng ngồi xuống cùng tôi, uống tách trà và chiêm nghiệm lại hành trình đã qua cùng các con, đã bao giờ bạn vô ý rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế này chưa? 

  1. Thường xuyên cặp song sinh mặc đồ giống nhau

Là cha mẹ song sinh, chúng ta thường cảm thấy đặc biệt khi có một cặp sinh đôi. Vì là đôi, nên xu hướng chung của bố mẹ sẽ đồng điệu cả hai con. Ta thích chuẩn bị cho bọn trẻ những bộ trang phục cùng màu, cùng họa tiết, bao gồm cả nón, quần áo, giày dép, phụ kiện… Đôi lúc sự bối rối khi phân biệt hai đứa trẻ khiến chúng ta vui và tự hào, phải không?

Tuy nhiên, có một sự thật mà chúng ta cần nhìn nhận, dù sinh đôi, các con vẫn là những cá thể đặc biệt và khác nhau.

Ngày Tony và Willy còn nhỏ, tôi cũng từng thường xuyên cho các con mặc những bộ đồ giống nhau, mang những đôi giày không khác một chút nào, chụp hình và thích thú khoe lên mạng xã hội. Những tấm hình xinh đẹp của hai đứa trẻ giống nhau như đúc khiến tôi hạnh phúc. Tuy nhiên, đó chỉ là sở thích và sự mãn nguyện của riêng bố mẹ. Chúng ta chỉ có thể làm vậy khi các con chưa nhận thức được sở thích đặc biệt của riêng mình. Càng lớn, các con càng thể hiện phong cách khác biệt của mình. Như Willy sẽ luôn chọn màu đỏ, có họa tiết to lớn, còn Tony sẽ trung thành với màu xanh và những chi tiết “em bé”  cho mọi thứ của mình. 

Khoảng 2,5 tuổi, khi đang chập chững biết đi, mỗi đứa trẻ sẽ dần lộ ra một tính cách đặc biệt rõ ràng. Đây là lúc từng trẻ bắt đầu thể hiện cá tính riêng. Các con sẽ nhận thức được điều chúng thích và không thích, sẽ bắt đầu học về thế giới bên ngoài từ cách nhìn nhận riêng. Cũng chính từ giai đoạn này, chúng ta nên đối xử với các con như những cá thể riêng biệt, không nên ép buộc, để con tự do bộc lộ được tính cách riêng.  

Trừ trường hợp bạn sinh đôi một bé trai và một bé gái. Nếu hai anh em sinh đôi hoặc hai chị em sinh đôi luôn mặc quần áo giống nhau, rất có thể các con sẽ bị chìm đắm trong suy nghĩ như:

  • Hai con là một và giống nhau.
  • Con phải luôn mặc những gì mà anh / chị / em mình mặc.
  • Con phải luôn làm theo bất cứ điều gì anh / chị / em làm.
  • Dù nhiệm vụ là gì, cả hai con phải cùng nhau làm theo cùng một cách.

Có thể bạn đang phản bác lại, “Có nói quá không? Tôi chỉ mặc quần áo cho hai con giống nhau thôi, có gì lớn lao cơ chứ?”. Nhưng đó là sự thật. Não bộ con trẻ rất nhạy cảm với những điều nhỏ nhặt, dù là vô tình. Việc đồng nhất cả hai đứa trẻ có thể có tác động và làm xáo trộn cuộc sống cá nhân của hai con mà ta không hề hay biết. Đây là một sai lầm rất phổ biến, vô tư thường hay bị bỏ qua của bố mẹ.

Đọc tới đây, bạn cũng không cần phải lo lắng vì vẫn thường xuyên cho cặp sinh đôi của mình mặc đồ giống nhau. Chỉ là giờ đây, chúng ta cần bắt đầu tạo nên những khác biệt theo sở thích, cá tính riêng của các con. Đừng biến việc “phải giống nhau” thành thông lệ khi cặp song sinh của bạn đủ lớn để bắt đầu xây dựng con người độc nhất trong chúng.

  1. Cho hai anh / chị  em sinh đôi đồ chơi giống hệt nhau

Bạn sẽ mua đồ chơi cho cặp song sinh của mình theo cách nào nhỉ?

  • Hai đồ chơi giống hệt nhau (1)
  • Hai đồ chơi giống nhau nhưng khác màu (2)
  • Hai món đồ chơi hoàn toàn khác nhau (3)

Mua đồ chơi và để các con chơi cùng nhau có thể là một trong những việc thách thức sự kiên nhẫn của tôi nhất trong cuộc sống hằng ngày với hai đứa trẻ. Nếu mua hai loại đồ chơi giống hệt nhau, các con sẽ ít khi tranh chấp. Nhưng trẻ con luôn nhanh chán những thứ mới mẻ, chúng sẽ vứt ngay cả hai món đó vào xó và vòi vĩnh thêm món mới. Ngược lại, nếu mua hai món đồ chơi khác nhau một phần hay hoàn toàn, không sớm thì muộn, tôi sẽ lại trở thành phiên tòa xử vụ án tranh giành đồ chơi của các con.

Tuy nhiên, nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn cách mua những thứ khác nhau, tùy theo sở thích và tính cách riêng của từng đứa trẻ. Trước khi chở con đến nhà sách hoặc cửa hàng đồ chơi, tôi sẽ hỏi ý muốn của từng bé. Khi cho các con chơi đúng món đồ chơi chúng thích, thời gian chơi sẽ lâu hơn, các trận tranh cãi cũng không quá gay gắt, bởi đó là yêu cầu của chúng. Ngoài ra, sau những lần làm trọng tài bất đắc dĩ, tôi cũng rút ra những bài học, những mẹo vặt của riêng mình trong việc phân xử các con. 

Ví dụ, trước khi Tony muốn chơi đồ chơi của Willy, tôi sẽ bảo con phải “mượn” em. Nếu Willy đồng ý thì anh Tony mới được phép chơi, và ngược lại. Các con có thể trao đổi đồ chơi với nhau trong thuận hòa, đưa ra những thỏa thuận đầu tiên trong cuộc đời. 

Khi thực hành theo cách này, người cuối cùng giành chiến thắng trong trò chơi này là chính bố mẹ, và cặp song sinh của bạn sẽ học được một số kỹ năng có giá trị như: Kỷ luật, Kiên trì, Bình tĩnh, Sẻ chia và Thỏa thuận.

Nếu chọn cách (1) và (2), thì bạn có thể đang vô tình tiếp tay những điều không tốt cho hai con.

Sửa chữa tạm thời không phải là giải pháp.

Hai cách đầu tiên sẽ giúp các con cùng nhau chơi, không cãi nhau, không tranh chấp khi đồ chơi bị hư hỏng hay không chạy nữa và muốn mọi việc được giải quyết trong hòa bình. 

Ý định này không có gì sai, nhưng đây sẽ chỉ là cách khắc phục tạm thời. Các con sẽ bị hạn chế cơ hội để các con học tính kỷ luật, học cách chia sẻ, kiên nhẫn và nhiều đức tính khác. Thay vào đó, các con sẽ lớn lên với tư duy bất cứ thứ gì chúng cần, bố mẹ sẽ mua gấp đôi hoặc con đã có đồ chơi của riêng mình và không cần yêu cầu anh chị em chia sẻ hoặc bản thân chia sẻ với anh / chị / em của mình.

Hơn hết, chúng ta còn phải đối diện với áp lực tài chính khi mua thứ gì đó đắt tiền với số lượng gấp đôi. Như vậy, chẳng phải vô tình chúng ta khiến cho cuộc sống gia đình khó khăn hơn đó sao?

  1. Chia cách cặp song sinh

Khi các con còn nhỏ, nhiều bố mẹ tách các con ra để mẹ và bà chăm sóc từng đứa một thật cẩn thận, chu đáo. Lớn hơn, nhiều người vẫn chọn cách này để giảm bớt hoang mang trong việc xử lý vấn đề về hai trẻ khi ở cùng nhau. 

Những đứa trẻ song sinh cùng nhau được hình thành, cùng nhau ở trong bụng mẹ, cùng nhau được sinh ra, lớn lên và là bạn tâm giao trọn đời. Giữa hai con có một mối ràng buộc mà chỉ chúng mới có thể cảm nhận và hiểu được. Bởi thế mà việc chia cách chúng thường xuyên sẽ gây nhiều tác động đến tâm sinh lý và sự phát triển của con trẻ. 

  • Giai đoạn tách biệt (từ 6 tuổi trở lên)

Từ 6 tuổi, trẻ con có thể tự quản lý cảm xúc và hành động của mình. Vì thế, việc thỉnh thoảng tách hai đứa trẻ chỉ nên thực hiện ở giai đoạn này, với thời gian ngắn và khoảng cách không quá xa. Việc bố mẹ ngăn cản các con ở cạnh nhau trong giai đoạn đầu đời có thể là một đòn tâm lý giáng vào con trẻ. Bởi chúng chỉ quen với sự hiện diện của nhau mà chưa quen với việc xa cách nhau bao giờ.

  • Thời gian xa cách

Trong trường hợp đặc biệt khó khăn, chúng ta bắt buộc phải tách các cặp song sinh và nuôi dạy ở những nơi khác nhau, ta nên giúp các con giữ liên lạc thường xuyên, thông qua các cuộc gọi video và các phương tiện khác để giảm đi nỗi lo xa cách. Còn lại, hãy tôn trọng sự gắn kết mật thiết đặc trưng của những em bé song sinh. Đừng chia cách chúng quá lâu và quá xa. 

Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng cần có một cuộc chia ly ngắn đối với hai con. Ví như Tony sẽ có một ngày đi chơi với bố, và Willy đến thăm bà ngoại. Giống như một chuyện tình, khi cho tình yêu một khoảng trống, chúng ta đã củng cố mối quan hệ giữa hai con người nhiều hơn.

  1. So sánh giữa hai đứa trẻ sinh đôi

So sánh những đứa trẻ với anh / chị / em là một trong những điều tối kỵ trong quá trình nuôi dạy con cái. Điều này có thể tác động rất lớn đến tâm lý của các con. Vì vậy, chúng ta cần hết sức lưu ý trước khi thốt ra bất cứ điều gì thường có thể làm tổn thương trái tim và khối óc nhỏ bé.

Khi có con sinh đôi, bố mẹ khó thể tránh khỏi những phút giây lỡ buông lời so sánh hai đứa trẻ, dù ở bất kỳ giai đoạn nào. Mặc dù hiểu tác động tiêu cực của nó đối với con cái và luôn thận trọng để tránh nhắc đến sự khác biệt của chúng, nhưng chúng ta vẫn không thể ngăn tâm lý của mình trước nhiều tình huống đưa các con lên bàn cân. Việc so sánh con đứng đầu danh sách những quan niệm sai lầm có thể ảnh hưởng rất xấu đến con cái của họ.

Có hai kiểu so sánh dưới đây.

  • So sánh việc tăng trưởng và trưởng thành

Bắt đầu từ ngày cặp song sinh chào đời, chúng ta có hai đứa trẻ để chăm sóc cùng một lúc và ta khó lòng kiềm chế việc so sánh các con về bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất:

  • các con tăng bao nhiêu cân
  • các con ăn bao nhiêu thức ăn
  • số lần các con đi ngoài
  • cách các con ngủ
  • những lần con đau bụng
  • tốc độ chúng lật, bò, ngồi, đi bộ
  • cách chúng phản ứng với thức ăn rắn
  • cơn giận dữ của các con
  • chiều cao của các con
  • chúng biết ngồi bô nhanh hay chậm
  • và nhiều trường hợp khác.

Thật may mắn! Những đứa trẻ sơ sinh sẽ không hiểu hoặc không để tâm đến những cuộc nói chuyện mang tính cân đo của bố mẹ. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục làm điều này cả khi các con chập chững biết đi và trong những giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ đánh sập sự tự tin của con một cách nặng nề.

Mỗi đứa trẻ là duy nhất và có thời điểm riêng cho mọi thứ. Cho dù đó là mức độ tăng trưởng về thể chất hay tinh thần, nó sẽ xảy ra vào đúng thời điểm phù hợp với từng trẻ. Dù song sinh nhưng các con không cần thiết phải có cùng mức độ phát triển. Là bố mẹ song sinh, chúng ta cần liên tục nhắc nhở bản thân rằng những đứa trẻ sinh đôi là bạn suốt đời của nhau, nhưng vẫn có sự khác biệt.

  • So sánh hành vi hoặc khả năng của con

Bắt đầu khi cặp song sinh mới chập chững biết đi. Nhiều bố mẹ có con sinh đôi thừa nhận rằng con cái của họ rất khác nhau về hành vi và tính cách. Điều này không có gì ngạc nhiên. Như đã đề cập ở trên, mặc dù được sinh ra như một cặp, từng đứa trẻ vẫn là những cá thể khác biệt.

Hai con sẽ có cách cư xử tốt và chưa tốt riêng, có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. So sánh cặp song sinh về hành vi và khả năng của chúng có thể là điều bình thường đối với chúng ta, nhưng đối với các con, đó là một đòn giáng mạnh vào khả năng, sự tự tin, lạc quan và lòng dũng cảm. So sánh có nguy cơ làm con có cảm giác nản lòng, nhát gan và bi quan.

Hãy dừng hoặc hạn chế tối đa việc so sánh hai con của mình trong mọi tình huống để đảm bảo những đứa trẻ lớn lên một cách hạnh phúc và tự tin.

  1. Thiên vị một trong hai trẻ song sinh

Là bố mẹ song sinh, chúng ta luôn muốn thể hiện tình yêu thương vô điều kiện và đồng đều với hai đứa trẻ. Tình yêu đối với các con sẽ không có sự phân biệt hay bất bình đẳng. Chúng ta muốn làm mọi thứ theo cách hoàn hảo nhất cho mỗi trẻ. Nhưng trong nhiều trường hợp, ta vô tình tạo cảm giác thiên vị một trẻ trong mắt chúng.

Khi còn nhỏ, các con không thể hiểu được toàn bộ ý định của người lớn, mà chỉ nghĩ đơn giản “Bố mẹ không cho phép mình làm điều này, nhưng lại để anh chị em làm.”

Ví dụ: Tony trong lần bị sốt siêu vi không được ăn những món ăn lạnh như kem hay sữa chua, tuy nhiên Willy lại không bệnh và con được phép ăn. Thời điểm đó các con được 13 tháng và đã có những nhận thức cơ bản. Nếu không được giải thích rõ ràng, Tony – một đứa bé vô cùng nhạy cảm – sẽ rất dễ buồn và nghĩ rằng bố mẹ thiên vị Willy hơn, bố mẹ không công bằng với mình. 

Trong trường hợp này, tôi đã không cho Willy dùng cả sữa chua và kem, hoặc dùng khi không có mặt Tony trong suốt khoảng thời gian cậu bé chữa bệnh. 

Từ ngày trở thành mẹ song sinh, tôi mặc nhiên trở thành một vị trọng tài toàn thời gian. Công bằng và minh bạch luôn là những tiêu chí hàng đầu tôi tâm niệm khi cư xử và giải quyết những tranh chấp của hai cậu bé nhà mình. Không được để bất kỳ một ai trong hai đứa trẻ cảm thấy bản thân bị thiệt thòi chính là kim chỉ nam cho từng hành động.  

  1. Đầu hàng trước những cơn thịnh nộ

Đây là một trong những quan niệm sai lầm rất phổ biến của bố mẹ song sinh. Giúp con giảm bớt cơn giận dữ trong độ tuổi tập đi là công việc khó khăn nhất trên thế giới. Khi phải giải quyết cơn giận dữ của con, nhiều lần tôi tỏ ra bất lực, không biết phải làm gì và cầu xin một sức mạnh siêu nhiên nào đó.

Các cặp song sinh mặc dù không phải lúc nào cũng bắt chước nhau nhưng chúng sẽ làm giống nhau khi một đứa trẻ giận dữ. Trẻ con luôn biết cách làm thế nào để thu hút sự chú ý và kích hoạt phản ứng từ bố mẹ.  

Đừng bao giờ lấy sự căng thẳng của mình để giải quyết xử lý cơn cáu kỉnh của con

Tất nhiên, bố mẹ cũng là con người và khó có thể tránh khỏi cảm giác căng thẳng khi cả hai đứa trẻ cùng thịnh nộ như thế. Bố mẹ có xu hướng giải quyết các vấn đề càng sớm và dễ dàng càng tốt. Và cứ như vậy, chúng ta không có thời gian để suy nghĩ về hậu quả của các giải pháp cho vấn đề đang diễn ra. 

Đây là lúc bố mẹ cần phải vững vàng và giữ đầu óc tỉnh táo. Chúng ta cần biết cách đưa ra kỷ luật và làm sao để giải quyết đúng đắn cho các con. Chúng ta cần phải rất kiên nhẫn để đưa mọi thứ trở lại bình thường một cách chắc chắn và tạo nên cách cư xử tốt cho các con. Đừng để bị cuốn theo dòng cảm xúc tiêu cực từ các con. 

Có lẽ bạn đang tự hỏi làm sao có thể bỏ mặc cho con tự giải quyết được mớ hỗn độn trong tâm lý của chúng? Nhiều lần đối diện với cảnh chống đối hay phản ứng gay gắt của hai cậu bé song sinh nhà mình, tôi nhận ra việc cố gắng nói các con ngừng gào thét trong cơn thịnh nộ là một việc làm thừa thãi. Thay vì để bản thân mình bị cuốn theo sự nóng giận của các con, tôi chọn cách để con được tự do thể hiện cảm xúc của mình và chờ đợi. Chẳng hạn như câu chuyện thường gặp sau đây. 

Chiều tối, sau khi đã chuẩn bị xong bữa tối cho gia đình, tôi gọi hai cậu bé đi tắm. Bình thường khi nghe tới việc được đi tắm, các con sẽ vui mừng hồ hởi vì sắp được chơi với nước. Nhưng hôm ấy lại không. Chúng giả vờ như không nghe lời gọi của tôi, tiếp tục chăm chú vào bộ lego đang lắp dở. Bởi cũng thấm mệt sau một ngày làm việc và đứng trong bếp, tôi bắt đầu lớn giọng gọi lại. Bọn trẻ lần này không những phớt lờ lời tôi, lại còn phản ứng lại lời gọi một cách gay gắt: 

– Không. Con không tắm đâu.

– Anh Tony tắm trước, con tắm sau.

Lời nói khó chịu cộng thêm thái độ chống đối của các con khiến tôi có xu hướng nổi giận và chuẩn bị lớn tiếng quát nạt các con. Song, sau nhiều lần ân hận vì la con, lần này tôi đã không làm thế. Trước khi làm lớn chuyện, tôi lắng lại vài giây để hít thở và cố tìm hiểu lý do vì sao các con không muốn đi tắm. Khi biết các con đang dở tay lắp cho xong chiếc ô tô của mình, tôi nhận ra cơn giận đã giảm đi nhiều phần và quyết định ngồi xuống bên cạnh các con, im lặng ngắm nhìn những chiếc ô tô bằng lego thành hình. Việc này chẳng những giúp tôi nghỉ ngơi được vài phút sau khi xong chuyện bếp núc, mà còn tạo ra một khoảng lặng cần thiết để các con tập trung vào việc của mình và tôi có thời gian quan sát cách của từng đứa trẻ một.

Khi con đang nổi đóa lên vì không chịu đi tắm, đó là vấn đề của con. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn việc bị ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng tiêu cực ấy – hành xử giống con, la hét, thét gào, làm tổn thương con – với việc giữ nguồn năng lượng đang có của mình. Con đang nổi nóng, không có nghĩa là mẹ sẽ nổi nóng theo con. Và ngược lại. Con đang cần giải tỏa cảm xúc và mẹ có mặt ở đây để giúp con giải tỏa hết. Khi không còn buồn lòng và giận dữ nữa, con sẽ cùng mẹ đi tắm trong hòa thuận.

Đừng bao giờ chấp nhận cơn thịnh nộ của con và khiến các con trở nên cố chấp!

Trên đây là danh sách những quan niệm sai lầm vô tình ảnh hưởng đến các con của bố mẹ song sinh theo. Tất nhiên, tôi mắc phải hầu hết các lỗi này. Song, trên hành trình cùng các con lớn lên, tôi vẫn đang học cách giữ cho bản thân tỉnh táo để tránh phạm phải những sai lầm này với cả hai con.

Còn bạn thì sao? Đã bao giờ bạn rơi vào các tình huống tương tự như trên? Nếu bạn còn có bất kỳ khó khăn nào từ trải nghiệm làm cha mẹ song sinh thú vị này, hãy cho chia sẻ cùng tôi, để việc nuôi dạy con song sinh là một hành trình đầy hạnh phúc và thú vị nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm