Một trang xúc cảm khá dài …
Có lẽ chú chuột nhỏ đã mở đầu cho một thập kỷ mới của nhân loại bằng những trang sử u tối, đậm màu đau thương. Năm 2020 sẽ đáng nhớ lắm khi chứng kiến tất cả mọi người trên thế giới đang gồng mình chống lại thiên tai, bệnh dịch; và 2020 cũng đã mang đi mãi mãi nhiều cuộc đời ở kiếp sống này.
Nói như vậy, vì tôi tin vào chân lý trong sách “Muôn kiếp nhân sinh”, được tác giả Nguyên Phong phóng tác, và định luật Nhân quả – Luân hồi của Phật giáo. Kiếp này trôi qua, kiếp khác sẽ lại đến, để nhân sinh vạn vật học đủ những bài học cần thiết của sự yêu thương.
Tôi lại xem những đau đớn mà năm 2020 mang lại, giống như một sứ mệnh mà nó phải làm. 2020 là minh chứng mạnh mẽ nhất cho một giai đoạn Hoại – Diệt của Trái Đất – một giai đoạn sẽ diễn ra rất lâu so với một kiếp người, nhưng không thể nào tránh khỏi.
Hãy thật công tâm mà nhìn nhận, 2020 đã mang đến nhiều nỗi đau tê tái, nhưng cũng đã làm trổi dậy những bản năng yêu thương sâu thẳm nhất trong con người.
Ở Việt Nam, đầu năm tiếp nhận dịch bệnh Covid 19, cận cuối năm đón thêm một trận lũ lụt lịch sử đã khiến bao người lênh đênh, bao doanh nghiệp lao đao ngập lặn với sự sống còn.
Song, nếu dịch bệnh Covid đã buộc con người ta phải thu mình về nhà, hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang để trò chuyện với nhau, khiến cho khoảng cách giữa người với người trở nên giãn nở và nhạt nhòa; thì trận lũ lịch sử đang diễn ra lại có sức mạnh xóa bỏ khẩu trang, xóa bỏ khoảng cách, kéo con người ta lại với nhau.
Tôi tự hỏi, điều gì sẽ đọng lại sau những cơn cuồng phong như thế?
- Là tình yêu thương và sự đoàn kết của người Việt Nam…
Những người hàng xóm cùng nhau chia cay sẻ lạnh, cùng đưa nhau đến những nơi trú ẩn an toàn. Nhà thờ, chùa chiền, các khách sạn, tòa nhà cao tầng cũng dang rộng tay đón dân về che chở. Họ đã nghĩ về việc sống với nhau thật nồng nàn trong những giây phút hoạn nạn, chứ làm gì có thời gian hỏi trong nhóm người này có ai mới từ vùng dịch trở về hay không.
Những người đồng chí vì nhân dân mà chấp nhận nguy hiểm đi làm nhiệm vụ, chẳng may nằm lại dưới hàng triệu khối đất, họ đã không nghĩ gì tới dịch bệnh, không nghĩ đến gian nan, không nghĩ gì cả, chỉ nghĩ đến nhiệm vụ cứu dân thoát lũ.
Tất cả nam thanh nữ tú giàu lòng nhân ái và nghĩa hiệp, người có thể xông pha tiền tuyến cứu dân giữa vòng vây của nước lũ, hay người ở nhà đóng góp của cải vật chất, cầu nguyện cho những ngày nắng sắp tới. Tất cả đều chỉ nghĩ một hướng về miền Trung ruột thịt. Trong cơn nguy nan này, có ai nghĩ gì đến gia thế giàu nghèo của những người lâm nạn kia?
Đáng mừng thay khi trong cơn gian nguy, lòng người vẫn luôn trổi dậy, những cơn sóng yêu thương cũng mạnh mẽ không kém gì sóng gió ngoài kia. Tôi vẫn thấy đồng bào mình đẹp hơn hẳn trong thời chiến hay trong khó khăn. Cơn sóng lũ lịch sử kia có lớn mạnh cỡ nào, cũng không lớn nổi bằng tấm lòng người ta dành cho nhau.
Ngày thường, khi mọi thứ diễn ra êm đềm, người ta nhìn nhau bằng ánh mắt nghi ngại, đối diện với nhau bằng sự nghi ngờ, nói chuyện với nhau bằng tấm lòng nửa thật nửa giả, người ta vẫn không thương nhau như những loài có thể vì nhau mà sống.
Đến lúc lâm nguy, người ta lại cởi bỏ hết những lớp vỏ bọc vô tri vô giác đáng xem thường ấy. Nói đúng hơn, là nước lũ đã cuốn trôi hết tất cả, chỉ chừa bản năng của con người ở lại. Lúc đó, người ta mới cảm thấy sự cần thiết của tình yêu thương vô điều kiện. May thay, tình yêu đó vẫn còn và còn rất mạnh, khi được thoát khỏi cái bóng ma nghi ngờ, huyễn hoặc, dối trá nhau, … thì nó lại được dịp lộ diện sức mạnh phi thường của mình.
… Và bài học về việc sống an hòa với mẹ thiên nhiên?
Thiên tai càng trở nên hung bạo, con người càng trở nên kiên cường, bất khuất. Lẽ hiển nhiên, sức người sao đọ nổi với sức mạnh của mẹ thiên nhiên. Nhưng than ôi! Muôn đời thì con người vẫn luôn chống đối với người mẹ đã bao dung che chở cho mình từ thuở hồng hoang.
Thiên nhiên không vì sự đoàn kết của con người mà chịu thua. Thiên nhiên chỉ nổi lên một vài lần cuồng phong, để con người ta nhận ra sự nổi giận tột cùng của mình. Rồi lại lặn xuống, lại sống yên ổn và thầm mong con người cũng chan hòa sống với mình.
Thiên nhiên đã hy vọng sự dằn mặt đau đớn ấy sẽ đánh thức được nỗi u mê lạc lối của loài người. Tin rằng, những năm đầu sau cơn đau ấy, con người ta chắc chắn sẽ tỉnh. Rồi lâu dài về sau đó thì sao? Mong sao sự tỉnh thức sẽ được kéo dài mãi mãi.
Tôi cảm nhận được lòng tự hào sôi sục khi toàn thể người dân Việt Nam cùng nhau vinh danh chiến thắng của đội tuyển bóng đá ở giải VFF. Tôi đã nhìn thấy một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ khi cả nước cùng chung tay chống dịch Covid 19. Tôi cũng đang nhìn thấy một Việt Nam mà đâu đâu cũng hướng về đôi vai gầy gánh hai miền Nam Bắc. Đôi vai ấy ơi! Phải ráng mạnh mẽ kiên cường, 2 miền chúng tôi vẫn luôn cần sự nâng đỡ từ sức mạnh của Người.
Tôi thuộc nhóm người ngồi ở nhà, lặng lẽ theo dõi tin tức, và cầu nguyện cho những điều an lành, cho sự nguôi giận của Mẹ thiên nhiên và sự thức tỉnh của đồng bào mình. Những bản tin về sự mất mát trong đại dịch, trong trận lũ đã khiến cho không chỉ tôi, mà rất nhiều người nhói trong lòng. Nhưng cách chúng tôi làm tốt nhất hiện giờ chỉ là làm tốt công việc của mình và cầu nguyện, mang lòng lành gửi gió gửi mây trời mang lại cho người dân.
Covid 19 cũng tạm dừng chân ở Việt Nam rồi, mong sao trận lũ kinh hoàng cũng chóng trôi qua. Như vậy, có lẽ cũng đã đủ đau đớn để đồng bào tôi tỉnh thức và học được bài học cho mình, đủ để tàn phá một nền kinh tế còn non nớt ở đất nước tôi rồi.
Chờ mong điều an lành sẽ đến, và mong sự mạnh mẽ và kiên cường đến tận cùng của người dân mình, cố gắng, vượt qua, và vươn đến những điều tốt đẹp hơn.