Thật ra, trước khi trở thành cô gái bán bánh tráng vụn trộm ở trường, mẹ đã từng là cô gái bán chè hiên ngang ở chợ đó các con à!

Nói là hiên ngang thì cũng không đúng cho lắm! Mẹ ngồi ở một góc nhỏ, trước cửa căn nhà mà ông bà ngoại thuê ở trong chợ, và cúi mặt xuống vì sợ bạn bè đi ngang nhìn thấy. Thời gian đầu ngồi bán, mẹ thấy mắc cỡ vô cùng.

Nói là hiên ngang thì cũng không đúng cho lắm

Đó là vào khoảng năm 2002, mẹ theo ông bà ngoại trải nghiệm một cuộc sống mới, ồn ào và tấp nập từ sáng sớm tới tận chiều tối. Căn nhà ông bà thuê chỉ có hai ngăn, phía trước bà ngoại vẫn làm tóc, phía sau là phòng sinh hoạt chung, bao gồm cả ăn uống ngủ nghỉ và học hành. Cuối cùng là khoảng không gian dành cho việc bếp núc, khu vực đó dường như là rộng rãi nhất trong căn nhà.

Ông ngoại vẫn chạy xe, bà ngoại vẫn làm nghề, mẹ và cậu Tí vẫn đi học bình thường. Nhưng do phải gánh thêm khoản chi phí thuê nhà, nên bà ngoại đã tìm đủ mọi thứ để có thể buôn bán thêm. Đó là lý do mẹ trở thành cô bé bán chè mỗi cuối tuần.

Bà ngoại thường dậy từ lúc 3 giờ sáng để nấu chè. Nào là chè đậu đen, đậu trắng, đậu xanh, chè thân, chè chuối, … mỗi ngày tầm 3-4 loại, mỗi loại tầm 5-6 bịch, được cột lại gọn gàng và sắp xếp ngay ngắn trên chiếc mâm nhôm hình tròn, đặt trên một chiếc ghế nhựa màu đỏ, và bày ra trước cửa. Ngày thường, bà ngoại nhờ cô bán sữa đậu nành bên cạnh trông giúp, có khách hỏi thì cô sẽ gọi hoặc bán dùm ngoại. Cuối tuần, mẹ sẽ là người đảm nhận công việc đó.

Mỗi bịch chè chỉ có 5000 đồng thôi, nhưng mỗi khi nhận được tờ tiền xanh dương ấy, mẹ mừng vô cùng. Sáng cuối tuần thường chợ sẽ đông, nên mẹ bán tới tầm 9 giờ sáng là sẽ một mâm chè khoảng 10-15 bịch. Số tiền kiếm được mẹ đưa cho bà ngoại giữ, nhưng mẹ biết, vài chục nghìn lợi nhuận ít ỏi đó, chỉ đủ 3 bữa cơm canh đạm bạc qua ngày và chút tiền tiêu vặt cho hai đứa trẻ đi học mà thôi.

Tờ tiền 200 đồng màu kem nhạt có thể mua được vài viên kẹo ăn hàng, hay có thể dùng để gửi xe đạp khi đến trường

Các con biết không? Lúc ấy, đồng tiền giá trị vô cùng. Tờ tiền 200 đồng màu kem nhạt có thể mua được vài viên kẹo ăn hàng, hay có thể dùng để gửi xe đạp khi đến trường. Tờ 500 đồng màu hồng là cả một niềm hạnh phúc mỗi khi mẹ được cho để đi học, nó có thể đổi lấy một ly siro đá bào, hay một ly nước giải khát trong căn tin trường.

Đồng tiền quý như thế, nên việc làm ra nó khiến mẹ vui, hạnh phúc và đầy hăng say. Mỗi lần nhận được tiền bán chè, là một lần mẹ ngẩng mặt cao hơn một chút. Hôm nọ, một cô giáo trong trường mẹ đang học ghé ngang mâm chè mẹ bán, cô nhận ra mẹ, vì lúc ấy mẹ có tham gia nhiều hoạt động đội ở trường, nên nhiều giáo viên biết mặt. Cô hơi bất ngờ. Sự ngạc nhiên của cô khiến mẹ trong giây phút lạc lõng và xấu hổ vô cùng. Nhưng mẹ lộ liễu quá, nên đã bị cô bắt gặp ngay bộ dạng thẹn thùng vô cớ ấy, cô nhẹ nhàng xoa đầu mẹ và nói mẹ gói cho cô 5 bịch chè. Cô nói với mẹ như thế này: “Con giỏi ghê, bán nhanh hết nha, bữa sau cô ghé mua tiếp.”

Câu nói nhẹ nhàng dân dã ấy của cô, đã xóa tan hẳn cảm giác e thẹn của mẹ. Cả cô giáo mà còn ủng hộ việc mẹ làm, lý do gì mà mẹ phải mắc cỡ với bạn bè cơ chứ! Mẹ đã suy nghĩ như thế và hiên ngang buôn bán nhiều ngày sau đó.

Con à! Không có gì phải xấu hổ khi các con kiếm tiền bằng chính công sức và mồ hôi của mình cả, các con à! Mặc cảm chỉ là một loại cảm xúc tầm thường mà các con sẽ dễ dàng vượt qua khi không mang tâm niệm so sánh và luôn hướng về giá trị đích thực trong từng việc mình làm. Chỉ cần không vi phạm pháp luật, không phá vỡ đạo đức, không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đời khác, các con cứ tự tin mà làm, tự tin ngẩng đầu và hãnh diện về những việc tạo ra giá trị cho các con, cho gia đình mình, và cho xã hội mà sau này chúng ta sẽ sống. Nhớ nha con.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm