Hôm nay mẹ thấy các bé học sinh trường tiểu học cạnh nhà mình tập văn nghệ, chuẩn bị cho ngày Nhà giáo VN 20/11 sắp tới. Dễ thương ghê các con à!
Hồi mẹ bằng tuổi các bé ấy, mẹ cũng hay được cô giáo chọn tham gia văn nghệ, biểu diễn trên sân khấu huyện, to lắm! Thêm một động lực lớn nữa là bà ngoại các con lúc đó rất nhiệt huyết. Là ủy viên BCH hội phụ huynh của lớp, nên năm nào bà ngoại cũng ôm show biên đạo phần biểu diễn văn nghệ cho lớp của mẹ.
Vì bà ngoại là đạo diễn, nên lúc đó mẹ cũng chảnh lắm. Buồn cười lắm khi tưởng tượng ra cảnh một con bé ú nù, trắng bệch và hay nhăn nhó, mỗi lần tập múa là ra vẻ ta đây múa hay lắm, chỉ chỏ các bạn phải như thế này, như thế kia này nọ. Toàn là dựa hơi bà ngoại không các con à!
Năm mẹ học lớp 3, bà ngoại chọn 5 bạn trong lớp để hát tốp ca bài “Năm ngón tay ngoan”. Thật ra trong lớp cũng có đội văn nghệ sẵn rồi, bà ngoại chọn lựa cũng dễ thôi, và tất nhiên, không thể vắng mặt mẹ. Bà ngoại xếp 5 đứa chung một hàng theo thứ tự các ngón tay, xếp mẹ đứng thứ 2, tức là mẹ đại diện cho ngón trỏ trên bàn tay của mình.
Hồi con nít ấy, mẹ không thích nhất là cái ngón trỏ đó. Vì mẹ thật không ưa nổi ai mà dùng ngón trỏ chỉ vào mặt mình nói này nói nọ, dù là có khen mẹ lên tận mây mẹ cũng không thích. Vậy mà hay sao, trong 5 đứa, dáng vẻ của mẹ lại hợp với ngón trỏ nhất.
Mẹ đã giận bà ngoại và tập hát trong niềm hậm hực suốt mấy ngày đầu. Đến khi thuộc lời bài hát, và biết hiểu rằng mình là cái “anh đứng thứ hai, một anh tính thật thà đáng yêu” thì mẹ mới nguôi ngoai đi. Và tiết mục đó đã đậu, được lên sân khấu lớn diễn vào đêm 20/11. Ánh đèn sân khấu có làm mẹ run thật, nhưng cũng xóa nhòa nỗi ấm ức vô duyên ấy. Thật là con nít mà.
Lên lớp 8, mẹ lại không thích đứng trong đội múa nữa, mà lại thích làm biên đạo múa. Mẹ là lớp trưởng nên việc xin cô chủ nhiệm giao toàn quyền quyết định thi đua phong trào mừng ngày lễ lớn này cho mình. Cô thương mẹ nên cũng đồng ý. Vậy là, mẹ làm đạo diễn thật.
Nhưng có một sự thật mà lúc đó mẹ không thích chấp nhận lắm, đó chính là mẹ không có năng khiếu múa hát gì cả. Ai chỉ gì thì nghe theo, còn sáng tạo ra điệu múa thì lại không làm được. Thế là năm đó, gần đến ngày duyệt văn nghệ thì mới đi nhờ một chị khác biên đạo múa bày cho đồng bọn. Gấp gáp, không luyện tập nhiều nên năm đó tiết mục của lớp mẹ bị rớt. Thật không biết giấu mặt mũi vô đâu mà.
May cho mẹ là cô chủ nhiệm vị tha vô cùng và lũ bạn cũng vô tư khủng khiếp. “Rớt” văn nghệ, giống như là một tin mừng cho chúng nó, được thoải mái thưởng thức mà không cần phải lên sân khấu. Kiểu vừa dậy thì, con người ta hay ngại ngùng trước đám đông vậy.
Những kỷ niệm thời thơ ấu của mẹ, đẹp lung linh lắm! Mỗi ngày đến trường, mẹ sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi sự kiện xảy ra trong năm học đều mang đến những trải nghiệm thú vị, ảnh hưởng vào tâm trí của chúng ta rất nhiều, các con à!
Chính vì thế, mẹ rất hay tìm tòi tạo điều kiện để các con trải nghiệm. Đi học, đi chơi, đi chợ, đi đây đi kia, đi càng nhiều càng tốt. Vì các con cùng nhau lớn lên nên mẹ tin, các con sẽ có những trải nghiệm cùng nhau thật khác lạ. Mỗi nơi các con đi qua, mỗi việc các con thực hiện, đều sẽ mang dấu ấn và hình ảnh của nhau, của cả gia đình mình.