Mùa trăng rằm lại sắp đến nữa rồi! Không biết rằng năm nay chúng ta có thể đi chơi ngày vọng nguyệt hay không, nhưng mẹ mong mỗi trung thu trôi qua sẽ là một ký ức đẹp trong tuổi thơ các con.
Trung thu của mẹ những ngày còn là cô bé tiểu học là những buổi tối đốt đèn cầy nhỏ quanh nhà. Lửa của những cây nến bập bùng kiểu nhè nhẹ mà khoan thai lắm. Nhìn vào đốm lửa đó, mẹ vơi đi nhiều chuyện buồn.
Đó là một ngày đẹp trời năm lớp 5, mẹ vẫn hiên ngang mang cặp đến trường và vui vẻ cười đùa với bạn bè. Đến giờ vô lớp, thầy Đạt bước vào với vẻ mặt không mấy vui. Là thầy chủ nhiệm lớp nên thầy đặt toàn tâm trí vào lớp mình, đặc biệt là niềm tin thầy đặt nơi mẹ khá lớn. Thế nên, khi mẹ làm sai, thầy sẽ rất giận.
Việc đầu tiên thầy làm là gọi tên vài người bạn lên bảng, úp mặt vào tường, giơ hai tay lên cao và đánh vào mông mỗi đứa một cái. Mẹ không nhớ rõ lỗi của các bạn là gì, nhưng tựu chung lại là có liên quan đến kỳ thi vừa qua.
Dĩ nhiên, việc giáo viên dùng thước dạy bảo học trò ngày xưa không được đánh đồng với những hành động bạo lực học đường bây giờ. Ngày xưa, cây thước đó đã răn dạy nên bao thế hệ thanh niên thành công rạng rỡ cho thời đại ngày nay.
Như thường lệ, mẹ cứ đinh ninh mình sẽ không sao cả. Không ngờ rằng, đứa cuối cùng bị kêu lên bảng lại là mình. Thầy gọi tên mẹ, lúc đứng lên, vùng gáy đã nóng hổi, tim đã đập loạn và chân bắt đầu run. Một đứa lì lợm như mẹ bây giờ nhớ lại, cũng không nghĩ mẹ ngày xưa lại nhát gan đến thế!
Thầy vung thước, đánh mẹ hai phát không hề mạnh, mà rất đau! Thầy trách mẹ rằng: “Tại sao đi thi không chuẩn bị bút viết đầy đủ, tại sao trong một bài văn lại viết hai màu mực xanh và tím? Tại sao không biết mở miệng mượn bút cô giám thị khi hết mực? Tại sao lại để bị trừ 1 điểm vô duyên như vậy?”. Vì đó là môn Văn, đáng lẽ được 8 điểm thì mẹ bị trừ 1, còn 7 điểm và học kỳ đó, thứ hạng của mẹ rớt xuống thứ 3, sau H và D.
Hiển nhiên là mẹ khóc, nước mắt cứ rơi như kiểu đã bị kiềm nén lâu lắm rồi vậy. Mẹ thật sự không biết rằng mình viết hai màu mực trong một bài thi sẽ bị trừ điểm. Mẹ cũng không nhận định rõ là 1 điểm đó ảnh hưởng nhiều đến thế. Mẹ vẫn luôn hiểu, đối với Toán, sai 1 li là đi 1 dặm, chứ không nghĩ môn Văn cũng đưa mẹ đi xa đến thế! Hôm đó mẹ đã nhớ mãi câu nói của thầy: “Bút sa gà chết! Giờ em có hối hận cũng không làm gì được, điểm đã được lưu vào sổ rồi!”.
Mẹ buồn nguyên ngày hôm ấy và học không vô một chữ nào. Vết roi của thầy đau đến mấy cũng không sâu bằng nỗi buồn mà sự hờ hững của mình đối với quy tắc thi cử, không đậm bằng vết thương rớt hạng học sinh giỏi trong lòng. Ngày ấy, danh hiệu học sinh giỏi rất là quan trọng đối với mẹ.
Trên hành trình lớn lên cùng các con, có rất nhiều hạt mầm mẹ mong muốn được gieo vào nhân cách các con. Một trong số đó là sự chủ động. Nhất định phải luôn đặt mình ở thế chủ động, làm chủ được tình thế, làm chủ được cuộc đời mình.
- Nếu trong kỳ thi, cây bút con hết mực, hãy chủ động mượn giáo viên giám thị.
- Nếu con đói, hãy chủ động vào bếp chuẩn bị một bữa ăn đơn giản cho mình.
- Nếu con muốn theo đuổi đam mê, hãy chủ động tìm hiểu kỹ về nó, về mình.
- Nếu con yêu một ai đó, hãy chủ động bày tỏ tình cảm với họ.
- Nếu con phiền lòng về một ai đó, hãy chủ động tránh xa họ ra.
Cuộc đời sẽ không bằng phẳng đâu con ạ! Sẽ có những lúc con quyết định sai, con đi một bước lệch lạc. Nhưng chỉ cần con giữ tâm bình thản và chủ động đối diện với nó, chủ động nhận sai và chủ động sửa sai, mọi thứ sẽ quay trở về đúng quỹ đạo của nó. Thách thức xảy ra dù là bất ngờ hay được dự đoán trước, các con cũng phải chuẩn bị sẵn một nguồn nội lực bên trong, để đưa mình về thế kiểm soát được. Đừng để mình phải hối hận vì đã hời hợt, nha con.