Lại là một câu chuyện những ngày tiểu học của mẹ đây. Các con biết không? Mẹ đã từng là cô bé bán … bánh tráng.

Có một khoảng thời gian, mẹ theo ông bà ngoại về nhà bà cố sống. Lúc ấy, mọi người trong nhà đều làm nghề bánh tráng. Có một chiếc lò đất rất to, được che chở bởi một túp lều mái lá dừa. Trước mặt người tráng bánh là một thau bột rất to, và bên cạnh là một sấp vỉ rất cao. Bà ngoại, bà tám, bà út, bà mười là những người tráng bánh rất giỏi. Họ lấy bột, cho lên lò, đậy nắp cho bánh chính, rồi cuộn lại, trải lên vỉ, và tiếp tục như thế cho đến hết thau bột lớn.

Những thành phần lăn xăn như mẹ và các anh chị em là lực lượng phụ họa việc mang vỉ bánh đã tráng xong đi phơi, gỡ bánh và xếp thành từng chồng, cao chất ngất.

Thời đó, làm gì đã có bánh tráng trộn như bây giờ. Người ta ăn những chiếc bánh to tròn được làm như thế, và mẹ rất tự hào rằng gia đình mình sở hữu một “xưởng sản xuất bánh tráng” có tiếng thời đó.

Mỗi ngày, người lớn trong nhà ai ai cũng làm rất nhiều công việc, từ 3h sáng đến tận 8h tối. Điều đó không có gì là ghê gớm cả, vì nhịp sống của người xưa là như vậy các con à. Đầu tắt mặt tối đến thế, nhưng số tiền kiếm được chẳng là bao nhiêu. Xưởng sản xuất to và có tiếng đến thế, nhưng vẫn được xếp vào dạng hộ gia đình nghèo, đông con.

Đầu tắt mặt tối đến thế, nhưng số tiền kiếm được chẳng là bao nhiêu

Được cái, ngày ngày mẹ đều có bánh tráng ăn cho hả hê, ăn đến phát ngán. Mỗi lần lên lớp, mẹ đều mang một sấp bánh tráng chia cho bạn bè cùng ăn. Bạn bè mẹ khen bánh ngon và đi chia sẻ cho những bạn khác lớp nữa. Tự dưng lúc đó, mẹ không nhớ nhân duyên gì, mà mẹ trở thành cô bé bán bánh tráng, trốn chui trốn nhủi dưới sự quan sát của thầy cô, kinh doanh một cách tự phát như thế. Lúc đó, mẹ lớp 4 thì phải. Mỗi giờ ra chơi, mẹ mang bánh xuống cho các chị lớp 5, và lấy tiền. Bánh trơn là 1000/cái, bánh mặn có ớt là 2000/cái. Thời bấy giờ, 2000 là số tiền lớn đối với mẹ. Ngày nào bán được 5 cái bánh là ngày đó mẹ bội thu. Mẹ mang sấp tiền lẻ về đổi một tờ 10.000 đỏ chót với bà ngoại, số tiền đó, mẹ dành dụm vào một con heo đất, mỗi năm học mới lại lấy ra mua sách giáo khoa cho mình và cho em.

Mẹ cứ “hành nghề” như thế cho đến khi các chị khách quen của mẹ lên cấp 2. Cũng thời điểm đó, ngành bánh tráng bước sang một kỷ nguyên mới, những xưởng sản xuất thủ công như của ngoại dần thất thế. Nhọc nhằn quá mà tiền kiếm được lại chẳng bao nhiêu nên mọi người dần dần theo đuổi một hướng đi mới. Cũng kể từ đó, mẹ từ nhà cung cấp trở thành khách hàng, từ việc chán chê bánh tráng đến việc phải để dành tiền để mua ăn.

Mẹ kể mẩu chuyện thơ ấu cho vui vậy thôi, nhưng cũng hơi cố ý mang ý nghĩa của đồng tiền gửi gắm vào thư cho các con. Hy vọng một mai các con sẽ nhận thức đúng đắn về giá trị của nó, sống độc lập và hòa thuận với nó, để đạt được tự do vô tận, không vướng bận vật chất, các con nhé!

Tiền bạc là một từ ghép, là sự kết hợp của đồng tiền và sự bạc bẽo. Cứ dấn thân vào nó, sẽ cảm nhận được ít nhiều hệ quả không mong muốn theo sau. Kiểu phân tích nghĩa này mang chút màu sắc tôn giáo, nhưng mẹ thấy hợp với mình, và hay với cuộc đời, nên mẹ đặt vào từ điển sống.

Chỉ cần bất cứ mối quan hệ nào dựa trên đồng tiền, đều trở nên mông lung hờ hững. Bất cứ thành quả nào được đo đếm dựa trên đồng tiền, đều trở nên bất định và phiến diện. Bất cứ hành động nào dựa trên đồng tiền, đều không thể bền bỉ đi cùng năm tháng. Vì, theo sau nó luôn là một điều bẽ bàng, một sự đánh đổi.

Song, cuộc sống của chúng ta chẳng phải luôn vận hành theo cái cách đó hay sao? Chẳng phải bàn tay nào cũng có hai mặt trắng đen, chẳng phải cuộc đời nào cũng có những đoạn tốt xấu khác nhau, chẳng phải nhân sinh trên đời đều bị chi phối bởi âm và dương sao?

Tiền là công cụ chẳng thể thiếu trong cuộc sống này, vì thế, sự bạc bẽo cũng là điều không thể tránh khỏi. Nếu tiền mang lại cuộc sống giàu sang sung túc cho một ai đó, hãy nhớ rằng, nó cũng tiềm tàng những góc khuất mà họ đã âm thầm đánh đổi. Chỉ là, sự đổi chác này họ chấp nhận được, sự đổi chác này, không làm ảnh hưởng đến toàn diện cuộc sống của họ. Thế nên, mặt tích cực được phát huy, và mặt tiêu cực được bỏ qua. Bỏ qua, không có nghĩa là không tồn tại.

Các con ngoan,

mẹ không ép các con phải sống lý tưởng hóa cuộc đời mình, mẹ không có quyền đó. Mẹ chỉ mong các con nhận định đúng ý nghĩa của từng từ ngữ có ảnh hưởng đến toàn bộ kiếp sống này của mình, mà đưa ra những quyết định sáng suốt, những sự lựa chọn đúng đắn cho cuộc đời mình. Đừng bao giờ ngừng kiếm tiền để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng cũng đừng bao giờ vì nó mà đánh mất đi giá trị thật sự của bản thân mình. Tuyệt đối, đừng bao giờ. Vì đồng tiền, nó bạc bẽo và vô vị lắm! Đừng khiến nó trở thành vua, đừng để nó lèo lái cuộc đời mình, nhớ chưa!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cũng có thể quan tâm