Là mẹ sinh ra con, hay con đã sinh ra mẹ?
Là mẹ nuôi dưỡng con, hay con chính là nguồn dinh dưỡng của mẹ?
Bạn đã bao giờ tự hỏi mình những câu gai góc như vậy? Từ ngày dấn thân vào nghề làm mẹ, tôi đã nhiều lần hỏi và trả lời bản thân các câu hỏi này! Đó là những câu nói thức tỉnh, nơi tôi nương tựa và bồi bổ năng lượng cho chính mình. Mang các con đến với cuộc đời là một trong những sự lựa chọn sáng suốt, bởi song song đó, tôi cũng đã mang một phiên bản tốt hơn của chính mình đến, viết tiếp những điều xinh đẹp vào cuốn sách của cuộc đời mình.
Tôi đã sinh ra các con, và chính các con đã sinh ra một người mẹ. Chúng tôi cùng nhau lớn lên. Tôi nuôi dưỡng các con, và chính các con đã dạy tôi nhiều bài học giá trị, giúp tôi kích hoạt những kỹ năng tiềm ẩn mà trước đây chưa có dịp sử dụng. Đến hôm nay, khi nhìn lại quãng đường đã đi, tôi thật sự bất ngờ trước một “mình” vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, dưới chiếc tên ngọt ngào – “mẹ song sinh”.
Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ kể bạn nghe về những kỹ năng mà tôi đã phát hiện và mài giũa suốt 3 năm qua. Tuy giản đơn và nhỏ bé, nhưng với tôi, đó là những điều đã nâng cấp bản thân lên nhiều bậc, đã khiến tôi tốt hơn những ngày cũ, dần hài lòng với cuộc sống và tự do theo đuổi những hạnh phúc ấm áp.
___
Song, có lẽ trước khi bàn đến những kỹ năng mà ta có thể phát triển được khi nuôi dưỡng những đứa trẻ song sinh, ta nên thừa nhận một điều: “Trẻ con chính là người giáo viên tốt nhất của ta!” Ta học được nhiều thứ từ trẻ em theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp:
– Bạn sẽ không bao giờ biết bạn kiên nhẫn như thế nào đến khi đã quen thuộc và điêu luyện trong việc giải quyết những cơn tantrums của các con mà vẫn không lạc mất sự kết nối nào với con.
– Bạn có thể lười biếng, uể oải trước đây, nhưng giờ đây, con bạn sẽ biến bạn thành một người năng động và có khả năng làm việc đa nhiệm.
– Tính cách nhàm chán trong bạn sẽ mất đi một khi con bạn bước vào đời bạn.
Thông qua mỗi hành động, các con sẽ dạy cho chúng ta một điều gì đó. Đối phó với những cơn giận dữ và xử lý các yêu cầu của của các con có vẻ mệt mỏi, nhưng thực tế chúng đang mang lại rất nhiều thay đổi tích cực trong ta. Với góc nhìn này, chúng ta sẽ đón nhận những khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng con trẻ một cách bình thản và chủ động hơn.
Mời bạn cùng tôi khám phá 11 kỹ năng mà ta sẽ phát triển được từ việc nuôi dạy trẻ song sinh nhé!
1. Kỹ năng làm trọng tài toàn thời gian không mệt mỏi
Việc phân giải mâu thuẫn giữa các con dường như đã quá quen thuộc ở các gia đình có từ hai con trở lên. Với những anh chị em chênh lệch về độ tuổi, ta thường thấy việc làm phiên tòa sẽ nhẹ nhàng hơn. Anh trai hoặc chị gái thường sẽ có xu hướng nhường nhịn cho em, hoặc tự tìm một phương án thương lượng với em mình.
Nhưng nếu các con bạn là trẻ sinh đôi, bạn sẽ vất vả đảm nhiệm vai trò phân giải nhiều hơn. Luôn có những cuộc chiến tranh giành đồ chơi, quần áo, sách bút, hoặc đơn giản hơn là so bì xem ai sẽ là người đi tắm trước. Không ai trong hai đứa sẽ chấp nhận phần thiệt (không như ý mình muốn), nếu không có sự can thiệp của bố mẹ.
Bạn phải luôn có mặt trong mọi tình huống, tham gia, phân tích và tuyên bố các quyết định cuối cùng, dù chúng có chấp nhận hay không. Chúng sẽ thách thức sự kiên nhẫn của bạn. Còn bạn sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc kiên nhẫn và công tâm hơn nữa.
2. Kỹ năng lập kế hoạch và thiết lập các quy trình
Có một quy tắc khá quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng trẻ song sinh, để bạn dễ dàng đối phó với chúng hơn, chính là luôn cùng nhau thực hiện quy trình có sẵn.
- Hôm nay các con phải dậy từ lúc 6 giờ để đến trường.
- Đã tới giờ ăn tối, các con lên bàn ngồi ăn ngay ngắn chờ mẹ nhé!
- Cùng nhau đi ngủ, đi tắm, đi ăn, đi học, … thôi nào!
- Cuối tuần rồi, chúng ta cùng nhau đi dạo thôi!
Những câu nói trên không phải chỉ cần nói ra là các con có thể thực hiện được ngay theo ý bố mẹ. Bạn cần trải qua trăm lần thất bại, nghìn lần ức chế, vạn lần tức tối, và kiên trì theo đúng mục tiêu ban đầu, mới mong các cậu bé, cô bé của mình có thể hiểu và làm theo được.
Lịch sinh hoạt hằng ngày cần được thiết lập và nhất quán thực hiện càng sớm càng tốt. Và trong suốt quá trình nuôi dưỡng các con, bạn sẽ phải thực hành việc điều chỉnh cho phù hợp với thời điểm và mức độ phát triển của các con, tuân theo lịch trình này liên tục. Thế nên, kỹ năng lập kế hoạch và quy trình của bạn sẽ ngày càng được mài giũa sắc bén hơn.
Bạn có thể là một người linh hoạt, dễ thay đổi, nhưng rồi các cặp song sinh của bạn sẽ khiến bạn trở nên kỷ luật, nghiêm chỉnh và ngăn nắp hơn.
3. Trui rèn một trí nhớ sắc nét
Tôi thường tự nhận não mình rất ư là “cá vàng”. Việc trưa nay mình ăn gì mình còn không nhớ nổi. Nhưng mình lại nhớ rất rõ lần trước hai con đánh nhau mình đã phân xử ra sao, có hiệu quả hay không, đứa này có ý kiến gì, đứa kia phản ứng ra sao, con thích ăn cái gì, nết ngủ như thế nào, … Mọi thứ liên quan đến bọn trẻ đều rõ như bưng trong đầu mình. Vậy mình thuộc loại cá vàng kiểu gì đây?
Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện nho nhỏ của ba mẹ con tôi trên đường từ nhà đến trường và từ trường về nhà mỗi ngày. Bình thường cả hai cậu sẽ tranh nhau đứng trước để hóng gió, hóng chuyện. Hôm nào khỏe khoắn tôi sẽ cho cả hai cậu đứng trước, ngược lại, hôm nào cảm thấy trong người không ổn, tôi sẽ thỏa thuận khi đi cho bạn anh đứng trước và khi về sẽ thay đổi vị trí. Ngày hôm đó chúng tôi “chốt deal” nhanh nhẹn lượt đi. Ở lượt về, đáng lẽ em Willy sẽ là người được đứng trước, nhưng hôm ấy anh chàng thích được đeo cặp trên vai, nên vẫn chấp nhận ngồi sau để được đeo cặp.
Về nhà, anh chàng không quên dặn mẹ rằng: “Ngày mai con đứng trước nha mẹ!”. Mẹ ừ hử rõ ràng rồi, vậy mà lại quên cho được. Lần sau, tôi vội vàng cho kịp giờ dạy, lại nỡ để Willy ngồi sau mà quên lời hẹn ước. Anh chàng buồn, khóc và giận mẹ. Thật may là Tony nhớ về thỏa thuận trước đó nên chủ động nhường chỗ cho em đứng trước. Tôi nhẹ xin lỗi Willy rồi lại và tự hứa với bản thân: “Quên gì thì quên, chứ đừng quên lời hứa hẹn với lũ trẻ.”
Thay phiên là một trong những phương thức hữu hiệu trong việc giải quyết những tranh chấp của các cặp song sinh. Trong vài ngày đầu, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Nhưng ngày tháng trôi qua, bạn sẽ rơi vào tình huống phải nhớ từng chi tiết một cách kỹ càng. Bạn phải xác định được lượt đi của ai trong từng trường hợp. Thông qua các lần thay phiên nhau, các con cũng học được cách chờ đợi đến lượt mình và kiên nhẫn hơn. Bản thân chúng ta cũng sẽ nhận được bài học giá trị từ việc nhớ những điều nhỏ nhặt liên quan đến cặp song sinh của mình trong tâm trí.
4. Kiên nhẫn xử lý những cơn giận dữ
Có lẽ bạn đã nghe đâu đó thuật ngữ “tantrum”. Tantrum được xem là một cơn khủng hoảng, một cơn tam bành – đặc sản của những đứa trẻ ấu nhi. Xử lý cơn giận của một đứa trẻ là một việc khó nhằn. Và, bạn biết đấy, không có gì ngạc nhiên khi tâm trí bạn sẽ xé nát bởi những tiếng khóc inh ỏi khi nhà bạn có nhiều hơn một đứa trẻ đồng trang lứa với nhau.
Một đứa trẻ mới biết đi sẽ rất dễ dàng nổi cơn thịnh nộ, việc của chúng ta là phải thật sự kiên nhẫn để giúp con bình tĩnh lại. Bạn có thể đối diện với cơn giận của từng đứa trẻ, hoặc của cả hai đứa trẻ cùng một lúc. Thật khó để bình tĩnh phải không?
Như việc Tony và Willy thường ăn vạ sau bữa trưa, trước giờ đi ngủ trong giai đoạn 14 – 16 tháng tuổi. Các cậu bé sẽ thi nhau khóc lớn, lăn lộn trên sàn nhà và đạp chân vào cửa phòng liên tục để gọi mẹ. Chẳng có lý do gì đặc biệt cho những cơn thịnh nộ này cả, đơn giản vì các con muốn thế, muốn gây sự chú ý với mẹ và những người xung quanh. Bỗng dưng muốn khóc, thế thôi.
Ban đầu, tất cả ánh mắt, nét mặt, tiếng hét, tiếng đập tay, đạp chân, … sẽ thách thức sức mạnh và khả năng kiềm chế của bạn. Nhưng lâu dần, bạn sẽ sớm quen với những hành động này và bình thản đối diện. Bạn sẽ học được các thủ thuật để xử lý bất kỳ loại cơn giận dữ nào, tùy theo từng đứa trẻ.
5. Luôn cảnh giác mọi nơi, mọi lúc
Những đứa trẻ song sinh có xu hướng làm tổn thương nhau khi điều gì đó không xảy ra như chúng mong muốn. Các con chưa đủ trưởng thành để hiểu hậu quả của việc đánh anh/ chị/ em của mình. Dẫu cho bạn đã giải thích rất nhiều lần và đã có những thỏa thuận được đưa ra trong nhà, bạn vẫn luôn phải để mắt đến bọn trẻ.
Khi ở bên cạnh những đứa trẻ song sinh, thật dễ thấy khi tâm trí chúng ta không ngừng chạy đua với các câu hỏi: “Liệu chúng có đánh nhau không? Có đang tranh giành đồ chơi với nhau không?” Dù là đang trong nhà vệ sinh, tôi vẫn buộc bản thân phải luôn tỉnh táo và kiểm tra con mình từng khoảnh khắc. Chúng ta không bao giờ đoán biết khi nào các chiến binh, dù gái hay trai, dù mập hay ốm, dù khỏe hay không khỏe, sẽ tham gia vào một cuộc chiến cho đến khi bạn giật mình vì tiếng khóc ré lên của các con.
6. Cân bằng tình yêu thương dành cho hai đứa trẻ
Khi sinh đôi, bạn sẽ một lúc có hai con. Nhưng đối với các con, mỗi đứa trẻ đều chỉ có một mẹ và sẽ có xu hướng sở hữu mẹ cho riêng mình, đặc biệt, khi các con còn trong độ tuổi ấu nhi (1-3 tuổi). Vì thế, sẽ không có gì bất thường khi bạn thường xuyên trở thành một món hàng được hai đứa trẻ tranh giành nhau đến sứt đầu mẻ trán.
Bạn sẽ thường xuyên nghe rằng: Mẹ ơi! Ẵm con, chỉ mình con thôi.
Con muốn ngồi trong lòng mẹ
Con sẽ nắm tay mẹ trong khi đi bộ.
Bạn sẽ nghe những câu nói trên không phải chỉ từ 1 mà từ cả 2 em bé của bạn.
Là anh/ chị em sinh đôi, các con không có nhiều thời gian ở một mình với mẹ và họ cảm thấy rằng tình yêu của mẹ luôn được chia sẻ cho người còn lại. Điều này đòi hỏi chúng ta luôn cần phải nhân rộng yêu thương và san sẻ đồng đều cho các con. Tuyệt đối đừng hành động theo bất kỳ một thiên kiến nào, đừng vô tình khiến cho một trong hai đứa trẻ cảm nhận sự thiên vị của mẹ. Tâm hồn trẻ tuy mong manh nhưng lại có khả năng ghi dấu những tổn thương rất lâu.
Là một người mẹ sinh đôi, không có nghĩa là tình yêu thương của mẹ cần được chia đôi cho mỗi đứa trẻ, mà ngược lại, là nhân đôi, hoặc nhiều hơn nữa tình yêu thương dành cho các con. Chỉ khi yêu thương trọn vẹn, chúng ta mới có đủ nội lực để cùng các con lớn lên, cùng nhau cảm nhận sự thi vị trên hành trình này.
Viết tới đây, tôi nhớ đến những ngày hè nắng oi ả năm 2020, khi tôi đang ở bệnh viện Nhi đồng cùng Tony. Cậu bé bị sốt siêu vi, nhưng cao đến mức co giật và phải nhập viện. Tôi buộc lòng gửi Willy cho bà ngoại và miệt mài chăm sóc cậu cả ở viện suốt một tuần. Những ngày xa nhau, Willy không vui vẻ một chút nào. Bố sau khi tan làm thường chở Willy vào thăm anh, hai anh em gặp nhau thì quấn quít, vui tươi hẳn ra. Nhưng Willy lại không thèm nói chuyện với mẹ, không thèm ôm mẹ như thường ngày. Cậu bé khiến tôi hẫng lại một nhịp. Có lẽ, trong thời gian chăm sóc anh Tony, tôi đã vô tình tạo nên một khoảng trống trong lòng cậu bé tình cảm của mình. Để lấp đầy khoảng trống ấy, những ngày sau khi xuất viện, tôi xin nghỉ hẳn việc ở công ty, quyết định ở nhà hoàn toàn và dành nhiều thời gian cho Willy, ôm ấp, vỗ về, trò chuyện… Thật may, bọn trẻ dễ giận, nhưng cũng dễ dụ.
7. Sức lì và sự bền bỉ của bạn cũng được nâng cấp
Mỗi khi trẻ bị ốm, sự căng thẳng của bố mẹ luôn ở mức rất cao. Chúng ta lo lắng cho sức khỏe của con, không ngại thức trắng đêm, không ngại nuông chiều, không ngại dỗ dành, vỗ về con liên tục. Đặc biệt hơn, khi cả cặp song sinh cùng nhau ốm, sức khỏe và sức bền của bố mẹ tự dưng tăng lên gấp bội. Cho đến khi các con khỏe, cũng là lúc bố mẹ cạn kiệt năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nhưng cạn kiệt không có nghĩa là bố mẹ được nghỉ ngơi trọn vẹn những ngày sau đó. Tất nhiên, chúng ta cần dành thời gian chăm sóc cho bản thân mình, song, tin tôi đi, bạn sẽ luôn trong trạng thái lo lắng cho con hơn chính mình, và sẽ không thể thoải mái nằm nghỉ ngơi quá lâu.
Nhắc lại câu chuyện Tony bị bệnh, sau khi anh chàng khỏe lại, cũng là lúc tôi “sập nguồn”. Những đêm thức trắng đo nhiệt độ liên tục cho con, cho con ăn, dỗ cho ngủ, cùng con uống thuốc, đã khiến cơ thể tôi rã rời. Thế nhưng, có một nguồn năng lượng nào đó mạnh lắm bên trong thúc đẩy tôi liên tục, không cho phép tôi gục ngã. Những khi con ngủ, tôi tranh thủ ngủ để nạp pin. Và khi con thức, bạn biết đó, tôi lại trở thành một người bình thường, như chưa hề biết đến cơn đau lưng vừa nhói trước đó vài phút, cơn sốt nhẹ chập chờn vào buổi sáng và đôi chân đã rã rời vì đi đứng quá nhiều.
Chúng ta không có ngày nghỉ thật sự. Chúng ta sẽ luôn vận động. Ấy vậy mà, chúng ta sẽ vượt qua rất nhanh, rất nhẹ. Có lẽ, đó là một minh chứng cho sức mạnh của tình thân.
8. Quên đi cảm giác chán nản dù làm một việc rất nhiều lần
Bạn vừa dọn dẹp đống đồ chơi xong thì các cậu bé lại tiếp tục đổ bừa ra sàn nhà. Bạn vừa thay đồ cho cô chị xong thì lại đến lượt cô em làm ướt đồ và cần phải thay. Bạn vừa cất gọn đống sách cậu anh đọc xong thì đến lượt cậu em lôi ra khám phá. Không có gì quá lạ lẫm khi bạn đang ăn cơm và từng đứa trẻ yêu cầu đi vệ sinh … Tất nhiên, nếu các con cùng chơi, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm mọi thứ thì sẽ dễ hơn cho bạn. Song, không phải lúc nào bọn trẻ cũng cùng làm theo ý bố mẹ. Có thể lúc này bé anh muốn đọc sách, nhưng bé em lại thích chơi xe ô tô, và ngược lại. Sẽ có muôn hình vạn trạng tình huống xảy ra mà bạn sẽ phải lặp đi lặp lại cơ số công việc một cách nhàm chán với những đứa trẻ song sinh.
Thời gian đầu, ắt hẳn bạn sẽ rất khó chịu và mệt mỏi. Rồi sau một thời gian, khi nhìn nhận những khó khăn ấy như một phần không thể thiếu trên hành trình của mình, bạn sẽ chấp nhận chúng một cách dễ dàng, thực hiện chúng một cách thoải mái hơn. Lúc này, bạn sẽ không còn thấy điều gì là quá chán chường trong cuộc sống của mình nữa. Mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân và giá trị đi kèm, chỉ là chúng ta có nhận ra hay không mà thôi.
9. Họ cách quản lý tài chính hiệu quả
Nếu nhìn một cách tổng quan, khi biết mình mang thai đôi, bạn ngay lập tức nghĩ rằng chi phí nuôi dưỡng những đứa trẻ này sẽ tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn. Điều là đúng, nhưng không đủ. Có những thứ bạn cần trang bị nhiều hơn cho hai con, nhưng cũng có những vật dụng chỉ cần một cái là đủ.
Bạn sẽ bắt đầu xem xét kỹ lưỡng cái nào cần gấp đôi và cái nào có thể chia sẻ. Đây chính là cơ hội để bạn học các lập kế hoạch tài chính và cân đối các mức chi tiêu trong gia đình. Mỗi gia đình sẽ có một cách quản lý nguồn thu chi và mục tiêu tài chính khác nhau, nhưng khi đã có con, hầu như các khoản tiền của chúng ta đều tập trung nhiều vào những đứa trẻ. Sau nhiều lần cân nhắc và điều chỉnh nguồn tiền gia đình, bạn sẽ nhận ra mình trở thành một kế toán trưởng tại gia tài ba như thế nào.
10. Trở nên đa nhiệm mọi nơi, mọi lúc
Chưa đề cập đến việc đa nhiệm là tốt hay xấu, là nên hay không nên. Nhưng nếu một tay cân hai đứa trẻ nhỏ, bạn sẽ thấy mình luôn trong trạng thái tranh thủ nhiều nhất có thể. Ví dụ, khi đi xuống lầu để nấu ăn, bạn sẽ tranh thủ gom luôn quần áo dơ để vào máy giặt, tránh phải lên xuống cầu thang nhiều lần. Khi nấu cơm, bạn sẽ tranh thủ để các con chơi trong quây cũi và vừa nấu, vừa trò chuyện, theo dõi bọn trẻ liên tục. Khi đang đọc sách cho con, đôi khi bạn cũng sẽ tranh thủ gấp quần áo và để cho những đứa trẻ quyền cầm quyển sách… Bạn sẽ không nhớ nổi mình đã làm việc nào đó vào thời điểm nào, làm ra sao. Chỉ chắc chắn một điều rằng, bằng một khả năng quán xuyến nào đó mà mọi việc đã chu toàn, từ con cái đến nhà cửa, thậm chí là công việc.
___
Chẳng phải tự nhiên mà chúng ta tôn thờ và luôn biết ơn mẹ mình. Bởi khi đã làm mẹ, bạn sẽ cảm thấy mình xứng đáng như thế nào. Từ một cô gái vô lo, bạn trở thành người chu toàn mọi việc. Từ một người vụng về, bạn sẽ rất nhanh chóng trở nên thành thạo với việc nhà. Không điêu ngoa chút nào khi nói rằng, mẹ là siêu nhân. Nếu có một ai hỏi bạn rằng: “Làm thế nào để xoay sở để nuôi hai đứa trẻ song sinh cùng một lúc, khi cả hai đều hiếu động như nhau?”. Có thể bạn sẽ không trả lời được. Bởi chỉ khi trở thành người trong cuộc, khi không còn cách nào khác ngoài việc trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn, chúng ta mới hiểu được hành trình này là quý giá và xứng đáng như thế nào. Chúng ta đang nuôi dưỡng những đứa trẻ, và ngược lại, bọn trẻ cũng là những huấn luyện viên nhiệt thành, đang mài giũa trở thành phiên bản tốt hơn.
Chúng ta học được nhiều điều từ việc nuôi dạy những đứa trẻ song sinh. Ngày tháng trôi qua, các con sẽ lớn hơn và trở nên độc lập hơn. Nhưng những kỹ năng mà chúng đã cấy vào bạn sẽ ở lại với bạn mãi mãi. Vì vậy, hãy thôi căng thẳng về tất cả những vất vả mà bạn đang gánh vác cho cặp song sinh của mình. Thay vì giận hờn và oán trách, hãy cảm thấy may mắn và biết ơn vì có cơ hội này để học hỏi và rèn luyện.
Hãy luôn làm mới bản thân, bằng cách khám phá những gì chúng ta gặt hái được từ hành trình kỳ diệu này và cách con bạn đã định hình bạn thành MỘT CON NGƯỜI TUYỆT VỜI VÀ MẠNH MẼ.